Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm

Hiện thời tiết thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, đau mắt đỏ... lây lan và bùng phát thành dịch. Theo các chuyên gia y tế, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, nguy cơ số ca mắc bệnh, đặc biệt ở trẻ nhỏ sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi năm học mới đã cận kề.

Dịch bệnh truyền nhiễm “tấn công” trẻ nhỏ

Nếu như đầu tháng 8/2023, số mắc SXH trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 500-600 ca/tuần, thì hiện tại đã vượt mốc 1.000 ca/tuần. Tổng số ổ dịch SXH từ đầu năm đến nay là 407, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động. Đáng lo ngại, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca mắc SXH nặng.

Cán bộ y tế Trạm Y tế phường Thượng Thanh (Long Biên) tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường để phòng, chống SXH.

Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có 97 bệnh nhi mắc SXH nhập viện (tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có nhiều trường hợp tái mắc bệnh. Đơn cử như em V.H (8 tuổi, ở Hà Nội) - một trong những trẻ mắc SXH có diễn biến nặng nhất. Cách đây 4 năm, H từng bị SXH. Năm nay, em tái mắc bệnh và khi nhập viện bị sốt cao liên tục, có chấm SXH vùng mặt, sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Sau 10 ngày điều trị, H đã được xuất viện với sức khỏe ổn định.

Không chỉ SXH, hiện thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận còn xuất hiện dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ). Trong 3 tuần của tháng 8/2023, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ (gấp gần 2 lần so với tháng 6/2023). Tương tự, 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận gần 50 ca đau mắt đỏ, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.

Ngoài SXH, đau mắt đỏ, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Thành phố ghi nhận gần 2.000 ca thủy đậu (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái)… Đồng thời, trong những tuần gần đây, trên địa bàn Thành phố ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố có 1.169 ca tay chân miệng và 36 ổ dịch, hiện còn 1 ổ dịch tay chân miệng đang hoạt động.

Điển hình, vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 10 tháng tuổi suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh tay chânmiệng. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh và vào viện trong tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện tay chân miệng không điển hình.

Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh tay chân miệng: Mạch nhanh 200 lần/phút, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng. Bệnh nhân được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh tay, chân, miệng độ 3, được dùng thuốc IVIG, các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện, không sốt, nhịp tim giảm, huyết áp trong giới hạn bình thường, đỡ suy hô hấp. Và được rút ống nội khí quản sau 6 ngày điều trị. Sau khoảng 10 ngày toàn trạng bệnh nhân đã hồi phục.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Đây là 1 ca bệnh tay chân miệng dấu hiệu không điển hình, diễn biến nhanh và nặng, ngoài điều trị bằng những phương pháp thông thường còn cần dùng thêm các thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone,... kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim”.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm dưới 3 tuổi. Bệnh biểu hiện nhiều mức độ, việc chẩn đoán sớm, theo dõi là rất cần thiết vì những biến chứng nặng nề gây lên. Bởi vậy mà các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý tới các dấu hiệu của bệnh. Cha, mẹ không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay,… cần đi khám để xác định bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp. Cũng theo các chuyên gia y tế, hiện bệnh tay, chân, miệng chưa có vắc xin phòng ngừa đặc hiệu. Vì vậy, phòng lây nhiễm là rất quan trọng.

Còn với dịch bệnh SXH, theo các chuyên gia y tế, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn Thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao.

Thêm vào đó, thời điểm này, học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng mắc bệnh. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.

Bên cạnh đó, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể. Đặc biệt, sắp tới thời điểm học sinh nhập học, cần thông qua kênh truyền thông của nhà trường sẽ giúp nâng cao ý thức phòng bệnh của giáo viên với học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Công văn hỏa tốc số 2578/UBND-KGVX về việc tăng cường, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị không lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như SXH, tay chân miệng..., không để dịch bùng phát trên địa bàn quản lý.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-dong-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-159795.html