Chuyến công du đa thông điệp của Thủ tướng Bỉ tới Trung Quốc

Đặt chân đến Bắc Kinh trong chuyến công du kéo dài từ ngày 11-12/1, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo không những đại diện cho Brussel, mà còn mang đến tiếng nói của khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tại Bắc Kinh ngày 12/1 trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác hữu nghị toàn diện. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Là một trong 6 thành viên sáng lập Cộng đồng châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), Bỉ còn có thủ đô Brussel là nơi đặt trụ sở chính của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, Bỉ hay được gọi là "Thủ đô châu Âu" hay "Trái tim châu Âu". Tất cả cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của quốc gia Trung Âu trong hệ thống quyền lực khu vực.

Những ngày đầu năm 2024, ông Alexander De Croo là Thủ tướng Bỉ đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau 8 năm. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên EU và nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên công du Trung Quốc năm nay, chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Bỉ mang thông điệp gì?

Hai trong một

Ông Feng Zhongping, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Âu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội châu Âu-Trung Quốc đánh giá, chuyến thăm chứa đựng nhiều thông điệp.

Trước hết, phản ánh đặc điểm đa lĩnh vực, đa cấp độ của quan hệ Trung Quốc-Bỉ và Trung Quốc-EU. Đảm nhiệm hai chức vụ - vừa là Thủ tướng Bỉ vừa là Chủ tịch luân phiên EU, chuyến thăm của ông Alexander De Croo vừa là thăm song phương, vừa đại diện EU trao đổi cấp cao với đối tác. Đặc biệt, năm 2024 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác hữu nghị toàn diện Trung Quốc-Bỉ.

Thứ hai, chuyến thăm phản ánh thực tế rằng quan hệ Trung Quốc-Bỉ và Trung Quốc-EU đang bước vào giai đoạn mới, phát triển ổn định và tốt đẹp. Về quan hệ Trung Quốc-Bỉ, đây là hình mẫu về tình hữu nghị và cùng có lợi giữa hai nước khác biệt về thể chế chính trị.

Lịch sử quan hệ song phương chứa đựng nhiều điểm đặc biệt. Năm 1971, lãnh đạo Trung Quốc và Bỉ cùng vượt qua rào cản ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh để thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện tầm nhìn chính trị chiến lược vượt ngoài khuôn khổ thời đại.

Sự phát triển của quan hệ song phương gắn với quá trình hiện đại hóa của Bắc Kinh. Năm 1978, lần đầu tiên, chính sách cải cách và mở cửa của Bắc Kinh đã tạo lập khuôn khổ hợp tác với thế giới tư bản. Theo đó, Bỉ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp các khoản vay, xuất khẩu công nghệ tiên tiến và thành lập quỹ đầu tư công nghiệp với Trung Quốc.

Về quan hệ Trung Quốc-EU, chuyến thăm tiếp nối xung lực của hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa hai bên trong thời gian qua, đồng thời thể hiện tầm quan trọng của EU với Trung Quốc dù các bên đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2023 đang nổi lên 2 cuộc xung đột lớn tại Đông Âu và Trung Đông, suy thoái kinh tế kéo dài, thách thức phi truyền thống tác động xấu tới trật tự xã hội và niềm tin của người dân.

Thủ tướng Bỉ sẽ chịu trách nhiệm điều phối chương trình nghị sự của EU trong 6 tháng đầu năm 2024, việc ông De Croo chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên chứng minh rằng Bắc Kinh là đối tác quan trọng với tổ chức này trong ứng phó thách thức an ninh-kinh tế toàn cầu.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ ba, từ trái sang), Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (thứ ba, từ phải sang) tại lễ khánh thành Đại sứ quán Bỉ tại Bắc Kinh, ngày 11/1. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Bỉ, chuyến thăm tập trung hai vấn đề mật thiết. Thứ nhất, hai nước hướng tới lập kế hoạch xúc tiến quan hệ Trung Quốc-Bỉ và Trung Quốc-EU trong tương lai. Trước đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột Ukraine và các yếu tố khác, quan hệ giữa các bên vướng nhiều rào cản. Tuy nhiên, chuyến thăm Bắc Kinh này của Thủ tướng Alexander De Croo được kỳ vọng sẽ tiếp đà cho quan hệ Trung Quốc-Bỉ và Trung Quốc-EU phát triển ổn định trong thời gian tới.

Thứ hai, hai nước tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, đặc biệt mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại. Hơn nữa, hai bên nỗ lực hòa giải những khác biệt và mâu thuẫn tồn tại trong quan hệ song phương.

Trên cấp độ song phương, Brussels là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc tron g EU và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Bỉ ngoài EU (tính đến năm 2022). Từ tháng 1-11/2023, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 40,6 tỷ USD, tăng so với mức 27,27 tỷ USD năm 2014.

Hiện có nhiều công ty Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Bỉ. Chẳng hạn, Công ty Geely sở hữu nhà máy sản xuất ô tô Volvo ở Ghent; Tập đoàn COSCO Shipping Lines vận hành cảng Zeebrugge - cảng xuất khẩu lớn nhất châu Âu.

Ở chiều ngược lại, dựa vào lợi thế kỹ thuật và sức cạnh tranh, các công ty nổi tiếng của Bỉ như Solvay và Bekaert đã gia nhập thị trường Trung Quốc và thu về lợi nhuận đáng kể.

Trên cấp độ khu vực, trong thời gian gần đây, vấn đề kinh tế chiếm vị trí trọng tâm trong bối cảnh xảy ra nhiều xung đột thương mại. Tháng 10/2023, EU mở cuộc điều tra chống trợ cấp với xe điện Trung Quốc. Đầu năm nay, Bắc Kinh tiến hành điều tra chống bán phá giá với rượu chưng cất nhập khẩu từ EU. Do đó, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ “phá băng” hoạt động thương mại đầu tư giữa các bên.

Trong cuộc gặp ông De Croo ngày 12/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai nước đều hưởng lợi từ xu thế toàn cầu hóa kinh tế, thúc đẩy thương mại tự do và phản đối làn sóng bảo hộ. Ông Tập Cận Bình hoan nghênh hoạt động đầu tư của các công ty Bỉ tại Trung Quốc, khẳng định sẵn sàng cung cấp môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch cho đối tác.

Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng ở Bỉ, trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU, sẽ tích cực xây dựng châu Âu với tư cách là lực lượng quan trọng trong cục diện đa cực. Đặc biệt trong bối cảnh khó lường và phức tạp của tình hình thế giới, Trung Quốc và châu Âu cần thiết lập nhiều “cầu nối”, thúc đẩy tốt hơn nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc gia nhập thị trường nước này và hy vọng tăng cường trao đổi nhân sự, văn hóa. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, Trung Quốc và châu Âu cần phối hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới và giải quyết biến đổi khí hậu.

Ông De Croo khẳng định thêm, Bỉ, với tư cách là Chủ tịch luân phiên, sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong phát triển quan hệ EU-Trung Quốc và hy vọng chuyến thăm sẽ giúp nâng cao quan hệ Bỉ-Trung Quốc và EU-Trung Quốc.

Đánh giá triển vọng quan hệ các bên, ông Feng Zhongping nhấn mạnh, trong tương lai, hợp tác, cạnh tranh và phòng ngừa sẽ cùng tồn tại, tính quan trọng và phức tạp của các mối quan hệ cũng theo đó mà tăng lên. Song ông Feng Zhongping vẫn đặt kỳ vọng vào quan hệ Trung Quốc-EU và Trung Quốc-Bỉ trong năm 2024, cho rằng các bên sẽ hợp tác tốt đẹp và tích cực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.

Dù hợp tác và cạnh tranh luôn đan xen, song giới học giả quốc tế kỳ vọng quan hệ giữa các bên trong năm 2024 sẽ tiến triển tích cực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.

(theo Inews, Tân Hoa xã)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-cong-du-da-thong-diep-cua-thu-tuong-bi-toi-trung-quoc-257178.html