Cổ đông Trí Việt chất vấn vụ lãnh đạo bị bắt và danh mục chủ yếu HPG

Tại ĐHĐCĐ thường niên của TVC, dàn lãnh đạo mới đã có những chia sẻ rất chi tiết về kế hoạch 2023, ảnh hưởng vụ Chủ tịch bị khởi tố và danh mục đầu tư...

ĐHĐCĐ thường niên ngày 24/6 của CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (HNX: TVC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 với tổng doanh thu 112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng.

Kế hoạch này ghi nhận giảm phân nửa về doanh thu nhưng lại khả quan về lợi nhuận so năm 2022 bởi công ty thua lỗ khủng tới 887 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh 2023 của TVC

Cổ tức 2023 dự kiến tối đa không qua 10% căn cứ vào kết quả kinh doanh. Đại hội cũng thông qua việc không thực hiện triển khai phát hành ESOP đã được ĐHĐCĐ 2021 thông qua.

Đồng thời không triển khai việc ông Phạm Thanh Tùng và Công ty TNHH MTV Tùng Trí Việt nhận chuyển nhượng cổ phiếu TVC mà không phải chào mua công khai đã được thông qua năm 2022.

Thay vào đó, cổ đông thông qua việc cho Công ty Tùng Trí Việt, ông Phạm Thanh Tùng, bà Phạm Thị Thanh Huyền, bà Phạm Thanh Hoa nhận chuyển nhượng cổ phiếu TVC mà không phải thực hiện chào mua công khai. Tức nhóm người và công ty trên sở hữu tổng cộng từ 25% vốn trở lên mua cổ phiếu TVC dẫn đến đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 65% và 75% mà không phải chào mua công khai. Đối tượng chuyển nhượng là ông Đỗ Thanh Hà, ông Đỗ Minh Tiến và ông Nguyễn Trường Huy.

TVC sẽ mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, nguồn từ thặng dư vốn, quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác.

Đại hội lần này cũng miễn nhiệm Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Đinh Hương từ 20/6 và bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Hằng Nga làm thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018-2023.

Group của Trí Việt

Thảo luận

Tại Đại hội, cổ đông đã tiến hành chất vấn lãnh đạo loạt vấn đề quan trọng.

Ảnh hưởng của ông Đỗ Đức Nam và ông Phạm Thanh Tùng đến hoạt động kinh doanh của TVC và TVB như thế nào? Kế hoạch vực dậy công ty trong thời gian tới ra sao?

Sự kiện pháp lý vừa rồi là một bài học cực kỳ sâu sắc cho Tập đoàn Trí Việt, và cũng là bài học nói chung cảnh tỉnh cả thị trường chứng khoán cũng cần phải phát triển, lột xác và Trí Việt sẽ là một hình mẫu tiêu biểu vượt khó. Sự kiện pháp lý đó đương nhiên đã làm ảnh hưởng đến công ty rất nhiều.

Đối với Tổng giám đốc Nam, HĐQT đã thay thế vị trí đó từ cuối năm 2021. Còn về phía Chủ tịch Tùng, ông Tùng là người sáng lập Trí Việt và cũng là người đặt nền móng cho hệ thống. Ông Tùng đóng vai trò là chuyên gia đầu tư chứng khoán. Sự việc pháp lý vừa rồi gây ra tổn thất không thể bù đắp được đối với công ty. Cũng qua sự kiện đó mà vàng thau lộ ra.

Tuy nhiên về khía cạnh khác thì đó cũng là một bài kiểm tra sức khỏe, công ty đã được thử lửa giống như tôi luyện trong "lò bát quái", những con người ở đây đã trải qua những gian nan, thử thách. Từ những con người đó đã lộ ra đâu là bạn, đâu là bè, đâu là những người hỗ trợ giúp đỡ công ty, đâu là người trục lợi công ty trong lúc khó khăn. Từ vụ án trên có thể nói là bài học cho công ty, từ đó nhận ra vai trò của kiểm soát rủi ro.

"Một người như Chủ tịch Tùng một ngày làm việc 17 tiếng, học hành bài bản, tu nghiệp nước ngoài, giảng viên Học viện Ngân hàng... còn để sót trong kiểm soát rủi ro thì chúng tôi một Ban lãnh đạo mới non trẻ cũng rất lo lắng và áp lực. Phải làm thế nào đây?"

Rõ ràng kinh doanh dịch vụ có rất nhiều rủi ro, đặc biệt những rủi ro từ người khác mang lại nên chúng tôi thấy tốt hơn nên tập trung và hoạt động đầu tư, ít nhất là có thể kiểm soát được. Đó cũng chính là kế hoạch vực dậy công ty, tập trung chuyên sâu vào mảng đầu tư. Sau thời gian dịch chuyển thì đây cũng là mảng thế mạnh của công ty.

Khi nào công ty có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 lần 2?

Công ty sẽ có kế hoạch chi trả cổ tức, nhưng do hoạt động thị trường tài chính biến động và sự kiện pháp lý xảy ra với công ty nên khối lượng trái phiếu lớn khách hàng đã rút về ngay từ đầu năm.

Trong năm 2022, TVC đã phải xử lý đến hàng trăm tỷ đồng. Do đó, Trí Việt là đơn vị không chậm trả lãi trái phiếu. Vì vậy công ty chưa có tiền để trả cổ tức năm 2021, đồng thời dừng không vay nợ thêm bất cứ đồng nào.

Thời điểm này công ty quá bận, chưa thu xếp được nguồn tiền và chưa thể bán ngay cổ phiếu vì HPF đang vào giai đoạn tăng giá, mong cổ đông tạo điều kiện để công ty phát triển.

Công ty cam kết rằng chắc chắn sẽ chi trả cổ tức lần 2/2021 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Chúng tôi cũng là cổ đông và về mặt cá nhân cũng muốn nhận được cổ tức như các cổ đông khác.

Thời gian qua, TVC tập trung vào tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và thường niên, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, xử lý hạn chế giao dịch, kiện toàn bộ máy, cắt giảm chi phí... nên chưa có thời gian tính toán phương án chuẩn bị nguồn tiền để chi trả cổ tức. Sau ĐHĐCĐ thường niên này, HĐQT sẽ có thời gian tập trung vào việc này.

Chủ tịch Huyền, thành viên HĐQT Hoa cũng là đại diện cổ đông lớn nhất, họ cũng cần tiền nhưng phải cân đối với hiệu quả kinh doanh bởi 118 tỷ là con số rất lớn, có thể đem lại lợi nhuận vài chục tỷ cho công ty từ giờ đến cuối năm.

Ngoài ra, bây giờ công ty phải ưu tiên thu xếp việc mua cổ phiếu TVC, giảm vốn điều lệ (10 triệu cổ phiếu) và điều này có thể mang lại lợi ích lớn cho cổ đông khi giá cổ phiếu tăng. Dự kiến vào thời điểm cuối năm sẽ trả cổ tức để tối ưu lợi ích cổ đông.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của TVC đều chìm trong thua lỗ, vậy Ban lãnh đạo công ty có dự kiến định hướng kinh doanh thế nào?

Năm 2022 không chỉ riêng TVC mà rất nhiều công ty bị thua lỗ. Ngoài ra, TVC còn có sự kiện vụ án nên thua lỗ là tất yếu. Công ty hiện còn tài sản rất nhiều, số lỗ năm 2023 là 553 tỷ đồng chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng và do còn duy trì đội ngũ làm việc, trả lương, ảnh hưởng của vụ án tới hoạt động công ty.

Thời gian xảy ra vụ án gần như đóng băng hoạt động phát triển kinh doanh để tập trung hết cho vụ án và tái cấu trúc kiện toàn nhân sự. Công ty đã thu co gọn bộ phân môi giới, thu hồi bớt margin, trả hết hợp đồng vay vốn, đóng cửa chi nhánh Hải Phòng... Mặc dù lỗ trong năm 2022 nhưng may mắn cho Trí Việt là đang gần như không có nợ. Hiện danh mục đầu tư chứng khoán vẫn còn nguyên.

Chủ tịch Tùng đã dặn phải giữ danh mục và đến bây giờ cũng đã đến ngày hái quả. Các cổ phiếu Trí Việt mua đều đang có lãi như MWG, còn FPT và HPG cũng chỉ còn lỗ rất ít %.

Trí Việt định hướng về đầu tư trung dài hạn thì lựa chọn và nắm theo một chu kỳ phục hồi (tầm 2-3 năm). Dĩ nhiên công ty sẽ rà soát liên tục chu kỳ 3-6 tháng/lần nhưng công ty đánh giá việc nắm giữ dài hạn các cổ phiếu bluechips sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Với cổ phiếu HPG, công ty sẽ nắm giữ dài hạn và kỳ vọng lợi nhuận trung bình 25-30%/năm. Còn hoạt động đầu tư ngắn hạn, tùy thuộc vào việc TVC vực dậy như thế nào, xử lý công việc ra sao. Nếu cơ hội có tốt nhưng chúng tôi không có năng lực triển khai thì cũng chịu. Nếu có điều kiện TVC tận dụng nguồn nhỏ đầu tư ngắn hạn 2-3 tháng, tìm ra các cổ phiếu có quản trị tốt và có cơ hội tăng trưởng.

Công ty đánh giá thế nào về HPG khi tỷ trọng cổ phiếu này trong danh mục chiếm khả lớn?

Thời gian cuối năm 2022, cổ phiếu HPG giảm mạnh nhưng TVC vẫn giữ nguyên danh mục đầu tư vì quan điểm là dài hạn. Ban lãnh đạo đánh giá HPG hiện tại cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực so với quý 3 và 4/2022 với việc biên lợi nhuận gộp cải thiện và không còn chịu tổn thất lớn do chênh lệch tỷ giá.

TVC cho rằng giá thị trường cổ phiếu HPG vẫn đang thấp hơn giá trị hợp lý và kỳ vọng cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ kết quả kinh doanh cải thiện khi chi phí nguyên liệu đầu vào là quặng sắt và than cốc đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022.

Đồng thời, nhu cầu từ thị trường xây dựng và bất động sản về cuối năm 2023 nhiều khả năng sẽ phục hồi nhờ các chính sách giảm lãi suất cũng như thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường. Như vậy, cổ phiếu HPG là tiềm nằng, kỳ vọng sớm hòa vốn.

Quan điểm của công ty về FPT thời gian sắp tới? Chiến lược đầu tư đối với cổ phiếu này trong danh mục tự doanh như thế nào?

Chúng tôi đánh giá kết quả kinh doanh của FPT vẫn đang thể hiện tín hiệu khả quan khi tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 5 tháng là 23% và 19% so cùng kỳ.

Với kỳ vọng tăng trưởng ngành IT trên toàn cầu ở mức khả quan trong năm 2023, kết hợp với chiến lược M&A các doanh nghiệp dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT, chúng tôi nhận định rằng FPT có thể duy trì đà tăng trưởng hiện tại cho đến cuối năm.

Đặc biệt khi nền kinh tế chung có đấu hiệu phục hồi, kết quả của FPT có thể tăng trưởng tốt hơn nữa. Vậy nên chúng tôi sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và xem xét bán khi giá cổ phiếu ở mức cao hơn.

Giá cổ phiếu TVC đang dưới giá trị sổ sách, công ty có ý định mua vào cổ phiếu hay không?

Thứ nhất, công ty có kế hoạch mua cổ phiếu và đã được thông qua. Thứ hai, giá trị sổ sách của công ty đang là khoảng 9.000 đồng/cp, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian ngắn tới khi mà mọi thứ đã dần ổn định thì giá cổ phiếu cũng phải vượt mệnh giá.

Khi nào công ty có thể giao dịch trở lại như bình thường?

Cổ phiếu TVC bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch do công ty chậm nộp BCTC kiểm toán 2022 quá 45 ngày so với quy định do vướng mắc về thủ tục hành chính tại công ty con là TVB.

Trong thời gian qua, công ty đã đốc thúc công ty con hoàn thiện các thủ tục và công bố BCTC 2022 đã kiểm toán. Ngày 23/6, công ty đã công bố BCTC kiểm toán 2022. Cho đến thời điểm này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn chế giao dịch và đang làm việc với các cơ quan chức năng để đưa cổ phiếu ra khỏi diện hạn chế giao dịch sớm nhất.

Ngoài ra, nhóm các câu hỏi mà cổ đông quan tâm liên quan đến các khoản phải thu trong BCTC năm 2022.

Quan điểm về phần trích lập các khoản phải thu, TVC cho biết, thứ nhất trích lập theo nguyên tắc kế toán thận trọng với mức 70% vì cũng rất áp lực kinh doanh.

Thứ hai, có nợ thì phải trả (đối với cả TVC và TVB), kể cả đối tác và các lãnh đạo cũ đều cam kết điều đó. Tuy nhiên trong điều kiện nền kinh tế khó khăn chung, TVC cũng cần phải tạo điều kiện cho đối tác thân thiết có thời gian thu xếp.

Thứ ba, công ty thực hiện trích lập dự phòng dựa trên nguyên tắc thận trọng trong hạch toán kế toán khi thấy có dấu hiệu rủi ro về khả năng thu hồi nợ. Con số trích lập không phải là lớn so với vốn chủ sở hữu, định hướng công ty là tập trung vào đầu tư để đảm bảo hiệu quả sinh lời tốt.

Thứ tư, mong cổ đông cho các đối tác có thời gian để sắp xếp nguồn tiền trả nợ và các cổ đông yên tâm công ty sẽ đòi lại bằng được.

Công ty hiện có trước có sau, năm 2021 Ban lãnh đạo mang về hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn, có tiền mua cổ phiếu, chia cổ tức. Các năm trước đây cũng chia cổ tức rất đều, chỉ có riêng năm 2022 không chia cổ tức.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/co-dong-tri-viet-chat-van-vu-lanh-dao-bi-bat-va-danh-muc-chu-yeu-hpg-177291.html