Cơ hội 'đổi đời' từ nông nghiệp bền vững ở huyện biên giới Đức Cơ

Năm 2017, gia đình ông Kpuih Tít (làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai) đăng ký vay vốn hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng 800 cây cà phê. Nhờ chăm sóc tốt, đầu tư đúng, chỉ 2 năm sau, cà phê cho thu hoạch giúp gia đình ông trả hết nợ vay và vươn lên thoát nghèo...

Gia đình ông Kpuih Tít là một trong số hàng nghìn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Đức Cơ đã có cơ hội “đổi đời” nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương. Ông cho biết, với quyết tâm thoát nghèo bền vững, năm 2020, gia đình ông đã tiếp tục vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng 400 cây điều và tiếp tục chăm sóc vườn cà phê.

Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp

“Vốn vay được ngân hàng hướng dẫn cụ thể nên gia đình tôi sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Cây cà phê, cây điều phát triển tốt, cho sản lượng ổn định đã tạo nguồn thu để gia đình trả nợ đúng hạn”, ông Kpuih Tít phấn khởi nói.

Hàng nghìn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Đức Cơ đã có cơ hội “đổi đời” nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương.

Có thể khẳng định, phát triển kinh tế bền vững nhằm nâng cao hơn nữa đời sống người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn là mục tiêu trọng tâm của huyện Đức Cơ trong những năm qua và định hướng thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu đó, UBND huyện đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung vào nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, điều, cây ăn quả. Huyện cũng sẽ hoàn chỉnh Đề án cải tạo và nâng cao giá trị cây điều trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030.

Năm 2023, huyện hỗ trợ 1.400 cây cà phê giống để người dân tái canh; hỗ trợ nông dân thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập. Cụ thể, huyện đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất điều với Công ty TNHH OFI Việt Nam Chi nhánh Gia Lai thông qua HTX Điều Đức Cơ, HTX Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ; chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng với HTX Nông sản xuất khẩu Bắc Tây Nguyên và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ quốc tế Trường Sơn. Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng.

UBND huyện cũng đã phân bổ 106,087 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, nhà văn hóa tại các thôn, làng. Đồng thời, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới; ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 20/2/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 với quyết tâm đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 2,2% trở lên…

Để góp phần thực hiện tốt kế hoạch, huyện đã phân khai hơn 7 tỷ đồng triển khai các chương trình, dự án nông nghiệp; hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng cho 29 hộ dân khó khăn về nhà ở để xây dựng nhà ở kiên cố. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 12 lớp học nghề nông thôn cho người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê của UBND huyện Đức Cơ, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2022 đạt 43,52 triệu đồng, tăng 32,82 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 15,21% (theo tiêu chí mới)…

Trong xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp và người dân đã đóng góp 127,855 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. Đến cuối năm 2022, huyện đã có 3/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 12-16 tiêu chí. Đặc biệt, huyện đã có 20 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong 10 năm trở lại đây, kinh tế luôn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng trên 13%. Với thế mạnh từ các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, điều được hình thành trên 15.000ha, huyện Đức Cơ đã triển khai những giải pháp đồng bộ, tập trung phát triển kinh tế với mục tiêu “Phát huy mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, phấn đấu xây dựng Đức Cơ thành vùng kinh tế động lực phía Tây tỉnh Gia Lai”.

Từ năm 2020, huyện Đức Cơ đã điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gặp gỡ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện dự án tại địa phương. Với cơ chế thuận lợi, môi trường thông thoáng, nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến đầu tư, trong đó, Công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp đã triển khai thực hiện chương trình liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 423 ha; Tập đoàn Lộc Trời triển khai dự án liên kết trong sản xuất nông nghiệp mà sản phẩm chủ lực là cây ăn trái…

Lan tỏa từ mô hình điểm

Cũng trên địa bàn xã Ia Kriêng, ông Hoàng Văn Trọn (làng Grôn) nổi tiếng với cái tên “Chín sầu riêng” với trang trại hàng nghìn cây sầu riêng được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Sản xuất bền vững giúp gia tăng giá trị của nông sản.

Ông Trọn kể, năm 2018, ông quyết định mua 70 ha đất để trồng gần 15.000 cây sầu riêng giống Dona. Khi bắt tay trồng sầu riêng với diện tích lớn, mọi người bảo ông có tiền nên muốn chơi ngông! Thậm chí, họ còn đặt cho ông cái tên là “Chín điên”. Nhưng đến nay thấy vườn cây của ông phát triển xanh tốt, năm 2023 có 15 ha cho thu hoạch thì họ chuyển sang gọi ông là “Chín sầu riêng”.

Ông Trọn cho biết, việc canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ giúp đất tơi xốp, giữ được hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng, từ đó kháng được các loại nấm bệnh gây hại. Để giảm chi phí, nhân công, ông đầu tư lắp đặt hệ thống béc tưới tự động đến từng gốc cây.

Ông Trọn còn sử dụng flycam để theo dõi nhân công làm việc. Đồng thời, ông đánh số từng hàng, từng lô để tiện quản lý, chăm sóc. Nhờ các công cụ hỗ trợ hữu ích, hiện 70 ha sầu riêng của gia đình ông chỉ cần 20 nhân công chăm sóc thường xuyên. Dự kiến đến năm 2028, toàn bộ vườn cây sẽ cho kinh doanh.

Đáng chú ý, để đảm bảo nguồn cung lớn cho thị trường và tạo sự gắn kết giữa những hộ trồng sầu riêng, ông Trọn đã vận động các hộ dân ở địa phương cùng thành lập HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên. Đến nay, HTX có 3 thành viên canh tác tổng cộng 100 ha sầu riêng.

HTX đã ký bản ghi nhớ hợp tác với UBND huyện Đức Cơ về liên kết sản xuất, thu mua quả sầu riêng của người dân trên địa bàn. Cụ thể, HTX xây dựng xưởng sơ chế, kho đông lạnh bảo quản phục vụ xuất khẩu gắn với hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết. Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Huyện Đức Cơ hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng.

Lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ cho biết, ông Trọn là người đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng. Với năng lực thu mua hơn 2.000 tấn sầu riêng/năm, HTX sẽ giúp nông dân yên tâm về đầu ra. Nhờ đó, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp thâm canh, đảm bảo quy trình kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn chất lượng nông sản.

Liên kết hợp tác để “đi được xa”

Trên địa bàn huyện Đức Cơ, HTX Xây dựng - thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng (xã Ia Nan) cũng là một ví dụ điển hình về sản xuất nông nghiệp bền vững. Giám đốc Nguyễn Tuấn Duy cho biết, HTX được thành lập từ năm 2018 với 37 thành viên. Đến nay, HTX đã xây dựng dự án liên kết với hơn 300 hộ dân trên địa bàn huyện sản xuất, tiêu thụ với diện tích hơn 600 ha cà phê.

Để phát triển cà phê vùng biên giới cần liên kết các vùng trồng, liên kết giữa HTX với người dân và doanh nghiệp (Ảnh: BGL)

Đồng thời, HTX hướng dẫn người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP và thay đổi tư duy trong sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh để vừa bảo vệ môi trường và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, HTX đã đầu tư máy tách màu, máy xát vỏ cà phê tươi chế biến ướt. Muốn cà phê chất lượng để hướng đến xuất khẩu thì cần phải liên kết các vùng trồng cà phê lại với nhau. HTX cũng đã lên kế hoạch xây dựng đề án phát triển cà phê vùng biên giới, muốn vậy thì cần phải liên kết giữa các huyện để cùng nhau vươn xa”, Giám đốc Nguyễn Tuấn Duy thông tin.

Đặc biệt, một số địa phương ở huyện Đức Cơ cũng rất có tiềm năng để phát triển trồng nấm linh chi đỏ - được ví như "dược liệu vàng", dưới tán rừng giống như mô hình của Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đang thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở thêm một hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

Theo tính toán, cứ 1.000 phôi nấm có giá 60 triệu đồng, sau 3 tháng trồng cho thu hoạch khoảng 120 kg nấm, bán với giá 1 triệu đồng/kg. Mỗi phôi sẽ thu hoạch được 3 lần/năm.

Phó Giám đốc Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ, ông Hồ Văn Hiếu cho biết, đầu năm 2022, HTX phối hợp với Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai trồng nấm linh chi tại rừng keo lai ở núi Cờ. Rừng keo có diện tích lớn nên mỗi bên chọn một khoảnh để trồng. Ban đầu chỉ là tổ hợp tác trồng nấm với 7 thành viên, nay đã “nâng cấp” thành lập HTX. Tính ra, lợi nhuận thu được từ trồng nấm linh chi cao gấp nhiều lần so với tiền bán cây keo. Sau 5 năm, 1ha keo lai chỉ thu được khoảng 50-70 triệu đồng, nhưng mỗi héc ta rừng keo có thể trồng 20.000 phôi nấm linh chi, 1 phôi cho thu hoạch 2-2,2 kg nấm/năm với giá bán dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Chưa kể các dòng sản phẩm tinh chế có mức giá vài triệu đồng/kg. HTX đã có khoản thu khá cao trong thời gian qua để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và HTX mà còn giúp người dân trên địa bàn có thêm thu nhập. Theo Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai Nguyễn Công Hiệu: “Cứ mỗi đợt trồng hay thu hoạch, chúng tôi thuê 15-20 người Jrai ở xã Ia Ka, Ia Pnôn đến làm với tiền công 200.000 - 220.000 đồng/ngày. Hộ gia đình nhận chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của Công ty và HTX được trả lương 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, xưởng sản xuất phôi ở huyện Đak Đoa của Công ty có thường xuyên 15 nhân công người Bahnar làm việc. Qua đó đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số.

Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại tiếp thêm động lực để Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai và HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ mở rộng sản xuất. Hai đơn vị đã tự sản xuất được phôi nấm cung cấp cho thị trường với giá bán 40.000-60.000 đồng/phôi. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng nấm để đáp ứng nhu cầu mua dược liệu bồi bổ sức khỏe của người dân cũng như cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất dược phẩm.

“Chi phí đầu tư ban đầu để trồng nấm linh chi đỏ khoảng 1 tỷ đồng/ha. Nhưng nhu cầu thị trường lớn, lợi nhuận cao và tiềm năng trồng dược liệu dưới tán rừng ở nước ta rất lớn nên chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để trồng nấm linh chi đỏ tại huyện Kông Chro, Đức Cơ và đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên ở Kbang, Mang Yang. Về cơ bản, các địa phương đều ủng hộ bởi việc này sẽ tạo sinh kế cho người dân và góp phần giữ rừng”, ông Hiệu cho biết.

Phương Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/co-hoi-doi-doi-tu-nong-nghiep-ben-vung-o-huyen-bien-gioi-duc-co-1092989.html