Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân

Sau gần 3 năm triển khai, thực hiện, Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021-2025 đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tăng năng lực sản xuất, tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Mô hình sản xuất rau su su theo hướng hữu cơ được triển khai tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Cụ thể hóa Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 4 nội dung cơ chế, chính sách triển khai gồm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm thành vùng tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ giống lúa chất lượng, giống thủy sản; hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC); hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP.

Theo đó, từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh dành gần 130 tỷ đồng hỗ trợ hơn 2.500 tấn giống lúa chất lượng trên diện tích hơn 50.000ha; hơn 5,5 triệu con cá giống thủy sản nuôi ao, gần 56 nghìn giống thủy sản nuôi lồng, bể; hơn 19 nghìn liều vắc xin các loại tiêm phòng cho GSGC.

Riêng trong 2 năm (2021-2022), tỉnh hỗ trợ gần 3.600 ha rau, quả các loại. Các hộ nhận hỗ trợ đúng đối tượng, đáp ứng các điều kiện về qui mô diện tích đối với sản xuất trồng trọt, thủy sản, phòng chống dịch đối với chăn nuôi.

Qua đó giúp người dân tiếp cận với quy trình kỹ thuật mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Năng suất lúa toàn tỉnh tăng từ 58,1tạ/ha năm 2020 lên 59,82 tạ/ha (năm 2021), riêng vụ Đông Xuân 2022-2023 đạt 62,1 tạ/ha; tỷ lệ gieo cấy các giống lúa chất lượng trên địa bàn tỉnh đạt gần 80%.

Các loại rau, quả sản xuất theo VietGAP đều cho năng suất cao đạt 20,8 - 50,6 tấn/ha. Cùng với đó, việc hỗ trợ phòng chống dịch bệnh đã tạo miễn dịch quần thể khép kín, chủ động ngăn chặn, khống chế dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của GSGC.

Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh cá giống mới có năng suất, chất lượng cao; hình thức và đối tượng nuôi được chuyển dần sang nuôi theo thâm canh và bán thâm canh, với nhiều giống cá cho năng suất cao, đạt năng xuất bình quân 13 tấn/ha.

Ông Lưu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn (Tam Đảo) cho biết: Các cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 20 đã tạo “luồng gió mới” giúp người dân địa phương mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Hiện toàn xã có tổng diện tích 80ha rau su su ăn ngọn, trong đó có 40ha trồng tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP; giá trị kinh tế từ cây su su cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa trong cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng chân núi Tam Đảo.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cũng giảm xuống còn 0,73%.

Hiệu quả thực hiện Nghị quyết mang lại rất lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhất là mở rộng diện tích giống lúa chất lượng của tỉnh. Tuy nhiên, còn 1 nội dung chưa thực hiện được là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm khác thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Theo nội dung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác hoặc sang trồng cây ăn quả phải đảm bảo quy định có quy mô 5ha liền vùng hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có quy mô tối thiểu 10ha liền vùng tập trung.

Trong khi diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh thường xuyên có sự biến động, ngày càng thu hẹp do chuyển mục đích sử dụng sang phát triển KCN, đô thị, giao thông… nên các địa phương chưa xác định được vùng chuyển đổi theo quy mô lớn.

Mặt khác, diện tích trồng lúa được giao cho các hộ gia đình có quy mô nhỏ, manh mún, việc dồn thửa đổi ruộng còn hạn chế nên việc thống nhất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa gặp nhiều khó khăn do liên quan đến rất nhiều hộ dân; diện tích đăng ký chuyển đổi của các hộ dân không đảm bảo điều kiện, quy mô theo quy định tại Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh.

Khó khăn nữa, theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 62/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, quy định “Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng” điều này gây khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện.

Để nghị quyết phát huy hiệu quả trong thực tiễn, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh cho phép dừng thực hiện nội dung hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hằng năm khác thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh. Đồng thời tiếp tục thực hiện các nội dung của nghị quyết đã và đang phát huy hiệu quả.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/97032//co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-nang-cao-thu-nhap-cho-nong-dan