Chuyện cổ tích hay chuyện tình buồn

Trần Thị Huyền Trang sinh năm 1964 tại Phù Cát, tỉnh Bình Định, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là cây bút nữ có bản sắc, đoạt nhiều giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, của Báo Văn nghệ Việt Nam, Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn tỉnh Bình Định.

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang. Ảnh: ST

Thơ Trần Thị Huyền Trang là thứ thơ chiêm nghiệm, có vị muối, bao giờ cũng có chút mằn mặn của cuộc đời; chạm đến, nghe qua, luôn đọng lại dư vị, không trôi tuột theo thời gian. Với bài thơ "Chuyện cổ", tác giả trao gửi câu chuyện về tình yêu, về cuộc đời, về hạnh phúc, ở đó, có cả vị đắng, từ giã một thứ lớp sơn quen thuộc trong tư duy truyền thống của văn chương, tiệm cận với cách nhìn mới, đa chiều, đa phương. "Chuyện cổ" gửi cho đời một thông điệp ưu tư và độ lượng.

Bài thơ "Chuyện cổ" toàn văn như sau:

Chàng dừng lại trước ngôi nhà cổ
Nàng vừa đi dự hội thử giày

Một thúng thóc,
Một thúng kê,
Và gió.
Mảnh áo sờn thôn nữ vắt ngang dây

Hội đã tan, nàng không về nữa,
Thóc và kê đã xanh mướt cánh đồng.
Lững thững đàn trâu đi trong tiếng sáo,
Tiếng sáo thì trôi tít mãi tầng không.

Bài thơ trên nằm trong tập "Muối ngày qua" (NXB Hội Nhà văn, 2000). Bài thơ ngắn, chỉ 61 từ, dáng dấp như câu chuyện ngày xưa của cô bé Lọ Lem trong Truyện cổ Grimm hay Tấm Cám, chuyện cổ tích Việt Nam. Trong các câu chuyện cổ, nàng dự hội thử giày, được hoàng tử chọn làm vợ. Một câu chuyện với kết thúc có hậu. Ở đây thì sao?

Bài thơ này, ba cảnh, có lớp lang, có nhân vật, có sự kiện, nhưng lại vời vợi thời gian, không gian và phận người. Chuyện có hai người, "chàng" và "nàng":

Chàng dừng lại trước ngôi nhà cổ
Nàng vừa đi dự hội thử giày

Chàng trai dừng lại trước ngôi nhà cổ. Nàng đã đi dự hội thử giày. Chàng vừa đến thì nàng cũng vừa đi. Không gặp. Và, vĩnh viễn không gặp. Câu chuyện và duyên phận bắt đầu từ đây, từ không gian liên quan đến lễ hội.

Cảnh thứ hai, theo phép liệt kê, chỉ rõ: một thúng thóc, một thúng kê và (một) mảnh áo sờn của cô thôn nữ đang vắt ngang dây:

Một thúng thóc,
Một thúng kê,
Và gió.

Mảnh áo sờn thôn nữ vắt ngang dây. Rất kiệm lời. Những hình ảnh trong các dòng thơ đều có tính chọn lọc và điển hình, nêu được bản chất của sự kiện cần nói đến.

"Một thúng thóc/ Một thúng kê" được nhặt ra gọn gàng, sạch sẽ. Hình ảnh ẩn dụ này mang thông điệp về một phép màu, về tình yêu thương, lẽ công bằng, đạo lý ở hiền gặp lành và cũng cho biết về quy luật nhân quả. Ẩn sau câu chuyện, người đọc nhận ra những ý đồ xấu xa, cả hằn học, tưởng đã mãn nguyện, phá đi ước mơ của con người, đã không thành trong hiện thực. Cô gái đã đi dự hội. Hai hình ảnh này được lặp lại và mang ý nghĩa khác.

Tiếp đến, "Và gió/ Mảnh áo sờn thôn nữ vắt ngang dây" hai dòng thơ, ngắn, 10 từ, vừa biểu thị chỉ sự thênh thang, tự do của gió, vừa biểu hiện phận nghèo như manh áo sờn, vắt ngang dây, phất phơ trước gió, biết về đâu, thông báo một khát vọng vươn lên của con người, một ước mơ về một chân trời xa mới.

Hội đã tan, nàng không về nữa,
Thóc và kê đã xanh mướt cánh đồng.
Lững thững đàn trâu đi trong tiếng sáo,
Tiếng sáo thì trôi tít mãi tầng không.

Cái gì đến, đã đến. Giày ướm vừa chân. Hoàng tử đã chọn được vợ. Hội tan. Nàng không về nữa. Chiếc áo cũ sờn của cô thôn nữ vẫn còn vắt qua ngang dây, đong đưa trước gió. Theo thời gian, thúng thóc, thúng kê ngày xưa đã xanh mướt trên đồng. Một màu xanh như kéo dài đến vô tận. Trên cánh đồng đó, đàn trâu bình yên, lững thững, đi về trong tiếng sáo. Tiếng sáo tầng thấp và tiếng sáo trên tầng không, trôi mãi, dặt dìu. Hai lần tiếng sáo được nhắc lại. Điều ấy không phải là không có chủ đích.

Cô thôn nữ ngày nào đã đổi thay số phận, đón nhận hạnh phúc. Cái thiện đã chiến thắng.

Song, bài thơ có một khúc quanh khác, dấu đằng sau các dòng thơ. Câu chuyện tình của chàng trai gờn gợn âm thanh buồn, buồn nhưng trong trẻo, như tiếng sáo trôi tít mãi trên tầng không, hòa cùng đất trời, thiên nhiên, sẻ chia và thông cảm. Và, thấp thoáng đâu đó, tưởng như, đấy là tiếng sáo của Trương Chi, tiếng sáo nao nao buồn cho một cuộc tình đẹp.

Trần Thị Huyền Trang viết lại câu chuyện cổ bằng thứ ngôn ngữ sâu đằm, thấm thía, rằng là, hạnh phúc có khi không viên mãn, toàn vẹn, giữ được tiếng sáo thanh bình, buổi chiều yên ả vẫn là ước vọng muôn đời của con người.

Tiếng sáo là hình ảnh kết thúc có hậu của bài thơ, gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc. Cảm ơn Trần Thị Huyền Trang trao gửi câu chuyện về tình yêu, về cuộc đời, về hạnh phúc, ở đó, có cả vị đắng, từ giã một thứ lớp sơn quen thuộc trong tư duy truyền thống của văn chương, tiệm cận với cách nhìn mới, đa chiều, đa phương.

"Chuyện cổ" gửi cho đời một thông điệp ưu tư và độ lượng.

Đến nay, Trần Thị Huyền Trang đã xuất bản một số tập thơ. Tập "Muối ngày qua" (NXB Hội Nhà văn, 2000), đoạt Giải A, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2000.

HUỲNH VĂN HOA

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202403/chuyen-co-tich-hay-chuyen-tinh-buon-3967733/