Chuyên gia: Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển đầu tiên

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết tính đến 31/3/2023, quy mô của các quỹ đầu tư đạt 72.600 tỷ đồng, chỉ bằng 0,8% GDP. Các quỹ đầu tư chỉ chiếm 12% tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ với tổng cộng 99 quỹ đầu tư.

Ông Lu Hui Hung và bà Nguyễn Thị Hằng Nga tại Talkshow Phố Tài chính

NĐT chưa “mặn mà” với ngành quỹ

Tại Talkshow Phố Tài chính, chuyên gia đến từ các quỹ đầu tư cho biết quỹ mở mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên hầu hết nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam lại chưa lựa chọn đầu tư vào loại hình quỹ này.

Theo một thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính tới ngày 31/3/2023, thị trường chỉ ghi nhận hơn 212.600 nhà đầu tư tham gia quỹ mở, cùng với 35.581 nhà đầu tư tham gia quỹ ETF, tương đương chỉ 0,25% dân số Việt Nam đã đầu tư vào quỹ đại chúng.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc VCBF, cho rằng có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này. Thứ nhất là tâm lý sợ lỗ do thị trường biến động. Theo bà Nga, trái lại với lo lắng của nhà đầu tư, việc đầu tư qua quỹ sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro khi thị trường giảm điểm. Các quỹ sẽ đầu tư vào một rổ gồm nhiều cổ phiếu, do đó gần như không có trường hợp quỹ giảm 50% hay 70% như trường hợp nhà đầu tư chỉ đầu tư vào 1 cổ phiếu riêng lẻ.

Thứ hai là tâm lý muốn nhân tài khoản lên nhiều lần trong thời gian ngắn, muốn bắt đáy, bán đỉnh. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng tâm lý mua đáy bán đỉnh có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội nắm giữ các cổ phiếu tốt có khả năng tăng giá nhiều lần.

Thứ ba là ngành quản lý quỹ còn mới, kiến thức nhà đầu tư chưa nhiều, tạo nên cảm giác thiếu tin tưởng khi đầu tư vào quỹ.

Yếu tổ cuối cùng là hệ thống đại lý phân phối của các quỹ chưa phát triển, các ngân hàng chưa được phân phối chứng chỉ quỹ mà chỉ giới thiệu, trong khi ngân hàng là kênh phân phối chính của loại sản phẩm này. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng bỏ ngỏ mảng phân phối chứng chỉ quỹ, chỉ tập trung vào môi giới khuyến khích nhà đầu tư giao dịch.

Còn theo ông Lu Hui Hung, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng, việc hình thức đầu tư qua các quỹ chưa phổ biến bắt nguồn từ 3 lý do. Thứ nhất, tương tự như bà Nga đã đề cập, nhà đầu tư chưa cập nhật đầy đủ thông tin về ngành quỹ, thiếu thông tin về các loại quỹ khác nhau, những lợi ích đi cùng, hoặc băn khoăn về sự an toàn tài sản. Các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể không hài lòng với các loại phí và chi phí liên quan đến một số quỹ, gây ra tâm lý đắn đo khi quyết định đầu tư.

Thứ hai là tâm lý và hành vi. Ông Lu Hui Hung cho biết, không ít nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin không chính thức hoặc quảng cáo sai lệch.

“Họ có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tư vấn và hướng dẫn tài chính đáng tin cậy. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, định kiến và sở thích khi đưa ra quyết định đầu tư. Hiện tại, các nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự quan tâm đến mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian và mục tiêu đầu tư của mình. Do đó, họ ít quan tâm hoặc không đủ kiên nhẫn để nghĩ xem giải pháp nào từ quỹ nào có thể giúp ích cho họ”, ông Lu Hui Hung cho biết.

Thứ ba là bắt nguồn từ phía quỹ. Theo đó, nhiều quỹ đầu tư có mục tiêu trung là phân khúc khách hàng có giá trị tài sản ròng cao, do đó nhà tư nhỏ lẻ khó tiếp cận.

Tiềm năng phát triển còn rất lớn

Tại Việt Nam, quy mô của các quỹ đầu tư đạt 72.600 tỷ đồng tính đến ngày 31/3/2023, gần như không đáng kể khi mà chỉ chiếm 0,8% GDP. Các quỹ đầu tư chỉ chiếm 12% tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ với tổng cộng 99 quỹ đầu tư, trong đó quỹ ETF chiếm tới 45% tổng tài sản (trung bình nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 61% các quỹ ETF).

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga đánh giá những con số này cho thấy ngành quản lý quỹ ở Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tiềm năng ở phía trước còn rất lớn.

Đồng quan điểm, ông Lu Hui Hung cho rằng tổng tài sản quản lý (AUM) của toàn ngành quản lý quỹ tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Theo ông, sự phát triển của ngành quỹ có mối tương quan cao với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Hiện nay, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đạt khoảng 4.000 USD. Dựa trên kinh nghiệm các quốc gia khác như Thái Lan, khi GDP bình quân đầu người vượt qua mức 5.000 USD, nhu cầu đầu tư tài chính sẽ tăng lên đáng kể, thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ.

Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ tài khoản giao dịch chứng khoán trên tổng dân số ở Việt Nam đạt khoảng 7,5%, trong khi con số này ở những quốc gia khác trong khu vực lớn hơn, thậm chí lên đến 92,1%. Đặc biệt, tỷ lệ tài khoản chứng chỉ quỹ mở chưa đến 1% dân số tính đến tháng 9/2022.

Theo ông Lu Hui Hung, việc gia tăng số lượng tài khoản giao dịch cùng với sự phát triển của thị trường tài chính sẽ mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường chứng khoán, thu hút nhiều nhà đầu tư biết đến và lựa chọn quỹ là một trong những công cụ đầu tư.

“Để thúc đẩy ngành quỹ, trước tiên phải giúp người dân hiểu về sản phẩm này. Chúng tôi hy vọng rằng các sản phẩm quỹ sẽ không chỉ được đầu tư bởi các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, mà còn được đầu tư bởi những người có mức thu nhập trung bình để đạt được các mục tiêu tài chính trong cuộc sống”, ông Lu Hui Hung cho biết.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, để ngành quỹ có thể phát triển tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, trở thành nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp có chất lượng cao phát triển, cũng như là công cụ quan trọng trong xây dựng thịnh vượng tài chính cho cá nhân, cần sự chung tay của tất cả chủ thể tham gia chuỗi giá trị của ngành bao gồm Chính phủ, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và đặc biệt là nhận thức của công chúng đầu tư.

“Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, chúng tôi mong có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể hơn, đồng thời có các quy định cởi mở hơn để phát triển ngành quỹ”, đại diện VCBF cho hay.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng cho rằng công ty quản lý quỹ cần có những chuyên gia chất lượng, am hiểu về quản lý quỹ, có tư duy đầu tư dài hạn và đầu tư vì lợi ích dài hạn của khách hàng. Các nhà đầu tư cá nhân cần nhận thức rõ hơn về quỹ đầu tư như là một công cụ để tích sản, và đầu tư với lợi nhuận cao so với gửi tiết kiệm.

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ Hai hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chuyen-gia-nganh-quan-ly-quy-o-viet-nam-moi-o-giai-doan-phat-trien-dau-tien-20180504224297172.htm