'Chuyển mình' để hội nhập, phát triển

Năm 2023 có nhiều yếu tố khách quan tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp song với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và tư duy sáng tạo, giải pháp hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bước sang năm 2024, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, năng động, đổi mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đón vận hội mới từ hội nhập kinh tế toàn cầu.

Công ty CP Toyota Phú Thọ sử dụng giải pháp phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp trong quản lý điều hành.

Sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất, tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ; vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới... đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới. Xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất xanh trở thành bài toán cho các doanh nghiệp để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu. Nhằm đứng vững trên thị trường trong nước, vươn tầm khu vực và thế giới, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực không ngừng để xây dựng nền móng vững chắc, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với kỳ vọng bứt phá.

Công ty CP Gỗ nhựa Thụy Vân, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì chuyên sản xuất tấm ốp nhựa, công suất 300.000m2 sản phẩm/năm. Năm 2023, tấm ốp nhựa của Công ty được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Ông Phùng Minh Nội - Giám đốc Công ty cho biết: “Năm vừa qua, ngành vật liệu xây dựng nói chung gặp nhiều khó khăn do nguồn cầu yếu, thị trường bất động sản chưa phục hồi đã tác động đến hoạt động của doanh nghiệp chúng tôi. Trước tình hình đó, Công ty linh hoạt kế hoạch bán hàng và đồng bộ các giải pháp tiêu thụ sản phẩm. Ngành vật liệu xây dựng năm 2024 có thể chưa phục hồi hoàn toàn nhưng tôi tin rằng sản phẩm tấm ốp nhựa mang nhiều tính năng ưu việt, độ bền cao, vật liệu thân thiện với môi trường, mẫu mã đa dạng sẽ được thị trường đón nhận. Công ty cũng nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật... giúp Công ty phát triển sản phẩm, tạo dựng thương hiệu. Đây cũng là những tiền đề quan trọng để đơn vị tiếp tục mở rộng thị trường cũng như tìm kiếm cơ hội đầu ra bền vững hơn”.

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh... đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu, là giải pháp tích cực giúp giảm phát thải khí nhà kính. Không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước thể hiện rõ sự ủng hộ những doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm xã hội, đồng thời hành động thiết thực để “sống xanh”. Đặc biệt, để tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật vì đó là điều kiện bắt buộc để hưởng ưu đãi về thuế quan.

Các sản phẩm từ tre của Công ty TNHH Bambamboo, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Công ty TNHH Bambamboo, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy đã bước đầu thành công với các sản phẩm trang trí, đồ gia dụng từ tre, phục vụ nhà hàng, khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng và xuất khẩu. Ông Vũ Anh Văn - Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện nay trong xã hội hiện đại, hàng hóa không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, công dụng, giá thành mà còn đòi hỏi tính thân thiện với môi trường trong sản phẩm. Các sản phẩm từ tre đáp ứng được tiêu chí thẩm mĩ, hạn chế rác thải nhựa, nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Công ty có trên 100 mã sản phẩm khác nhau từ tre, trong đó một số sản phẩm được ưa chuộng và xuất khẩu nhiều ở thị trường nước ngoài như: Khay gác bồn tắm, khay để pizza, các dụng cụ văn phòng phẩm, đồ gia dụng nhà bếp...”.

Công ty CP CMC, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trước những thay đổi của thị trường, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp không chỉ đầu tư mua sắm trang thiết bị mà quan trọng hơn là doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số. Thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số để biến thách thức thành cơ hội. Chuyển đổi số được coi là phương thức mới, có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như của các ngành, lĩnh vực.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế chung của toàn cầu bị suy giảm, doanh nghiệp phải tái cấu trúc, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi mang đến những cơ hội để xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, giúp doanh nghiệp “ghi điểm” với khách hàng, có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ và tạo đà phát triển trong dài hạn. Hy vọng rằng, với các giải pháp đồng bộ sẽ tạo thế và lực mới cho doanh nghiệp vững vàng vượt qua thách thức, tạo ra các động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/chuyen-minh-de-hoi-nhap-phat-trien/206697.htm