Chính trị - Xã hội Dấu ấn thủ trưởng

TTH - Ngày đầu tiên của năm 1987, tôi đến nhận công tác tại Công an tỉnh Bình Trị Thiên và gặp chú ngoài hành lang phòng làm việc. Nhìn lướt qua, chú cười thân mật, vỗ vai tôi: Thấy mặt cháu biết là con ai rồi, ba cháu là người kết nạp Đảng cho chú đó!

Anh hùng LLVTND Lâm Bình. Ảnh: cand.vn

Tôi chỉ dạ, vì không biết chú là ai, chỉ thấy ấn tượng với người trạc tuổi ba tôi, phong thái nho nhã, nói giọng Huế rặt khiến người tiếp xúc cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp.

Nghe tôi kể chuyện, ba tôi tủm tỉm: À, Lâm Ấm, tên khác là Lâm Bình, sắc sảo, vui tính lắm, hồi chống Pháp ở cùng ban với ba. Còn anh em trong đơn vị cho biết chú là Phó Trưởng ban An ninh, có thời gian chú là trưởng phòng - nơi tôi làm việc.

Rảnh rỗi, chú hay ghé uống nước, trò chuyện. Chú ở đâu là tiếng cười rộ lên ở đấy. Bên chú, tôi thấy không còn khoảng cách trên-dưới, già-trẻ, mọi thứ ngập tràn trong không khí thân thiện.

Chú Lâm Bình sớm được người anh rể - Tráng Thông, cha đẻ anh Nguyễn Tri Nguyên, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật Huế hồi đầu thành lập, dẫn dắt, chỉ đạo hoạt động Cách mạng.

Là người của Ban Điệp báo, Tráng Thông nhận chức Trưởng ty An ninh Thừa Thiên của ngụy quyền từ năm 1948 và đưa chú làm Tùy phái Ty Cứu tế xã hội để có điều kiện đi lại nắm tình hình, nhận và chuyển thông tin từ anh rể đến cấp trên và thực hiện nhiệm vụ khác do anh rể giao.

Nổi tiếng nhất là trong năm 1949, chú cùng một số cộng sự chỉ với vài cục gạch và ít quả lựu đạn thối song đã lấy được bộ đồ mổ quý giá, mới tinh tại Bệnh viện Huế, phục vụ nhu cầu cấp bách của đội ngũ y bác sĩ trong kháng chiến và bộ máy phóng thanh vừa đưa từ Pháp qua tại Nha thông tin Trung phần (địa điểm Nhà sách Phú Xuân hiện nay) chuyển lên Chiến khu.

Vụ lấy bộ đồ mổ là đề tài cho nhiều nhà văn, nhà báo trong và ngoài tỉnh khai thác bởi đậm chất trinh thám, ly kỳ (tác phẩm gần đây nhất mà tôi được đọc là ghi chép “Hàng lên cứ” của Hồ Ngọc Diệp (Quảng Bình) in trong tập truyện ký “Vượt biển”, NXB Thuận Hóa, 2008). Bị lộ, chú và ông Tráng Thông phải lên căn cứ, đích đến là Ty Công an Thừa Thiên.

Chú nhớ lại: Vậy là đúng ngày 14/12/1949, tôi đã chính thức trở thành một nhân viên của ngành Công an và được cử làm Tổ trưởng tổ hành động nội thành Huế, ngành Điệp báo. Trong Ban Điệp báo, anh Nguyễn Đình Bảy là Trưởng ban, anh Hồ Đức Ninh là thư ký, anh Hà Xuân Dự là Bí thư chi bộ, anh Phan Huấn, anh Trần Xuân Linh là cán bộ nghiên cứu. Ban Điệp báo có 4 tổ điều tra. Mỗi tổ đều có liên lạc riêng, có lực lượng riêng, có cơ sở riêng và có kế hoạch hoạt động rất chặt chẽ.

Ngoài các tổ điều tra, Ban Điệp báo còn có hai trung đội Công an xung phong. Trung đội Công an xung phong 1 do anh Phan Đàn làm Trung đội trưởng. Trung đội Công an xung phong 2 do anh Lợi A làm Trung đội trưởng…

Sau này, những hồi ức của chú qua cuốn “Người điệp báo quả cảm” (nhà văn Nguyễn Quang Hà ghi, xuất bản năm 2012) giúp kẻ hậu sinh như tôi hình dung được phần nào tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Điệp báo, thời ấy mọi người quen gọi là Ban Nhì (Ban 2) để phân biệt với Ban Nhất (Ban 1) là Ban phản gián do ông Đặng Thanh, tác giả “X30 phá lưới” làm Trưởng ban.

Đọc “Người điệp báo quả cảm”, tôi càng thấy rõ hơn những vụ án phản động các năm 1977-1978 mà trước đây chỉ biết qua thông tin không chính thống, phức tạp, nguy hiểm, mà chú đóng góp không nhỏ trong việc phá án.

Người Trưởng ban Điệp báo năm xưa, từ 1975 đến 1987 là Trưởng ty An ninh Thừa Thiên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên, nhận xét về chú thời kỳ chống Pháp như sau: “Người em trai của chị Cát, những năm đó còn là một thanh niên ngoài 20 tuổi. Quả cảm, mưu trí, anh qua lại nhiều khu vực trong thành phố, luồn lách ra vào các vùng ven, khi Phùng Xuân Thủy, khi Vân Dương… chuyển thông tin, thư từ ra cho Công an, tiếp nhận chỉ thị, kế hoạch đưa vào thành phố an toàn kịp thời. Thông minh và hơi chút láu lỉnh, anh lừa kẻ địch nhiều quả ngoạn mục... Lâm Bình, chàng trai hài hước, mê làm chuyện ngược đời… Những con người như Lâm Bình thật đáng khâm phục và yêu mến” (Điệp báo Thành Huế - Nguyễn Đình Bảy - NXB CAND, 2001, trang 168, 169 và 206).

Dũng cảm, mưu trí lập nhiều chiến công, chú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 2/2015.

Thời gian tôi sống và làm việc dưới quyền chú không dài, gần cuối năm 1987 chú nghỉ hưu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ sách báo, từ các bậc tiền bối, đồng nghiệp lẫn xem bút tích chỉ đạo của chú, tôi đặc biệt đánh giá cao cách xử lý các tình huống nghiệp vụ của chú.

Vào ngành Công an bằng nhiệt tình của tuổi trẻ, lòng yêu nước, thù giặc, chưa hề được đào tạo bài bản nhưng với đầu óc sáng tạo, bản lĩnh, chú giải quyết công việc hiệu quả, luôn tâm niệm “thực tiễn là thước đo chân lý”. Ở chú, luôn toát lên phương châm “Làm mà chơi, chơi mà làm”, tạo không khí thoải mái, giảm áp lực căng thẳng, mệt mỏi.

Trái tim nhân hậu của nhân cách khả kính ấy ngừng đập khi kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng An ninh Nhân dân và ngày thành lập ngành Công an đang tới gần. Tôi mãi nhớ nụ cười, giọng nói đầy hài hước song rất thâm thúy; biết ơn tấm lòng bao dung độ lượng của chú. Bao bài học được rút ra từ kinh nghiệm xử lý tình huống của chú, dù việc áp dụng không hề dễ bởi còn yếu tố cá tính, sự tự tin, môi trường... Dấu ấn của Thủ trưởng trong tôi vô cùng sâu đậm.

HÀ XUÂN HUỲNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dau-an-thu-truong-a103575.html