Cho những cánh rừng thêm xanh

Những ngày đầu tháng Chạp, gác lại bao nỗi lo toan tháng cuối năm, không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy, bước chân của những người giữ rừng vẫn miệt mài qua thác ghềnh, len lỏi khắp nẻo đường rừng để giữ cho những cánh rừng mãi xanh.

Những bước chân không mỏi

Sáng sớm, sương mù dày đặc. Cái lạnh tê tái ở độ cao 1.500m so với mực nước biển ở khu vực rừng giáp ranh Khánh Hòa - Lâm Đồng khiến cho ai nấy không muốn rời khỏi bếp lửa vừa được anh Hoàng Thành Nam - Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng Sơn Thái (địa phận huyện Khánh Vĩnh) nhen lên để nấu cơm sáng, vừa để anh em trong đội mang theo ăn trưa trong chuyến tuần tra trong rừng buổi đầu ngày. “Đội Bảo vệ rừng Sơn Thái có 13 người được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 5.400ha rừng trọng điểm dọc theo tuyến đèo Khánh Lê - Lâm Đồng. Rừng ở khu vực này có nhiều loài gỗ quý, trữ lượng lớn lại nằm sát bên đường giao thông nên các đối tượng luôn tìm đủ cách để khai thác trái phép. Ngoài lực lượng ở đội, chúng tôi bố trí thêm 4 chốt bảo vệ rừng dọc theo tuyến đường đèo, với nhiệm vụ bảo vệ rừng từ gốc, hạ nhiệt “điểm nóng” này” - anh Nam chia sẻ.

Lực lượng Trạm Bảo vệ rừng Sơn Thái đi tuần rừng dọc tuyến đèo Khánh Lê - Lâm Đồng.

Trước nạn khai thác lâm sản trái phép rộ lên dọc theo tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, từ giữa năm 2022, Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đã đồng loạt bố trí các chốt bảo vệ rừng ngay tại những khu vực rừng bị các đối tượng thường xuyên nhòm ngó dọc theo tuyến đường đèo. Công việc hàng ngày của lực lượng bảo vệ rừng tại các chốt là ban ngày tuần tra trong rừng nhằm kịp thời phát hiện trường hợp khai thác lâm sản trái phép để xử lý; chiều và đêm tuần tra dọc theo tuyến đường đèo để ngăn chặn các hành vi tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép. Ông Bùi Văn Giang - Phó Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng Sơn Thái, kiêm Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng Km54 với 20 năm tuần rừng cho biết: “Ngoài chịu thời tiết khắc nghiệt, điều kiện ăn ở thiếu thốn, công việc bảo vệ rừng còn nhiều hiểm nguy. Mùa này, chúng tôi ớn nhất là đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng sạt lở. Như đêm 9-1 vừa qua, khi lực lượng tuần tra vừa qua khỏi Km55 + 600 chừng 10 phút thì bất ngờ đèo bị sạt lở, khối lượng đá lớn đổ ập xuống đường. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực vững bước chân qua các nẻo đường để giữ màu xanh cho rừng”.

Chúng tôi đến thăm Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa) khi ông Nguyễn Kỷ - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây cùng 2 đồng nghiệp vừa đi tuần rừng trở về. Ông Kỷ chia sẻ: “Các khu vực: Nước nóng, Trảng Cỏ Chát, Cây số 24… là những khu vực thuộc rừng căm xe Ninh Tây có nguy cơ bị tác động rất lớn. Suốt mấy năm nay, chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là sự trả thù của các đối tượng lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép. Tuy vậy, anh em vẫn không chùn bước, cố gắng hết sức để giữ vững diện tích rừng căm xe hiện có và tiến hành trồng mới để từng bước khôi phục rừng căm xe thuần loại tại Ninh Tây”.

Nỗ lực giữ rừng

Để lại sau lưng những khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của nghề rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng nhà nước trong tỉnh đã vượt nắng, thắng mưa hoàn thành nhiệm vụ “hạ nhiệt” các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản tại những địa bàn được giao quản lý. Anh Hoàng Thành Nam tâm sự: “Thành quả ngọt ngào nhất đối với anh em bảo vệ rừng chính là màu xanh của những khu rừng dọc tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng được giữ vững. Nếu như năm 2022, dọc tuyến đường này, lực lượng của chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm phát hiện hàng chục vụ vi phạm thì đến năm 2023, trên toàn tuyến đường đèo này không phát sinh vụ vi phạm nào”.

Lực lượng của Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây tuần tra rừng căm xe Ninh Tây.

Nhìn hình ảnh rừng căm xe Ninh Tây bình yên như bây giờ, chúng tôi hiểu có công sức, nỗ lực rất lớn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây, lực lượng Kiểm lâm Ninh Hòa. Bởi cách nay chừng 2 năm, rừng căm xe Ninh Tây luôn “nóng” về tình trạng khai thác gỗ, phá rừng chiếm đất, chống người thi hành công vụ… Có thời điểm, Ban Quản lý Rừng phòng Bắc Khánh Hòa đã phải huy động đến 50% lực lượng chuyên trách đến bảo vệ khu rừng căm xe này. Cứ thế, các chốt bảo vệ trong lõi rừng được lập nên. Không quản ngày đêm, nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đêm tuần tra chống nạn cưa hạ căm xe lấy gỗ, ngày thì xử lý nạn lấn chiếm đất rừng. Rồi phương án thí điểm giao khoán bảo vệ rừng căm xe được UBND tỉnh phê duyệt, có thêm sức của các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, diện tích rừng căm xe Ninh Tây đã được giữ tốt hơn. Các vụ vi phạm đã kéo giảm. Trong năm 2023, tại khu vực này chỉ xảy ra 10 vụ vi phạm, chủ yếu là ken cây để lấn chiếm đất sản xuất.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đều xác nhận: Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp dọc theo tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng hay khu vực rừng căm xe Ninh Tây đã được kéo giảm. Đây là thành quả của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng cùng với sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng khác…

Tăng cường công tác phối hợp

Trong câu chuyện với lãnh đạo các đơn vị chủ rừng trong tỉnh, một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng là việc thiếu hụt lớn nhân lực bảo vệ rừng chuyên trách. Ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của công ty cần khoảng 70 người. Công ty đã tìm mọi cách để tăng thêm nhân sự nhưng chỉ được hơn 50 người. Đã vậy, số lao động này không ổn định, trình độ không đồng đều. Chỉ tính riêng việc bố trí nhân lực cho 17 chốt bảo vệ rừng, mỗi chốt phải tối thiểu 4 người để có thể chia ca tuần tra thì huy động toàn bộ nhân lực hiện có vẫn không đủ. Công ty còn huy động cả bộ phận kỹ thuật để hỗ trợ các chốt nhưng vẫn thiếu”.

Nhân viên bảo vệ rừng của Trạm Bảo vệ rừng Ninh Tây đánh dấu vị trí 1 gốc căm xe bị người dân cưa hạ.

Ngoài việc không tuyển thêm được lao động mới, nhân lực chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng vốn đã mỏng lại càng thiếu hụt hơn khi nhiều người xin nghỉ việc. Nguyên nhân là do áp lực công việc bảo vệ rừng hiện nay rất lớn khi tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp đang diễn biến rất phức tạp ở các địa phương trong tỉnh; trong khi điều kiện làm việc, ăn ở của nhân viên bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập thấp… Trong điều kiện lực lượng mỏng, lại dàn trải thực hiện nhiều công việc, vừa tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, vừa phải căng mình phòng, chống cháy rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp, bảo vệ hiện trường các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xử lý các vụ việc vi phạm đã được phát hiện… nên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chịu nhiều áp lực.

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Hiện nay, việc thu hút lao động vào lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất khó khăn. Nhiều đơn vị chủ rừng nhà nước trong tỉnh đang thiếu hụt nhân lực khiến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng càng khó khăn hơn. Trong điều kiện hiện nay, các đơn vị chủ rừng cần tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ sở, sự hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm, Công an chính quy cấp xã để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng cần thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng khác theo quy chế phối hợp đã được ký kết. Các đơn vị cũng cần hợp đồng thêm lao động thời vụ để hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ tốt cho đơn vị chủ rừng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng…

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202401/cho-nhung-canh-rung-them-xanh-f9c4c10/