Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản

Chiến thắng Điện Biên Phủ và các di sản của sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT mới với môn Lịch sử.

Ảnh minh họa/internet.

Đó là ý kiến của TS Vũ Đức Liêm - Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại Hội thảo quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản”, ngày 4/5 tại Hà Nội.

Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, nhằm thiết thực kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 – 2024). Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Biểu tượng sức mạnh sáng tạo của dân tộc

TS Vũ Đức Liêm cho hay, vào ngày 4/5 của 70 năm trước, nơi lòng chảo Điện Biên Phủ, nằm giữa một trong những địa hình hiểm trở nhất của vùng Tây Bắc Việt Nam, trận quyết chiến chiến lược giữa quân đội của nước Việt Nam độc lập và đạo quân thuộc địa Pháp đã bước sang ngày thứ 53.

Đây là trận chiến lớn nhất trong thế kỉ XX giữa một đạo quân thực dân phương Tây và quân đội của một nước mới giành độc lập chưa đầy một thập kỉ. 3 ngày sau đó, trận chiến kết thúc với lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Christian de Castries, phần còn lại là lịch sử.

Giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như các di sản của sự kiện lịch sử quan trọng này có ý nghĩa quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa và giáo dục, nhất là trong bối cảnh ngành Giáo dục đang triển khai các nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử năm 2018 và Chương trình sửa đổi, bổ sung năm 2022.

Toàn cảnh hội thảo.

70 năm trước, ngày 7/5/1954 đi vào lịch sử Việt Nam như một trong những ngày đáng nhớ nhất, PGS.TS Trần Đức Cường - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ. Vào ngày này, các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội nhà nghề Pháp được Mỹ tiếp sức và cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” lên nóc hầm Bộ Chỉ huy quân Pháp của tướng De Castries.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là biểu tượng ngời sáng của ý chí độc lập, tự do và sức mạnh sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Điều này được phản ánh liên tục, xuyên suốt trong cuộc kháng chiến, đặc biệt là các nỗ lực phát huy ý chí và quyết tâm cao, kết hợp với trí tuệ sáng tạo tuyệt vời của người Việt Nam để làm nên một trong những thắng lợi quân sự vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX.

“Mốc vàng chói lọi”

TS Nguyễn Thị Mai Chi - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của niềm khao khát độc lập dân tộc và khao khát công lý xã hội. Qua đó, thể hiện sự chủ động, sáng tạo của Đảng trong việc hoạch định đường lối và chỉ đạo thực hiện kháng chiến, kiến quốc.

Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc là con đường đấu tranh giữ vững chính quyền, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, đánh bại âm mưu và hành động xâm lược của các thế lực đế quốc và tay sai.

Điều đó phản ánh quy luật của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp là: xây dựng chế độ mới phải gắn liền với bảo vệ chế độ mới; bảo vệ chế độ mới phải dựa trên cơ sở xây dựng chế độ mới. “Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” - TS Nguyễn Thị Mai Chi nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỉ XX.

Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), mở ra giai đoạn phát triển mới của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Đối với thế giới, chiến thắng này có vị trí đặc biệt trong lịch sử chính trị, quân sự, quan hệ quốc tế... thế kỉ XX.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “mốc vàng chói lọi” của phong trào giải phóng dân tộc, góp phần vào quá trình xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hội thảo khoa học Quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954: Tầm vóc thời đại và giá trị di sản” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên lịch sử cả nước đánh giá ý nghĩa và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ;

Đồng thời, tái định vị sự kiện quan trọng này trong một diễn trình lớn hơn của lịch sử dân tộc, khu vực và toàn cầu. Đây cũng diễn đàn nghiên cứu phát huy các giá trị di sản của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.

Vì vậy, hội thảo không chỉ có ý nghĩa lớn trong bối cảnh cả nước hướng tới kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mà còn là sự kiện khoa học quan trọng của giới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nước nhà.

"Binh chủng xe đạp thồ” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa/internet.

Ban tổ chức Hội thảo tuyển chọn được 92 bài viết chất lượng ở 6 chủ đề để đăng kỷ yếu, gồm:

- Bối cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Chiến thắng Điện Biên Phủ trong quan hệ quốc tế và dư luận thế giới.

- Nhân dân các địa phương và tỉnh Điện Biên với chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Những bài học và giá trị di sản của chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Những vấn đề về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954).

- Chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong dạy học lịch sử.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-thang-dien-bien-phu-nam-1954-tam-voc-thoi-dai-va-gia-tri-di-san-post681915.html