Chống nóng cho trò ở ĐBSCL

Nắng nóng gay gắt khiến các trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo sức khỏe cho trò.

Giờ học thể dục của học sinh Trường Tiểu học 2 Viên An (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) được bố trí nơi có mái che. Ảnh: Q. Mến

Hạn chế, hoán đổi hoạt động ngoài trời

Tại Trường Tiểu học Quang Trung (Phường 5, TP Cà Mau, Cà Mau), thầy Lý Ngọc Hiển - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do trường có diện tích nhỏ, các lớp đông học sinh nên đã lắp máy lạnh, đồng thời gắn thêm một số quạt gió để tạo không khí mát mẻ, giúp học sinh thoải mái học tập.

“Để các em không bị sốc nhiệt khi ở trong phòng bước ra ngoài, trước giờ ra chơi hoặc ra về tầm 5 - 10 phút, giáo viên sẽ tăng nhiệt độ máy lạnh lên, hoặc tắt máy lạnh chuyển sang bật quạt. Ngoài ra, nhà trường trang bị mái che di động trước sân trường để tạo bóng mát trong giờ sinh hoạt đầu tuần, giờ học thể dục. Khuôn viên sân trường nhỏ nên trường bố trí một số quạt công suất lớn sử dụng vào thời điểm thời tiết nắng gắt, phục vụ các hoạt động ngoài trời của học sinh”, thầy Hiển chia sẻ.

Trường Mầm non Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nằm trên địa bàn nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn. Cô Trần Kiều Khen - Hiệu trưởng nhà trường khá lo lắng, vì trẻ mầm non dễ nhiễm bệnh trong thời điểm thời tiết như hiện nay. Nhà trường đã phối hợp với phụ huynh xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đủ chất nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Phòng học, nơi ăn, nghỉ cũng thoáng mát, sạch sẽ; hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, nếu cần thiết thì lựa chọn nơi có nhiều cây xanh, mái che mát mẻ.

Với học sinh khối lớp 12, thời tiết nắng nóng ít nhiều ảnh hưởng đến việc ôn luyện. Em Nguyễn Trần Ái Thảo - học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau, Cà Mau) chia sẻ, để học tập đạt hiệu quả thời điểm nắng nóng, giải pháp của em và các bạn trong lớp là trang bị thêm quạt cầm tay, quạt điện mini và luôn đem theo chai nước lọc, nước khoáng…

Cô Lâm Hồng Sen - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển cho biết thêm: Lợi thế của trường là khuôn viên thoáng mát, nhiều cây xanh nên giảm bớt phần nào ảnh hưởng nắng nóng. Tuy nhiên, trong giờ học, trường cũng yêu cầu giáo viên bật quạt, kéo rèm che nắng, khuyến khích học sinh giờ ra chơi nên vui chơi ở hành lang lớp hoặc trong lớp; hạn chế vận động ngoài trời, đặc biệt không để học sinh vận động quá sức trong giờ thể dục.

Thời điểm này, Sở GĐ&ĐT tỉnh Cà Mau chưa có văn bản chính thức chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh thời điểm nắng nóng. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự, sở thường xuyên nhắc nhở, lưu ý các trường, phòng GD&ĐT nội dung này thông qua cuộc họp và trên Zalo nhóm.

“Sở đặc biệt lưu ý các trường theo dõi sát diễn biến thời tiết để bố trí việc học tập của học sinh hợp lý; hạn chế cho các em vận động quá sức ngoài trời vào giờ cao điểm nắng nóng; hoán đổi tiết học thể dục vào khung giờ phù hợp. Sở cũng nhắc nhở các trường yêu cầu nhân viên y tế túc trực thường xuyên để kịp thời hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe học sinh. Trường hợp nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phải kịp thời báo cáo về sở để có hướng xử lý”, ông Dự nhấn mạnh.

Học sinh Trường Tiểu học 2 Viên An (Ngọc Hiển, Cà Mau) chơi trong lớp, hạn chế ra sân. Ảnh: Q. Mến

Nhiệt độ cao bất thường sẽ cho học sinh nghỉ học

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, những ngày vừa qua, nhiệt độ tại ĐBSCL luôn ở mức cao. Thời điểm nhiệt độ cao nhất lên đến 36 - 37 độ C. Song, đây mới chỉ là nhiệt độ đo trong lều khí tượng, còn ở ngoài trời có thể cao hơn. Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến việc học của học sinh trở nên khó khăn hơn. Đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, sở đề nghị các trường theo dõi diễn biến thời tiết để có giải pháp kịp thời, đồng thời chuẩn bị phòng y tế, thuốc dự phòng, nơi nghỉ ngơi để xử lý khi học sinh có dấu hiệu sốc nhiệt.

Các trường học ở TP Cần Thơ đã tuyên truyền tới phụ huynh trong việc chăm sóc và đưa đón, hạn chế cho các em tham gia hoạt động ngoài trời quá lâu. Trường hợp có sự kiện, thầy cô sẽ tổ chức trong khu vực có bóng mát để tránh ảnh hưởng sức khỏe của trò…

“Các trường mầm non tăng cường chế độ dinh dưỡng, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng mùa nắng. Trong giờ có hoạt động vui chơi cô giáo sẽ quan sát các em và chia thành từng nhóm cho uống nước, không để trẻ thiếu nước. Đặc biệt, vào giờ chiều, trường cho các bé dùng các loại nước mát hoặc nước ép trái cây, giúp bổ sung vitamin và các loại khoáng chất…”, cô Trần Hồng Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Bình Dương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết.

Trao đổi về việc ứng phó thời tiết nắng nóng, ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Ngành Giáo dục thành phố chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống nắng nóng vào mùa cao điểm. Lưu ý các trường tạo môi trường thoáng mát cho học sinh, trẻ nhỏ; sử dụng thiết bị làm mát ở nhiệt độ vừa phải để tránh sốc nhiệt, kết hợp mở cửa sổ cho thông thoáng phòng học.

Đồng thời, thầy cô cũng sắp xếp, bố trí lại hoạt động ngoài trời, ngoài giờ chính khóa, tiết học thể dục sao cho phù hợp, tránh khung giờ nắng nóng, oi bức. “Với tinh thần luôn đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nếu nhiệt độ tăng cao bất thường, các cơ sở giáo dục xin ý kiến lãnh đạo sắp xếp cho các em nghỉ học”, ông Nhân thông tin.

Để đảm bảo sức khỏe học sinh khi thời tiết nắng nóng, BS.CKII Trần Văn Dễ - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết: Thầy, cô giáo hãy nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên. Tránh để trẻ ra ngoài vào giờ nắng gắt (khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều).

Đảm bảo trẻ mặc đồ thoáng mát, sử dụng nón rộng và quần áo che kín cơ thể. Nếu có dấu hiệu của việc nhiệt độ cơ thể tăng cao hoặc trạng thái sức khỏe không bình thường, hãy đưa trẻ vào bóng mát và thực hiện sơ cứu hạ nhiệt, lau mát; nếu không thuyên giảm hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Quách Mến - Thành Thật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chong-nong-cho-tro-o-dbscl-post678926.html