Có hay không một nền văn hóa Mỹ? [Kỳ 3]

Có một nền văn hóa Mỹ trẻ trung, sống động, chống công thức, luôn thay đổi. Trong vài thế kỷ, nhiều người Mỹ nhìn sang châu Âu để tìm bản sắc của mình.

Tượng Nữ thần Tự do.

Nền văn hóa trẻ trung, sống động, chống công thức, luôn thay đổi

Nhà văn, nhà báo, nhà soạn nhạc Bỉ Jacques Bekaert (1940-2020)

Mỹ sinh ra từ một số “trọng tội”. Người ta cướp của những cư dân bản địa đất đai mênh mông, người ta đưa nô lệ từ châu Phi sang để trồng trọt. Những tội lỗi như vậy phản ánh tinh thần một thời, tính hung hăng của thế giới người da trắng, sự tin tưởng sâu sắc của người da trắng vào nhiệm vụ và quyền lợi của mình là gán ghép nền văn minh của mình cho các dân tộc khác trên thế giới.

Có thể nói, đó là một bước khởi đầu không mấy tốt đẹp. Tuyên ngôn độc lập Mỹ công nhận là mọi người sinh ra đều bình đẳng và mọi người đều có quyền theo đuổi hạnh phúc bị thực tế thách thức ngay: chế độ nô lệ và sự chinh phục những biên thùy mới nhiều khi tàn bạo.

Mặc dù vậy, ngày nay, tôi thấy Mỹ là một đất nước mà con người từ khắp thế giới đến học cách sống hòa bình, sát cánh, trà trộn với nhau để trở thành một dân tộc, một gia tộc, theo đuổi quá trình đào tạo nền văn hóa độc đáo, đó là điều quan trọng sống còn đối với tương lai của tất cả chúng ta.

Có một nền văn hóa Mỹ trẻ trung, sống động, chống công thức, luôn thay đổi. Trong vài thế kỷ, nhiều người Mỹ nhìn sang châu Âu để tìm bản sắc của mình. Nhưng văn hóa Mỹ đâu phải chỉ từ châu Âu đến! Nó đến từ châu Phi, châu Á, từ khắp nơi trên thế giới, dĩ nhiên ngay từ trong lòng văn hóa bản địa Mỹ. Nhạc Jazz còn từ đâu đến nếu không phải là từ Mỹ. Một thứ nhạc thật độc đáo bắt nguồn từ trong tính phong phú và phức tạp của tiết tấu châu Phi cùng những truyền thống cổ điển và dân gian châu Âu.

Nếu không ở Mỹ thì ở đâu có thể tìm được một nhạc sĩ như Charles Ives (1874-1954) - thiên tài tự do tư tưởng đến như vậy! Vào đầu thế kỷ XX, ông làm giàu trong ngành bảo hiểm. Sau khi trả xong nợ áo cơm, ông đã tạo ra trong sự nghiệp âm nhạc mang tính sáng tạo nhất trong thời đại chúng ta. Ông không hề bận tâm đến châu Âu, đến truyền thống, hay đến dư luận đối với nhạc của ông. Ông chỉ sáng tác nhạc mà thôi.

Vào giữa thập kỷ 40 (thế kỷ XX), những họa sĩ Mỹ mang đến một cách nhìn mới về không gian và màu sắc. Từ Jakson Pollock (1912-1956) đến Jasper Johns (sinh năm 1930), từ Barnet Newman (1905-1970) đến Bob Raushenberg (1925-2008), đều thay đổi cách nhìn của chúng ta đối với thế giới và môi trường. Những nhà văn Mỹ hiện đại xuất sắc nhất, từ John Dos Passos (1896-1970) đến Paul Auster (sinh năm 1947) không phải chỉ là học giả thư phòng. Họ đã làm hàng trăm công việc, họ đi, họ chiến đấu, họ thể nghiệm trực tiếp điều trở thành đề tài sách của họ. Người Mỹ tin tưởng vào sự bắt tay vào làm.

Cái “nồi hầm nhừ các dân tộc” không phải là hoàn hảo. Bản thân người Mỹ nhiều khi lại là những người tự phê phán nhạy bén nhất và thường xuyên nhất. Trong thời buổi của chúng ta, những cố gắng của người Mỹ để tạo ra một quốc gia phản ánh tính đa dạng của con người, có thể là sự khẳng định văn hóa tích cực nhất để xây dựng tương lai.

Cái tôi thích nhất trong văn hóa Mỹ là điều nó hứa hẹn, tính lạc quan, tính đa dạng, nghị lực không bờ bến

Nhà hoạt động xã hội Mỹ Donna Anderton

Những nguyên tắc đã tuyên bố của Mỹ đề cao cố gắng cá nhân nhằm tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thời cơ đến với mọi người, bất kể chủng tộc, giai cấp, hay sự phân biệt nào khác. Theo kinh nghiệm của tôi, gia đình và bạn bè, đa số chúng tôi đã vượt lên khá xa gốc gác và gặp nhiều thời cơ hơn là mình tưởng. Xã hội Mỹ cho phép tự do cá nhân đến cao độ, trong mọi cố gắng thực hiện lời hứa hẹn ấy.

Điều mà tôi không vui nhất ở nước tôi là sự tin tưởng rằng văn hóa Mỹ đích thực là tất cả những cái nó tự gán cho mình. Thật là quá dễ dàng khi nghĩ là chúng ta đa dạng, cho mọi người những thời cơ tốt, không có giai cấp, ai cũng thành công được nếu chịu lao động cật lực. Những huyền thoại Mỹ, nhân vật dân gian Paul Bunyan (1628-1688 - mục sư và nhà văn Anh - Thợ hàn nồi) to lớn hơn cuộc sống. Chúng ta dễ dàng tin là, như nhà văn Horatio Alger (1832-1899) hay tài tử điện ảnh John Wayne (1907-1979, biệt danh Duke), cá nhân nào làm hết sức thì cũng có thể thành công. Nhưng ngay một cái nhìn khách quan thoáng qua vào xã hội Mỹ cũng có thể thấy sự thực đâu phải như vậy.

Sự cô lập địa lý của Bắc Mỹ đối với phần lớn thế giới và những nguồn lợi to lớn của xứ cờ hoa khổng lồ khiến cho nhiều người Mỹ có một sự hung hăng về văn hóa thật quả là khó chịu… Do không cần biết người khác nên chúng tôi nghĩ là cách làm của chúng tôi là cách duy nhất. Chủ nghĩa cá nhân thái quá, thể hiện trong khẩu hiệu của bang New Hampshine “Sống tự do hay là chết” không cần biết nhu cầu của gia đình cùng cộng đồng và những dân tộc trên thế giới. Điều này là nguyên nhân sinh ra nhiều vấn đề xã hội; tồi tệ nhất là nghèo nàn, phân biệt chủng tộc, tuyệt vọng, bạo lực. Điều đó cũng dẫn đến những chính sách đối ngoại can thiệp vào tình hình của nước khác.

Tôi cho là “nước Mỹ tốt đẹp nhất” - như chính khách Michael Dukakis (sinh 1933 - cựu thống đốc Massachusetts) đã nói có nhiều thứ để hiến dâng cho công dân của mình và cho thế giới, kể cả tinh thần hào hiệp lâu bền. Nếu biết nuôi dưỡng những sức mạnh lớn và kìm chế những thái quá, chúng tôi có thể học hỏi ở các nền văn hóa khác hơn là từ trước đến nay. Tôi nghĩ lúc đó chúng tôi có thể thực hiện nhiều hơn là hứa hẹn. Nếu làm được, chúng tôi có thể tiến lên với tính chất vừa là quốc gia đa văn hóa, vừa là láng giềng tốt trong cộng đồng các dân tộc.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hay-khong-mot-nen-van-hoa-my-ky-3-255741.html