Chính biến ở Myanmar - Phép thử đối với ông Biden

Ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phân tích chiến lược của trang mạng Stratfor, cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự ở nước này hồi đầu tuần có thể tạo cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Người biểu tình Myanmar mang ảnh của bà Aung San Suu Kyi để phản đối cuộc đảo chính do quân đội đứng đầu. (Nguồn: Reuters)

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa trừng phạt và lên án cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở Myanmar hôm 1/2. Với lý do gian lận bầu cử, quân đội Myanmar đã bắt giữ một số quan chức dân cử, trong đó có cả nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi, và ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.

Mỹ không có lợi ích kinh tế lớn ở Myanmar, song các đối tác châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã mở rộng sự hiện diện kinh tế và quân sự ở đây.

Theo ông Baker, nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, điều này sẽ ảnh hưởng đến các đối tác của Mỹ trong việc đối phó các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản cũng đưa ra những cảnh báo tương tự. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters ngày 2/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cảnh báo rằng các nước dân chủ - gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản - có nguy cơ đẩy Myanmar đến gần Trung Quốc hơn nếu phản ứng của họ đối với cuộc đảo chính ở Myanmar "chặt đứt" các kênh liên lạc với quân đội nước này.

Theo hãng tin Reuters, trong nội bộ Washington ngày càng có nhiều người kêu gọi chính quyền Biden thực hiện các hành động cứng rắn chống lại quân đội Myanmar.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ngày 2/2 cho rằng Mỹ nên thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể, trong đó có việc hành động thông qua Liên hợp quốc (LHQ), “để xem liệu người Nga và Trung Quốc có thực sự phủ quyết hay không”.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar cũng là thử nghiệm chính sách đối ngoại ban đầu đối với Biden tại một khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc đã leo thang trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và vẫn là một trong những thách thức chính sách lớn nhất mà Biden phải "thừa hưởng".

Một báo cáo của trang mạng Stratfor được công bố hôm 1/2 cho rằng cạnh tranh giữa hai nước “sẽ định hình phản ứng của Washington đối với cuộc đảo chính ở Myanmar”.

Theo ông Baker, điều đó có nghĩa là bất kỳ hành động nào của Mỹ dưới thời Biden nhằm chống lại Myanmar sẽ “rất có chọn lọc” để “không nhất thiết phải tác động mạnh đến lợi ích của Ấn Độ hoặc đi ngược lại lợi ích của Nhật Bản, Hàn Quốc”.

(theo CNBC)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-bien-o-myanmar-phep-thu-doi-voi-ong-biden-135912.html