Cơ hội việc làm rộng mở nhưng ngành điều dưỡng vẫn thiếu nhân lực

Theo các chuyên gia, dù cơ hội việc làm trong nước hay ở một số nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho những người theo học ngành điều dưỡng là rất lớn, thu nhập cao nhưng do rào cản ngôn ngữ và đặc thù liên quan đến sức khỏe nên ngành này vẫn đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nhân sự vững tay nghề.

“Khát” nhân lực điều dưỡng

Theo các báo cáo mới đây, thực trạng thiếu hụt điều dưỡng Việt Nam nói riêng và các nước phát triển đang ở mức độ báo động. Thống kê của Hội điều dưỡng Việt Nam cho thấy hiện tỷ lệ điều dưỡng của nước ta là 11,4 điều dưỡng/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với một số nước trên thế giới như tỷ lệ điều dưỡng ở Philippines là hơn 50 người/10.000 dân, ở Ấn Độ là 20 điều dưỡng/10.000 dân.

Tương tự, tình trạng khan hiếm nhân sự ngành điều dưỡng cũng diễn ra ở nhiều quốc gia như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Hội đồng Y tế Thế giới cho biết, toàn cầu cần thêm 9 triệu điều dưỡng và hộ sinh nếu muốn đạt chỉ tiêu về độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn cầu năm 2030.

Còn tại Đức, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tiên, Giám đốc phát triển giáo dục của Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn giáo dục Clevermann (TPHCM), cho biết theo thống kê, đây là một trong những nước có dân số già đứng đầu thế giới, nhóm lớn hơn 65 tuổi chiếm 23% dân số. “Báo cáo năm 2022 được công bố bởi Viện Y tế Quốc gia cho biết, Đức không thể tuyển dụng đến hơn 520.000 vị trí điều dưỡng toàn thời gian. Báo cáo của Đài Deutsche Welle (Đức) cũng cho biết, đến năm 2030 nước này sẽ cần hơn 300.000 điều dưỡng do thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên chăm sóc”, ông Tiên nói.

Còn theo ông Nguyễn Nhật Anh, đồng sáng lập Công ty đào tạo và phát triển nhân lực Viettalents GmbH (Đức), chính sự thiếu hụt và không cân bằng nhân lực đã khiến ngành điều dưỡng được nhiều nước quan tâm, có những chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực cần nhân lực trình độ cao.

Cụ thể, theo thông cáo của Bộ Giáo dục và nghiên cứu Đức, từ ngày 1-3, các điều khoản mới thuộc “Luật nhập cư sửa đổi” chính thức có hiệu lực, mang lại sự đơn giản hóa cho sinh viên quốc tế, người học nghề và những chuyên gia lành nghề đến từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với tình trạng thiếu nhân lực, nhất là ở những lĩnh vực then chốt như chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng), công nghệ thông tin… Một thay đổi nổi bật là cho phép du học sinh làm việc tối đa 20 giờ/tuần, mức tăng gấp đôi so với trước đây.

Tại một số nước, ngành điều dưỡng đang cần rất nhiều nhân sự. Ảnh minh họa: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng tại một số nước như hiện nay, ông Nhật Anh cho biết du học ngành điều dưỡng có thể xem là một hướng đào tạo nhân lực và mở rộng thị trường việc làm cho nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh cơ hội việc làm rộng mở, mức lương và cơ hội nhập quốc tịch của ngành điều dưỡng tại một số nước vô cùng hấp dẫn. Theo đại điện Công ty tư vấn giáo dục Clevermann (chuyên về tư vấn du học nghề), đơn vị đưa ra mức lương của điều dưỡng làm việc tại Đức là hơn 3.000 Euro/tháng (tương đương khoảng 81 triệu đồng). Điều kiện là ứng viên không quá 38 tuổi, tốt nghiệp hoặc đã có bằng cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng. Hơn nữa, người tham gia còn được chuyển đổi văn bằng điều dưỡng Việt Nam sang văn bằng điều dưỡng của Đức, cũng như được học chuyển đổi bằng cấp quốc tế và cơ hội nhập quốc tịch Đức cao.

Một số đơn vị du học nghề khác như Công ty Phúc Minh EIC (TPHCM) cũng đưa ra mức lương của ngành điều dưỡng tại Đức dao động từ 52-75 triệu đồng/tháng. Còn tại Nhật Bản, mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý sẽ theo quy định của pháp luật là 160.000-180.000 Yên/tháng (tương đương 29-32 triệu đồng); ứng viên hộ lý là 180.000-190.000 yên/tháng (tương đương 32-34 triệu đồng).

Từ bỏ cơ hội làm việc nước ngoài do rào cản ngôn ngữ

Dù được đào tạo về ngôn ngữ, thu nhập cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao được tay nghề là các ưu đãi đối với điều dưỡng khi sang một số nước như Nhật Bản, Đức làm việc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Võ Minh Khoa, Giám đốc phát triển giáo dục của Công ty tư vấn giáo dục Clevermann, cho biết “xuất khẩu” điều dưỡng vẫn ít người tham gia do rào cản ngôn ngữ. Theo đó, nhiều người muốn đi Đức nhưng luôn nghĩ rằng học tiếng khó nên chọn từ bỏ cơ hội làm việc tại nước ngoài.

Ngoài ra, thị trường tuyển điều dưỡng đi Đức vẫn còn khá mới mẻ nên chưa được chọn nhiều. Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu điều dưỡng nên cơ hội việc làm của mọi người cũng rộng mở hơn.

Không chỉ lý do rào cản ngôn ngữ, một số ý kiến còn cho rằng thu nhập tại các nước Đức hay Nhật khá cao nhưng hợp đồng làm việc khoảng ba năm là quá dài. Chị N.T.H. (25 tuổi) tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), cho biết chị đã tìm hiểu và có ý định sang Nhật Bản làm việc; thế nhưng, thời gian ba năm là quá dài nên chị vẫn còn đắn đo.

“Từ bỏ công việc tại Việt Nam để làm việc tại môi trường khác lạ hoàn toàn về văn hóa, cách sống, tiếng nói và chưa từng đặt chân đến cũng là một bước đi khá mạo hiểm. Vì vậy, tôi mong muốn có chế độ “thử việc” với khoảng thời gian ngắn để xem là bản thân có thích ứng được với môi trường mới hay không”, chị H. bày tỏ.

Một trong những rào cản lớn đối với điều dưỡng làm việc tại nước ngoài là ngôn ngữ. Ảnh minh họa

Trước tình trạng nhiều trung tâm tư vấn du học mở tràn lan như hiện nay, ông Khoa khuyến cáo để tránh tiền mất tật mang, người dân nên tìm các đơn vị tư vấn có tư cách pháp lý rõ ràng. Điều này được thể hiện qua giấy phép hoạt động và thâm niên của đơn vị tư vấn.

Mọi người cần tránh xa các đơn vị tư vấn cam kết “ảo” đỗ visa 100%. Visa không phải do đơn vị tư vấn du học quyết định mà phụ thuộc hoàn toàn vào hồ sơ, buổi phỏng vấn (nếu có); đặc biệt là quyết định cuối cùng đến từ Đại sứ quán. Các đơn vị tư vấn du học chỉ có vai trò hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết, góp ý bài luận, tạo điều kiện tốt nhất giúp các em học sinh tăng khả năng đỗ visa cao. Những đơn vị tư vấn du học uy tín cũng chỉ có số liệu tương đối ở mức khoảng 90%.

Đặc biệt, người lao động cần chuẩn bị vững chắc nền tảng ngoại ngữ trước khi xuất cảnh. Mọi người không nên có suy nghĩ ra nước ngoài trước, sau đó mới học bổ sung tiếng. Bởi chi phí học ngôn ngữ tại một số nước như Đức khá cao. Ngoài ra, ứng viên còn gặp những tình huống rủi ro như bị ép lương, hủy hợp đồng đào tạo vì không đủ trình độ hoặc bị lừa đảo bởi các tổ chức giả mạo, ông Khoa lưu ý thêm.

Minh Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/co-hoi-viec-lam-rong-mo-nhung-nganh-dieu-duong-van-thieu-nhan-luc/