Chính phủ mới, tương lai mới?

Ngày 9-7, một ngày sau khi lãnh đạo đảng Dân chủ mới (ND) Ki-ri-a-cốt Mít-xô-ta-kít tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn, chính phủ mới của Hy Lạp cũng tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô A-then, với cam kết mang lại thay đổi và thành công cho đất nước suốt một thập kỷ chìm trong khủng hoảng kinh tế.

Tân Thủ tướng Hy Lạp Ki-ri-a-cốt Mít-xô-ta-kít tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô A-then. Ảnh: Sky News

Buổi lễ nhậm chức do Tổng Giám mục A-then I-e-rô-ni-mô điều hành. Trong 51 thành viên của chính phủ mới tuyên thệ tại buổi lễ, đáng chú ý có Bộ trưởng Tài chính Crít-xtốt Xtai-ku-rát, 45 tuổi, giữ vai trò chủ chốt trong các kế hoạch cải cách thúc đẩy tăng trưởng của tân Thủ tướng Ki-ri-a-cốt Mít-xô-ta-kít.

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ Hy Lạp, với hơn 90% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 7-7 vừa qua, đảng ND giành được 39,84% phiếu bầu, chiếm đa số tại Quốc hội Hy Lạp với 158 trên tổng số 300 ghế. Đảng Sy-ri-da cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm A-lếch-xít Xi-pơ-rát về nhì với 31,54% phiếu, nhận 86 ghế. Tiếp theo là đảng Xã hội (KINAL) với 22 ghế, đảng Cộng sản (KKE) 15 ghế, đảng Giải pháp quốc gia Hy Lạp 10 ghế và đảng Mera25 9 ghế. Kết quả được dự báo trước này đã đánh dấu sự trở lại của đảng ND theo đường lối bảo thủ, sau 4 năm cầm quyền của đảng trung tả Sy-ri-da.

Cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 6 tại Hy Lạp trong 10 năm qua cũng là cuộc bầu cử đầu tiên cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu để bầu ra một chính phủ mới, kể từ khi nước này thoát khỏi 3 gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Khẳng định nỗ lực vực dậy nền kinh tế đất nước sau một thập niên khủng hoảng, trong bài phát biểu phát trên truyền hình sau khi đắc cử, lãnh đạo đảng Dân chủ mới ở Hy Lạp, Thủ tướng đắc cử Ki-ri-a-cốt Mít-xô-ta-kít đã cam kết cải cách thuế trên diện rộng, trong đó có cắt giảm thuế cho doanh nghiệp xuống còn 20% trong vòng 2 năm tới, thu hút đầu tư nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập tốt và lương hưu cao hơn cho người dân, tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đảng Dân chủ mới của tân Thủ tướng còn cam kết sẽ thương lượng với các chủ nợ châu Âu ngay sau khi chính phủ mới thành lập và đề ra kế hoạch cải tổ mạnh mẽ.

Trên cương vị lãnh đạo đất nước, ông Mít-xô-ta-kít đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là vực dậy nền kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài gần 10 năm, khiến quy mô của nền kinh tế Hy Lạp sụt giảm tới 25%, trong khi đói nghèo và tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng. Hiện nay, mặc dù kinh tế Hy Lạp tăng trưởng ở tốc độ khiêm tốn 1,3% trong quý I năm 2019 và được các nhà phân tích dự báo có thể tăng trưởng 2,2% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn khoảng 18%, song vẫn còn rất lâu những thiệt hại về kinh tế mới có thể được bù đắp. Hy Lạp vẫn bị Đức và các chủ nợ khác ràng buộc về tài chính và đặt trách nhiệm Hy Lạp phải tạo ra thặng dư ngân sách.

Ngân hàng Trung ương Hy Lạp dự báo, nước này có khả năng bỏ lỡ mục tiêu thặng dư chính 3,5% GDP, chưa tính các khoản chi trả nợ và chỉ đạt 2,9% GDP trong năm nay. Trong bối cảnh Hy Lạp vẫn đối mặt với thách thức nợ công, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ từng động thái của chính quyền mới ở A-then, nhất là lập trường trong chính sách tài chính. Phép thử đầu tiên là kế hoạch ngân sách cho năm sau, dự kiến được ông Mít-xô-ta-kít công bố vào tháng 9 tới.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chinh-phu-moi-tuong-lai-moi/