Chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 5

Từ tháng 5-2024, các chính sách mới về tiêu chuẩn công chức lãnh đạo, giá điện, xét tặng danh hiệu 'Nhà giáo nhân dân', 'Nhà giáo ưu tú'; xét tặng 'Giải thưởng Hồ Chí Minh', 'Giải thưởng Nhà nước' về văn học, nghệ thuật bắt đầu có hiệu lực. Báo SGGP xin giới thiệu nội dung chính của các chính sách này với bạn đọc.

Tiêu chuẩn lý luận chính trị, quản lý nhà nước với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý

Có hiệu lực từ 1-5-2024, Nghị định số 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, trong đó quy định tiêu chuẩn lý luận chính trị, quản lý nhà nước với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.

Về lý luận chính trị:

+ Có bằng tốt nghiệp cử nhân chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền, áp dụng đối với các chức vụ, chức danh: cấp Thứ trưởng; Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Tổng cục trưởng và tương đương; Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Giám đốc Sở và tương đương;

+ Có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền, áp dụng đối với các chức vụ, chức danh: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tương đương thuộc Tổng cục; Phó Giám đốc Sở và tương đương; Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện.

Về quản lý nhà nước:

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, áp dụng đối với các chức vụ, chức danh cụ thể.

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 15-5:

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg ngày 26-3-2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, hàng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Nghị định 35/2024/NĐ-CP ngày 2-4-2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực từ ngày 25-5-2024.

Giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình, TPHCM) trong giờ ôn tập môn toán. Ảnh: THU TÂM

Trong đó, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo. Cụ thể như: biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác. Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi…

Xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

Nghị định 36/2024/NĐ-CP ngày 4-4-2024 quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật có hiệu lực từ 20-5-2024. Nghị định nêu rõ, việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải bảo đảm nguyên tắc: tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình (tác phẩm, công trình) về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật.

Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật. Hội đồng các cấp chỉ được trình cấp trên có thẩm quyền xem xét các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định.

Vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng

Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 5-4-2024 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đối với quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm, nghị định quy định phạt tiền từ 70 - 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thủy sản hoặc khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị phạt từ 10 - 200 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển bị phạt từ 50 - 200 triệu đồng.

BAN CTBĐ-XTXH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chinh-sach-phap-luat-co-hieu-luc-trong-thang-5-post737980.html