Chuyến đào vàng suýt lấy đi mạng sống của Jack London

Trong số các tác phẩm hư cấu của Jack London, có hơn 80 tiểu thuyết và truyện ngắn đặt bối cảnh ở vùng cực bắc, lấy cảm hứng từ 9 tháng vật vã trong cơn sốt vàng.

Một hình ảnh chụp trong cơn sốt vàng ở Klondike. Ảnh: KLGO Library.

Ngày 15/7/1897, tàu Excelsior cập cảng San Francisco; 2 ngày sau, tàu Portland cập cảng Seattle, hai con tàu hơi nước này đã vận chuyển từ Klondike về tổng cộng 3 tấn vàng cùng đám thợ mỏ, tin tức này ngay lập tức trở thành quả bom lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Báo chí đưa tin rằng số vàng trị giá tương đương hơn 1 tỷ đôla theo thời giá bây giờ. Ngay lập tức, đã nổ ra một trong những cuộc săn vàng lớn nhất, hoang đường và ảo tưởng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vùng đất Klondike vừa đủ xa để chuyến đi trở nên lãng mạn, vừa đủ gần để có thể tiếp cận. Không gì có thể ngăn được cơn sốt vàng bùng phát.

William D Wood, thị trưởng Seattle lúc bấy giờ đã từ chức để tham gia đào vàng. Ngay cả John McGraw, cựu thống đốc của Washington cũng vội vã lập đội dấn thân vào cơn sốt vàng. Nhân viên từ chức hàng loạt để tham gia khiến cơn sốt vàng trở nên khét tiếng. Rất nhanh, đã có 100.000 người vội vàng lên đường đi về vùng cực bắc theo tiếng gọi của vàng để tìm kiếm vận may.

Tiếng gọi của cơn sốt vàng

Lúc này chàng thanh niên 21 tuổi đến từ San Francisco tên Jack London, vừa nghỉ việc ở tiệm giặt là, cũng lao vào làn sóng ấy.

Người anh rể 60 tuổi James Shepard của Jack London cũng bị nhiễm “sốt vàng”, Shepard đã thế chấp ngôi nhà để lấy tiền cho chuyến đi và rủ em vợ đi cùng. Lúc này, Jack London là một người ham đọc sách nhưng ít học và đang mơ mộng trở thành nhà văn, hành lý mang theo có sách của Milton, Darwin và một số cuốn sách khác.

Nhà văn Jack London. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, đường đến với vàng không bao giờ là đơn giản. Để tới được Klondike, người tìm vàng phải đeo một ba lô nặng khoảng 45 kg trên lưng và lội bộ qua được đường mòn Chilkoot khét tiếng… Anh rể Jack London bị bệnh thấp khớp hành hạ, quá đau đớn, Shepard đành nói lời tạm biệt và quay trở về. Nhưng nhiều người không được may mắn như thế, họ không bao giờ quay lại được quê nhà, chết trên đường, xác được vùi vội bên rìa đường mòn.

Một bức ảnh nổi tiếng cho thấy một hàng dài những người đàn ông nặng nề đang leo lên một con dốc dựng đứng đến đèo Chilkoot - “giống một đàn kiến”, Jack sau này mô tả về họ như thế. Không ai sống sót vượt qua Chilkoot mà quên được nó, riêng với Jack London, cảnh những con người người lầm lũi với ba lô trên lưng leo lên leo xuống con đèo, vượt qua mọi giới hạn cực điểm của con người, Chilkoot trở nên sinh động và thành nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm của anh sau này.

Cuối tháng 9/1897, họ tiến vào một nhánh sông Yukon. Yukon - con sông lớn thứ ba ở Bắc Mỹ, sau Mississippi và Mackenzie - thường đóng băng vào giữa tháng 10. Jack nộp đơn xin khai thác ở thành phố Dawson. Được thành lập vào năm trước, Dawson lúc này có hơn một chục tiệm rượu với sòng bạc, một con đường toàn gái mại dâm có tên là Paradise Alley và khoảng 5.000 cư dân sống trong các cabin, lều trại tạm bợ, thiếu lương thực, không vệ sinh, những con đường bẩn thỉu đầy những người thất nghiệp và chó kéo xe.

Nơi đây Jack kết bạn với hai anh em, Louis và Marshall Bond, họ cho anh cắm trại bên cạnh cabin của họ ở Dawson. Cha họ là một thẩm phán giàu có với một trang trại ở Santa Clara, California; sau này ông ta cũng được hư cấu thành thẩm phán Miller trong Tiếng gọi nơi hoang dã.

Jack kết bạn với chú chó của anh em nhà Bond, một chú chó lai Saint Bernard-Scotch tuyệt đẹp, nặng 60 kg, là hình mẫu cho Buck, con chó trong Tiếng gọi nơi hoang dã. Marshall Bond bị ấn tượng bởi mối quan hệ của Jack London với những chú chó. Thay vì nói chuyện trìu mến và cưng nựng chúng, “anh ấy luôn nói và hành động với chó như thể anh ấy nhận ra những phẩm chất cao quý của nó, luôn đánh giá cao những ưu điểm của loài chó”, Bond viết trong hồi ký của mình.

Jack London ở Dawson hơn 6 tuần. Anh dành nhiều thời gian ở các quán bar và thường trò chuyện với “thợ mỏ” hoặc những người thợ mỏ dày dạn kinh nghiệm. Nơi đây có quá nhiều tư liệu cho một tiểu thuyết gia nhưng lại có quá ít vàng.

Khi sông bắt đầu tan băng, tháng 5/1898, London và 3 người nữa bắt đầu xuôi dòng Yukon trên một chiếc thuyền nhỏ, suy yếu vì bệnh tật. Họ phải chèo 1.500 dặm sông để đến biển Bering, hy vọng bắt được tàu về lại Seattle hoặc San Francisco.

Vào cuối tháng 6, sau một hành trình gian nan vất vả, họ đến được St. Michaels trên bờ biển Alaska, và Jack London đã tìm được công việc xúc than trên một con tàu hơi nước trở về San Francisco.

Chất liệu tạo nên nhà văn nổi tiếng thế giới

Khi về đến San Francisco, sức khỏe phục hồi chậm, anh bắt đầu viết báo, tiểu luận, thơ và truyện ngắn. Anh lao vào làm việc 18 giờ một ngày, đọc và nghiên cứu các công thức để thành công, nhưng mọi bản thảo gửi đi đều bị từ chối làm anh chán nản và thất vọng.

Cuối cùng, tạp chí Overland Monthly đề nghị xuất bản một truyện ngắn về Klondike, nếu anh chấp nhận khoản nhuận bút 5 đôla và phải chịu trả chậm. Jack chấp nhận.

Sách Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London. Ảnh: Đ.T.

Khi số báo đăng truyện ra mắt vào tháng 1/1899, anh còn phải vay 1 xu để mua báo. Khi đã gần như tuyệt vọng với văn chương, may mắn sao - theo cách nói của anh - anh đã được cứu theo đúng nghĩa đen khi The Black Cat chấp nhận truyện ngắn A Thousand Deaths và trả cho anh 40 đôla (tương đương 1.400 đôla ngày nay). Đây là khoản tiền đầu tiên anh nhận được từ một truyện ngắn.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, cuối năm anh đã bắt đầu có được thành công trong lĩnh vực văn chương. Anh đã bán An Odyssey of the North cho tạp chí The Atlantic với giá 120 đôla (tương đương 4.200 đôla ngày nay). Đến năm sau, anh đã kiếm được 2.500 đôla tiền nhuận bút (tương đương 88.000 đôla theo đơn vị tiền tệ ngày nay).

Sự nghiệp viết lách của Jack London bắt đầu cùng công nghệ in mới cho phép xuất bản tạp chí với kinh phí thấp, dẫn đến sự bùng nổ của số lượng tạp chí. Đây là thời kỳ hoàng kim của các tạp chí Mỹ. Để nhắm đến đối tượng công chúng rộng rãi, các tạp chí tìm kiếm những câu chuyện hành động gay cấn, ngắn gọn.

Nhờ làm việc chăm chỉ, kiên trì thử nghiệm cách viết, Jack London đã trở thành bậc thầy trong phong cách này. Chỉ trong vòng 2 năm sau khi rời Klondike, Jack London trở thành nhà văn viết truyện ngắn được trả lương cao nhất nước Mỹ. Năm 24 tuổi, London được nhiều người gọi là “Kipling của Mỹ”.

Vào tháng 6-7/1903, cuốn tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã được đăng thành 4 kỳ trên tuần báo Saturday Evening Post, với mức nhuận bút 750 đôla (tương đương 25.000 đô la ngày nay), nhưng trước đó nhà văn đã gửi bản thảo cho Brett, chủ tịch nhà xuất bản Macmillan.

Xứng danh thế hệ nhà xuất bản có con mắt tinh đời, Brett đã đầu tư 2.000 đôla (tương đương gần 67.000 đôla ngày nay) để mua toàn bộ bản quyền tác phẩm, Jack cần tiền nên đã nhận lời. Với nước đi này, Brett đã làm nên thương vụ thành công nhất trong lịch sử xuất bản của Macmillan. Cuốn sách được xuất bản vào tháng 8, ngay lập tức trở thành sách bán chạy trên khắp thế giới và cho đến ngày nay, Tiếng gọi nơi hoang dã vẫn luôn được tái bản đều đặn mỗi năm.

Jack London, người không ngần ngại viết vì tiền, nhưng khi Tiếng gọi nơi hoang dã bán chạy vì đã bán bản quyền và không bao giờ nhận được một xu nào tiền bản quyền sách tái bản sau này, anh cũng chưa bao giờ phàn nàn về điều đó. Như anh đã nói với vợ mình: “Ông Brett đã bỏ tiền đánh bạc với rủi ro lớn là thua. Đó là trận đấu tôi không tham gia".

Nhưng ngay cả khi không thu được nhuận bút từ Tiếng gọi nơi hoang dã, thì cuốn sách xuất bản thành công đã giúp anh trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới.

Mỗi tháng anh kiếm được 10.000 đôla (tương đương 300.000 đôla ngày nay) từ sách, báo và diễn thuyết. Sống phóng túng, tiêu pha xả láng, London đã thỏa mãn sở thích đọc của mình bằng cách xây dựng một thư viện cá nhân có tới 15.000 cuốn sách, đóng thuyền đi biển một cách xa hoa, mua một khu đất rộng 1.000 mẫu Anh ở hạt Sonoma.

London cũng chi ra khoảng 80.000 đôla (tương đương 2,5 triệu đôla ngày nay) để xây dinh thự Wolf House bằng đá rộng 1.400 mét vuông. Không may, chỉ 2 tuần trước khi nhà văn dự định chuyển đến, dinh thự đã bị lửa thiêu rụi.

Ngày nay, Tiếng gọi nơi hoang dã đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng. Vào thời điểm qua đời năm 1916, Jack London chỉ mới 40 tuổi, là một trong những tác giả được đọc nhiều nhất trên thế giới. Gần 20 năm sáng tác với bút lực sung mãn, Jack London đã cho ra đời 23 cuốn tiểu thuyết, một số sách phi hư cấu, 7 vở kịch, hàng trăm bài thơ và truyện ngắn.

Thời tiết khắc nghiệt trong công cuộc đào vàng năm xưa đã làm sức khỏe Jack London suy kiệt, anh đã mất 4 cái răng cửa ở mỏ vàng vùng cực bắc, cơ hông và cơ chân đau liên tục, khuôn mặt có những vết hằn. Bốn cái răng cửa luôn nhắc nhở London về những khó khăn phải đối mặt hồi ở Klondike.

Trong số các tác phẩm hư cấu của Jack London, có hơn 80 tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn đặt bối cảnh ở vùng cực bắc, lấy cảm hứng từ 9 tháng trong cơn sốt vàng. Tuy không đào được tí vàng nào, Jack London lại “khai thác” được rất nhiều chất liệu cho các tác phẩm của mình.

Hà Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-di-dao-vang-nhung-chi-tim-thay-cuon-tieu-thuye-post1359990.html