Chủ tịch UBND TP.HCM ra 'tối hậu thư' về giải ngân đầu tư công

Giải ngân đầu tư công của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi được giao hơn 79.000 tỷ đồng, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu 8 tháng còn lại phải giải ngân mỗi tháng 10.000 tỷ đồng.

Chiều 3/5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và đề ra nhiệm vụ tháng 5/2024.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, trong tháng 4, các chỉ số đều có sự tăng trưởng khá tốt.

Tuy nhiên, theo ông Mãi, trong tháng 4 nổi lên một số vấn đề đáng ngại, đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị

Theo ông Mãi, giải ngân đầu tư công thấp sẽ tác động rất lớn đến kết quả tăng trưởng của kinh tế thành phố.

“Đầu tư công trong 4 tháng chỉ giải ngân được khoảng 6.000 tỷ đồng (7,5%), còn hơn 70.000 tỷ cho thời gian còn lại, mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ mới hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đề nghị đồng chí Dũng (Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Dũng) phải chỉ đạo trực tiếp hàng ngày, hàng tuần về vấn đề này”, ông Mãi đưa ra 'tối hậu thư'.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và triển khai để thành phố giám sát.

Sở KH-ĐT thực hiện rà soát các dự án chậm triển khai, không có khả năng giải ngân để xử lý, chuyển giao cho các dự án tiềm năng khác.

“Kết quả giải ngân đầu tư công rất thấp, tôi đề nghị các đơn vị liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng này”, ông Mãi chỉ đạo.

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp cũng có dấu hiệu chậm lại. Ông yêu cầu các địa phương, sở, ngành cần xem lại để có giải pháp khắc phục.

Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại hội nghị

Trước đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, thành phố được giao 79.000 tỷ đồng (làm tròn số - bao gồm vốn ngân sách trung ương là 3.168,56 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577,22 tỷ đồng) nhưng chỉ mới giải ngân được khoảng 6.000 tỷ (chưa đạt 10%-15% mỗi quý theo mục tiêu - PV), con số còn lại trong 8 tháng phải giải ngân hơn 73.000 tỷ đồng là rất lớn, đòi hỏi các sở, ngành và địa phương phải cố gắng, quyết liệt hơn.

Lo ngại 'đủ cát cho Vành đai 3' chỉ là trên báo cáo

Tại hội nghị, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, qua khảo sát 40 mỏ cát ở khu vực các tỉnh miền Tây, có 27 mỏ đạt chất lượng, với trữ lượng khoảng 37 triệu khối và sẽ phối hợp các tỉnh tiến hành khai thác.

Ông Lương Minh Phúc thông tin về vật liệu cát tại hội nghị

“Với trữ lượng khoảng 37 triệu khối thì vấn đề cát cho Vành đai 3 không phải lo thiếu vì chỉ cần tối đa khoảng 10 triệu khối là đủ”, ông Phúc cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, vấn đề thách thức là thời gian để rút ngắn các thủ tục đưa cát về kịp thời từ cái tháng 6 trở đi. Ban đang có những kiến nghị cụ thể để giúp đẩy nhanh thủ tục, khai thác các mỏ, đưa cát về ngay trong cái tháng 5 và tháng 6 để hoàn thành mặt đường công trình.

Về vấn đề này, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ông Lương Minh Phúc phải có giải pháp kiên quyết hơn.

“Chúng ta nói có 40 mỏ, trữ lượng 37 triệu khối, trong khi chỉ cần 10 triệu khối. Thực tế thì tôi chưa thể yên tâm, số lượng mỏ, trữ lượng có đó, nhưng cũng chỉ là số liệu qua khảo sát. Gần như các công trình nào cũng dự kiến như thế, cuối cùng là không có vật liệu thi công vì thủ tục mở lại mỏ, mở mới kéo dài, thậm chí là không được… Khi nào khai thác thì mới có thể yên tâm được”, ông Mãi bày tỏ.

Theo ông Mãi, công trình Vành đai 3 có vốn lớn là 70 ngàn tỷ đồng, nhưng vì thiếu cát đã chậm tiến độ mấy tháng nay. Nếu để chậm thêm, thiệt hại sẽ rất lớn.

Qua đó, ông đề nghị các đơn vị liên quan phải quyết liệt hơn, về ngay các tỉnh miền Tây để thúc đẩy sớm việc mở mỏ, kịp thời có vật liệu trong tháng 6 để thi công công trình.

Giám sát chặt chẽ, báo cáo tiến độ hàng ngày với Công ty Thuận An

Liên quan tới hai gói thầu dự án cải tạo kênh Tham Lương có Công ty Thuận An thực hiện. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng cần xem xét Công ty Thuận An có tiếp tục hay không, nếu tiếp tục thì phải giám sát chặt chẽ, báo cáo hàng ngày. Còn nếu không tiếp tục thì xem những thành viên còn lại trong liên danh có gánh vác được hay không?

“Thực tế, ngay khi có sự cố xảy ra, thành phố TP đã họp, chỉ đạo rà soát, kiểm tra về tài chính, năng lực…để có phương án xử lý"- ông Mãi cho biết.

Không chỉ với Thuận An, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi còn yêu cầu các chủ đầu tư rà soát tất cả các nhà thầu thi công trên địa bàn thành phố. Nếu phát hiện nhà thầu nào năng lực yếu kém thì phải xử lý ngay.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-tp-hcm-ra-toi-hau-thu-ve-giai-ngan-dau-tu-cong-2276847.html