Cơ hội đang rộng mở cho ngành dược phẩm tăng trưởng và xuất khẩu

Giới chuyên gia đánh giá triển vọng ngành dược phẩm sẽ tăng trưởng và xuất khẩu trước cơ hội ngày càng rộng mở từ các FTA, đặc biệt là EVFTA.

Dược phẩm tiếp tục tăng trưởng

BNEWS vừa trích dẫn thống kê: Tổng giá trị dược phẩm tiêu thụ ở Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 123.600 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 8% so với năm 2020.

Năm 2021 là cơ hội cho dược phẩm nội đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương ở kênh ETC

Giới chuyên gia đánh giá triển vọng ngành dược phẩm trong năm 2021 sẽ khả quan hơn năm 2020, do nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã hồi phục và việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài được hỗ trợ tối đa từ cả phía Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu thông qua các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Bên cạnh đó, giá trị tiêu thụ ở kênh OTC tiếp tục tăng trưởng nhờ tâm lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Cơ hội ở kênh ETC dành cho các sản phẩm được sản xuất trong nước với tiêu chuẩn EU-GMP, Japan-GMP hoặc tương đương nhờ lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa được sản xuất với tiêu chuẩn thấp hơn.

Theo chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS, nguồn cung nguyên liệu đã phục hồi từ cuối quý I/2020 và không còn là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Ở mảng sản xuất, tiến độ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau khi việc di chuyển của các chuyên gia tới Việt Nam và việc xét duyệt tiêu chuẩn từ xa được cho phép.

Theo tổ chức IQVIA Institute, tổng giá trị dược phẩm tiêu thụ ở Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 123.600 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 8% so với năm 2020.

FPTS cho rằng, tiêu thụ ở kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc) sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong năm 2021, khi nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm giảm dần. Ở kênh ETC (kênh đấu thầu tại bệnh viện), trong bối cảnh chi tiêu quỹ bảo hiểm y tế bị thâm hụt do tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc ở mức cao, cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp nội địa có khả năng sản xuất dược phẩm với chất lượng cao như EU-GMP và Japan-GMP.

Tiêu thụ ở kênh OTC sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tích trữ giảm. FPTS tin rằng, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt nhờ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ như cách ly và giãn cách xã hội. Do đó, tình trạng tích trữ nhu yếu phẩm như khẩu trang, nước rửa tay… đã và sẽ tiếp tục suy yếu dần trong năm 2021.

Động lực tăng trưởng kênh OTC sẽ đến từ các sản phẩm như vitamin và sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng. Một số nhóm sản phẩm như vitamin tổng hợp, vitamin C và một số sản phẩm có nguồn gốc thảo dược được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 8% - 20%/năm do nhận thức của người tiêu dùng trong việc "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Tốc độ tăng trưởng chung của kênh bán lẻ dự báo ước giảm từ 15,5% trong năm 2020 xuống 10,2% trong năm 2021.

Tuy nhiên, năm 2021 là cơ hội cho dược phẩm nội đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương ở kênh ETC. Trong bối cảnh số dư lũy kế quỹ bảo hiểm y tế có xu hướng giảm từ năm 2015 trong khi số thu quỹ bình quân vẫn tăng trong giai đoạn 2015-2019, các biện pháp điều chỉnh cân bằng thu - chi quỹ đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc giới hạn tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc có giá thành cao.

Cần tận dụng tốt hơn những cơ hội đang rộng mở

Nhằm đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng thuốc, các sản phẩm nội địa có giá thành thấp hơn và được sản xuất dưới dây chuyền EU-GMP, Japan-GMP hoặc tương đương được hưởng lợi thế cạnh tranh nhờ một số ưu tiên pháp lý.

Dù vậy, mới chỉ một số ít doanh nghiệp trong nước đủ khả năng sản xuất tân dược với các tiêu chuẩn sản xuất trên do các giới hạn về vốn, trình độ công nghệ và khả năng nghiên cứu. Do đó, FPTS cho rằng, để các doanh nghiệp nội địa mở rộng quy mô sản xuất tân dược có chất lượng cao, có thể thay thế biệt dược gốc và các tập đoàn dược phẩm quốc tế tăng khả năng cạnh tranh về giá ở Việt Nam thì cần nhờ vào việc nhượng quyền sản xuất thay thế cho nhập khẩu.

Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tập đoàn dược phẩm toàn cầu là cần thiết và là yếu tố thúc đẩy xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dược phẩm ở Việt Nam.

Để tận dụng được các ưu tiên pháp lý trong đấu thầu, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội địa cần đạt được các các tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao như EU-GMP, Japan-GMP… và nhận được sự hỗ trợ trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm generic từ các tập đoàn dược phẩm toàn cầu.

Đây cũng yếu tố thúc đẩy xu hướng M&A giữa các tập đoàn dược phẩm nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm ở Việt Nam

Theo FPTS, xu hướng M&A trong ngành dược ở Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm 2021 do mang lại lợi ích cho cả phía doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và tập đoàn dược phẩm nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp nội, đó là những lợi ích do tiếp cận tiêu chuẩn sản xuất Japan-GMP, EU-GMP… Cụ thể là các doanh nghiệp nội địa được tiếp cận với công nghệ, công trình và dữ liệu nghiên cứu và thử nghiệm; giúp tiết kiệm thời gian và vốn khi phát triển các sản phẩm mới; tận dụng hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong các doanh nghiệp điển hình cho việc mở rộng quy mô dược phẩm có hàm lượng công nghệ cao phải kể tới Công ty CP Traphaco – công ty liên tục là thương hiệu Dược hàng đầu cả nước, được vinh danh tại các giải thưởng danh giá.

Traphaco tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận qua kênh ETC

Việc đẩy mạnh phát triển tân dược được kỳ vọng sẽ giúp Traphaco tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khả quan nhất là khi nhà máy thông minh hoàn tất quá trình đầu tư, nâng cấp lên chuẩn EU-GMP và có thể tham gia vào các gói thầu nhóm 1 và 2 ở kênh ETC có quy mô doanh thu và biên lợi nhuận tốt hơn.

Một trong những tín hiệu rất tích cực từ kỳ vọng ngành dược phẩm tăng trưởng xuất khẩu là CEO TH true MILK Thái Hương vừa tuyên bố TH sẽ chiếm vị trí Top đầu trong bảng danh dự về thảo dược của thế giới trong vòng 10 năm nữa, theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bà Thái Hương chia sẻ: “Tôi đi theo hướng hữu cơ (organic) và phát triển theo hướng không di thực – vùng nào xa xưa đã có các loài thảo dược nào thì bây giờ tôi phát triển nó lên trở thành hàng hóa và xây dựng những nhóm dược liệu có giá trị đặc hữu như các loại sâm, các loại gấc của mình. Trở thành đặc hữu rồi thì làm thương hiệu để tất cả người Việt Nam biết đến và hưởng thụ nó, tiếp đó sẽ đưa ra thế giới”.

Nhiều năm nay, TH đã phát triển được một vùng dược liệu tại Nghệ An quy mô tới 250 ha. Dưới tán rừng và quanh bìa rừng tại Yên Thành, Mường Lống – Kỳ Sơn, Nghệ An là những vùng chuyên canh gấc, lạc tiên, rau má, sâm bạch quả, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ, và nhiều loại dược liệu quý hiếm tưởng chừng sắp tuyệt chủng như tam thất Bắc, đương quy, đẳng quy, ngũ gia bì, cây bảy lá một hoa…

Với hướng đi đúng đắn, nắm bắt và tận dụng được cơ hội từ các FTA, cơ hội đang rộng mở cho ngành dược phẩm tăng trưởng xuất khẩu.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/co-hoi-dang-rong-mo-cho-nganh-duoc-pham-xuat-khau-28615.html