Chủ động chuẩn bị và tiếp quản giải phóng Thủ đô

Ngày 10-10-1954, Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử gần một nghìn năm văn hiến của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, nổi bật là việc chủ động chuẩn bị và tổ chức tiếp quản bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng giải phóng Thủ đô là chuẩn bị mọi mặt để tiếp quản Hà Nội. Quân và dân ta không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng được Thủ đô. Đó là kết quả lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức rõ tầm quan trọng tiếp quản Hà Nội, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô (ngày 6-9-1954), do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư và Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính TP Hà Nội (ngày 17-9-1954), do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch.

Sáng 10-10-1954, quân ta tiến vào giải phóng Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của hàng chục vạn đồng bào. Ảnh tư liệu

Để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội, Trung ương điều động hàng trăm cán bộ từ các lớp học tiếp quản ở Việt Bắc và Liên khu 3 về Hà Nội; đồng thời, tổ chức bộ máy tiếp quản ở từng khu vực, từng ngành, từng đơn vị, cả nội và ngoại thành. Đảng ủy tiếp quản Thủ đô mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho 500 cán bộ các ngành và cấp tốc bồi dưỡng, đào tạo hàng trăm cán bộ chủ chốt cho thành phố. Về mặt quân sự, để bảo vệ Hà Nội, đề phòng địch phá hoại, Trung ương Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308, một số đơn vị thuộc Đại đoàn 350 và Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), cùng nhiều đơn vị công an tiếp quản Thủ đô.

Trước khi tiến vào giải phóng Thủ đô, tại Đền Hùng (Phú Thọ), Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 và căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trước khi tiếp quản, Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Bảo vệ thành phố mới được giải phóng”, cùng “8 chính sách đối với thành phố mới được giải phóng” và “10 điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên công tác khi vào thành phố mới được giải phóng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành” (ngày 8-10), Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra bản Nhật lệnh (ngày 9-10-1954) cho các đơn vị vào tiếp quản. Ủy ban Quân chính thành phố cũng ra thông cáo gửi toàn thể đồng bào và chiến sĩ Thủ đô. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy tiếp quản, Ủy ban Quân chính và Thành ủy Hà Nội, đến ngày 8-10, mọi công tác chuẩn bị tiếp quản, giải phóng Thủ đô đã cơ bản hoàn thành. Các lực lượng Quân đội, Công an và dân chính đảng đủ mạnh, sẵn sàng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thành công nổi bật trong quá trình tiếp quản, giải phóng Hà Nội diễn ra bảo đảm trật tự, an toàn, thành phố nguyên vẹn. Để bảo đảm cho Đại đoàn 308 cùng các lực lượng vào tiếp quản Hà Nội, ngày 9-10, Trung đoàn 57 tổ chức tiếp quản các khu vực quân sự ở vòng cung phía Bắc, phía Tây và Tây Nam Hà Nội. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. 16 giờ ngày 9-10, tốp lính Pháp cuối cùng ở Hà Nội rút khỏi cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Ta kiểm soát hoàn toàn TP Hà Nội. Sáng 10-10, bộ đội ta từ các hướng tiến vào tiếp quản Hà Nội. Hướng Tây Bắc, Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308) từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) theo ô Kim Mã, qua Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào vào thành Hà Nội qua Phan Đình Phùng. Hướng Đông Nam, hai Trung đoàn 88 và 36 (Đại đoàn 308), từ Việt Nam Học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) qua ô Cầu Dền tiến sang Bạch Mai, phố Huế, chợ Hôm, Hàng Bài vòng quanh hồ Hoàn Kiếm rồi trở lại, theo hai hướng Đông và Tây phố Trần Hưng Đạo, tiến vào khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và Đấu Xảo (Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội). Hướng Tây Nam, đoàn chỉ huy tiếp quản, gồm 100 xe hơi, xuất phát từ Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng, một bộ phận lên ô Kim Liên rồi Hàng Lọng (nay là Lê Duẩn), cùng cánh quân từ Cầu Giấy vào Cửa Nam theo phố Hàng Bông, Hàng Gai tiến lên Bờ Hồ. Bộ phận còn lại là đoàn xe chỉ huy, từ Ngã Tư Vọng theo đường Đại La sang ngã tư Trung Hiền, lên ô Cầu Dền, phố Huế, Hàng Bài và hội quân với hai cánh ở Bờ Hồ.

Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Hai mươi vạn nhân dân đứng chật các tuyến phố, cờ hoa rực rỡ, đánh trống, hoan hô, vui mừng đón chào chính quyền cách mạng và đoàn quân chiến thắng trở về. Bộ Tư lệnh Đại đoàn 350 cùng hai Trung đoàn 254 và 53 đến sân bay Bạch Mai, triển khai lực lượng, sẵn sàng bảo vệ thành phố. Chiều 10-10, hàng vạn nhân dân Hà Nội dồn về sân vận động Cột Cờ dự lễ chào cờ, do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính. Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Hàng đầu là Trung đoàn Thủ Đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57. Tiếp theo là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động là đông đảo nhân dân. Đúng 15 giờ, sau tiếng nhạc bài “Tiến quân ca” vừa dứt, đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố, đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó căn dặn quân và dân Hà Nội phấn đấu xây dựng “Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, Ủy ban Quân chính, Thành ủy Hà Nội, quân dân ta tiếp quản an toàn, nhanh gọn và nguyên vẹn toàn bộ thành phố Hà Nội.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chu-dong-chuan-bi-va-tiep-quan-giai-phong-thu-do-746154