Chung tay giải quyết việc làm

Anh Ngọc

BPO - Việc làm và giải quyết việc làm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững cho xã hội. Có việc làm ổn định, người lao động sẽ có thu nhập trang trải sinh hoạt hằng ngày, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trao “cần câu”

Sau khi tham gia lớp học nghề ngắn hạn vào năm 2021, chị Thị Sương ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú đã thành thạo công việc và đang làm công nhân tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, xã Thuận Lợi. Chị Thị Sương chia sẻ: Tôi làm ở công ty được hơn 2 năm. Công việc ở đây vừa sức, thu nhập ổn định giúp gia đình trang trải phần nào cuộc sống.

Chị Võ Thị Mai ở ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp làm công nhân trong một cơ sở sản xuất hạt điều tại thị trấn Thanh Bình đã hơn 5 năm với mức thu nhập khá. Chị Mai cho biết, trước đây do không có tay nghề nên chỉ ở nhà nội trợ. Khi cơ sở sản xuất tuyển dụng lao động, chị xin vào làm và sau 1 tháng vừa học vừa làm, chị đã thành thạo công việc. Cơ sở đã giúp nhiều lao động trong vùng có thu nhập ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. “Tôi gắn bó với cơ sở này cũng khá lâu, vì công việc ở đây phù hợp điều kiện bản thân. Nhờ có công việc ổn định, thu nhập tốt nên kinh tế gia đình ngày một cải thiện” - chị Mai bày tỏ.

Chủ động tạo việc làm tại chỗ

Bên cạnh đảm bảo chế độ, quyền lợi của người lao động theo quy định, các doanh nghiệp cũng có chế độ ưu tiên đối với lao động lành nghề. Với những lao động chưa qua đào tạo thì sau thời gian vừa học vừa làm (có chế độ hỗ trợ với định mức riêng) được ký hợp đồng, thu nhập theo sản phẩm. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động, trong đó có nhiều lao động dân tộc thiểu số. Chị Thị Linh ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi cho biết: “Tôi làm ở công ty đã lâu, do gần nhà nên rất thuận lợi. Nhờ có công việc ổn định mà kinh tế gia đình đã khá hơn nhiều”.

Những năm qua, Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng lao động nông thôn, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Người lao động trong giờ làm việc tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú - Ảnh: Trương Hiện

Xác định hoạt động của các doanh nghiệp góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn, các địa phương trong tỉnh đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì và phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhiều người. Hiện nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi của tỉnh được các địa phương giới thiệu, hướng dẫn, phối hợp đào tạo nghề, từ đó được tuyển dụng làm việc ở các công ty, cơ sở sản xuất. Điều này góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo sinh kế cho lao động nông thôn.

Anh Điểu Phương ở ấp 1, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho biết: “Là lao động phổ thông nhưng với thu nhập ổn định như hiện nay, tôi cảm thấy hạnh phúc. Nhờ đó bản thân cũng tự tin, cảm nhận rõ hơn vai trò và trách nhiệm đối với gia đình và xã hội”.

Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và được giải quyết việc làm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh năm sau đều tăng hơn năm trước. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 35.000 lao động, đạt 75% kế hoạch năm. Thống kê, ước thực hiện từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 131.906 lao động, đạt 65,95% Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm các địa phương rà soát số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, cũng như nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp và hiệu quả. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tham gia tích cực trong đào tạo nghề và thu hút nguồn lao động. Chị Hly Eban, trú ấp Thuận Hòa 2 cho hay: “Nhà tôi ở tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, tôi xuống Bình Phước xin việc. Sau thời gian làm ở đây, tôi cảm thấy rất phù hợp, có chỗ ở lại trong công ty mà công việc cũng như lương, thưởng rất tốt”.

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu người sử dụng lao động để tổ chức các lớp học phù hợp. Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, giúp lao động nông thôn nắm bắt tốt kiến thức được đào tạo để áp dụng hiệu quả vào thực tế, từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147447/chung-tay-giai-quyet-viec-lam