Có phải em là…

- Đến năm 2016 này mới có quyết định dỡ mấy căn nhà cấp 4 trong thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới để nhìn vào cổ thành thấy… cổ thật. Nhưng còn nhiều chỗ “tân cổ giao duyên” lắm.

- Thế cũng là may mắn lắm rồi. Ở Đà Nẵng có thành Điện Hải, lớn hơn thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) là một thành có pháo đài 30 khẩu pháo đã từng chống lại các hạm đội thực dân của Pháp, Tây Ban Nha từ đời Nguyễn. Nhưng nay không trình UNESCO được vì dân và cả cơ quan của Đà Nẵng đã “lấn chiếm đất công” xây nhà, lấp cả hào bên ngoài thành, lập phố, chỉ là di sản của ta thôi.

- Thành Lồi ở Huế, nơi vua Chiêm Thành (Phật Thệ) đóng đô, chu vi 2km có cả di tích Tháp Chăm nhưng do không có kinh phí bảo quản nên dân vào ở, khai hoang trồng cây, trồng rừng hết cả đất di sản. Nói chung trên cả nước các di sản văn hóa vật thể đều bị xem nhẹ, nếu không sẽ “ra ngõ thấy di sản”, du lịch năm châu sang ta đông như kiến.

- Vừa qua tại Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình đã dựng tượng ông Trần Lâm, người sáng lập trường và ngành phát thanh - truyền hình cả nước. Đã có Quỹ học bổng Trần Lâm và chính các học sinh là người hàng ngày chăm sóc tượng ông. Còn ở một trường cấp III ở Sơn Tây có tượng nhà thơ Quang Dũng, dám chắc ít người đến thăm. Tượng ông đặt ở xứ Đoài, ông không còn để “Ta nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”, nhưng Sơn Tây giờ là ngoại thành Hà Nội, Quang Dũng vẫn là đám “Mây ở đầu ô mây lang thang”!

- Dịp 10.10 ngày Giải phóng thủ đô năm nay, giới âm nhạc đã chọn ra 10 ca khúc bất hủ về Hà Nội. Bác thích bài nào nhất?

- Bài nào cũng hay, là người Hà Nội gốc, có bài chỉ nghe dạo nhạc tớ đã rơm rớm nước mắt, thương nhớ thủ đô ngay giữa Bờ Hồ. Nhưng để xếp hạng phải chọn bài “Có phải em mùa thu Hà Nội”, thơ Tô Như Châu, nhạc Trần Quang Lộc. Hai người này đều ở… Huế. Tô Như Châu viết “Có phải em mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm” lấy cảm xúc khi nhìn những cô gái Hà Nội phiêu bạt vì chiến tranh vào Huế. Rồi Trần Quang Lộc phổ nhạc. Năm 1972, ca sĩ Thái Thanh ra Huế là người đầu tiên hát bài này. 30 năm sau cô ca sĩ Hồng Nhung sinh tại Hà Nội, ngụ Sài Gòn đã hát bài này và khiến người Hà Nội, nhất là những người xa quê, xa nước đều muốn “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Nhưng vào lúc “tuổi phong sương” không phải ai cũng tung cánh được!

- Không hiểu sao chưa có một đĩa nhạc “10 siêu phẩm” về Hà Nội nhỉ? Nói đến Hà Nội chỉ thấy ăn: Phở, bún chả, cà phê cũng cho trứng gà vào cho béo. Có lẽ nghệ thuật ẩm thực vào thời buổi thị trường át cả thi ca?

LÝ SINH SỰ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/co-phai-em-la-601281.bld