Chuyên gia thừa nhận: Nga đi sau 20 năm trong lĩnh vực tiêm kích thế hệ thứ sáu

Nga đang tụt hậu rất xa so với phương Tây trong cuộc đua chế tạo tiêm kích thế hệ thứ sáu.

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang tích cực phát triển tiêm kích thế hệ thứ sáu thì Liên bang Nga thừa nhận thậm chí họ còn chưa có khái niệm về một cỗ máy như vậy.

Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga đồng thời là giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Hệ thống Hàng không Nhà nước (GosNIIAS) - ông Yevgeny Fedosov đã cho biết điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn trên hãng thông tấn TASS.

Và mặc dù bản thân ông Fedosov, theo truyền thống của Liên bang Nga, vẫn nói về "tương lai tươi sáng", nhưng các sự kiện được đề cập nói chung giải thích tình trạng thực sự của hàng không Nga hiện nay.

"Chúng tôi hiện đang nghĩ đến khái niệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, tiến hành nghiên cứu thăm dò và trao đổi ý tưởng với các chuyên gia quân sự".

"Một chiếc máy bay như vậy sẽ xuất hiện trước năm 2050, nhưng bây giờ chúng tôi cần hiểu các cuộc xung đột vũ trang trong tương lai sẽ ra sao", nhà khoa học người Nga nói rõ.

Cần nhấn mạnh, đây không phải là việc tìm kiếm khái niệm về những gì cần phát triển, mà hiện tại việc nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ sáu đã được tiến hành.

Đặc biệt tại Mỹ, hợp đồng phát triển tiêm kích NGAD sẽ được ký kết trong năm nay và một số nguyên mẫu của máy bay thế hệ thứ sáu thậm chí đã được tạo ra.

Ngoài ra còn có hai dự án quốc tế khác - Tempest và FCAS. Đầu tiên là FCAS của Anh - Nhật - Ý và hiện có vẻ khả thi hơn FCAS của Đức - Pháp - Tây Ban Nha do các vấn đề trong việc thống nhất về hình dáng của máy bay và vai trò từng bên trong quá trình sản xuất.

Trung Quốc cũng đã có khái niệm về tiêm kích thế hệ thứ sáu, được trình làng vào năm 2022. Hơn nữa, nước này có kế hoạch vượt qua Mỹ trong việc theo đuổi mục tiêu nói trên.

Quay lại với Liên bang Nga, họ thậm chí còn chưa có máy bay ý tưởng và chỉ có những cuộc trò chuyện về việc nó sẽ như thế nào. Và nếu chưa qua được bước này thì không thể bắt đầu phát triển thực sự, bởi vì không có nhiệm vụ nào được phê duyệt.

Nhưng tất nhiên theo truyền thống, điều này không ngăn cản các nhà phát triển Nga tuyên bố rằng một chiếc máy bay như vậy sẽ xuất hiện vào năm 2050, cho dù hiện tại họ còn chưa hoàn thiện tiêm kích thế hệ năm nào.

Hơn nữa, những gì diễn ra là sự thừa nhận rằng Liên bang Nga đã đi sau các đối thủ cạnh tranh ít nhất là 10 năm.

Ngay cả khi chúng ta cho rằng tốc độ phát triển FCAS không nhanh lắm, chuyến bay đầu tiên của chiếc tiêm kích này đã được lên kế hoạch vào năm 2030 và nó sẽ được đưa vào hoạt động năm 2040.

Đáng chú ý là điều này đã xảy ra sau khi thời hạn được thay đổi. Và ngay cả như vậy, Liên bang Nga cũng đi sau phương Tây tới 20 năm.

Nhưng tất nhiên Moskva còn có một “niềm hy vọng” khác. Xét cho cùng, họ có thể gọi bất kỳ máy bay chiến đấu nào là "thế hệ thứ sáu", đây chính là cách mà những chiếc S-70 Okhotnik đang được tạo ra.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-thua-nhan-nga-di-sau-20-nam-trong-linh-vuc-tiem-kich-the-he-thu-sau-post568183.antd