Chiến thắng Ấp Bắc - trận đầu đánh bại chiến thuật 'trực thăng vận', 'thiết xa vận'

Kể từ cao trào Đồng khởi, mở đầu ở Bến Tre, sau đã nhanh chóng lan ra toàn khu Trung Nam Bộ, ta làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Song, lực lượng vũ trang ta, nhất là bộ đội tập trung của tỉnh và chủ lực của quân khu còn ít về số lượng, chưa làm chủ được các loại vũ khí, phương tiện hiện đại. Bước sang năm 1963, tình hình đó đặt ra yêu cầu là phải kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân bằng 'trực thăng vận' và 'thiết xa vận' của địch, có như vậy mới hỗ trợ được quần chúng nổi dậy chống phá ấp chiến lược, thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam. Chính vào thời điểm đó, ngày 2/1/1963, đã diễn ra trận Ấp Bắc, trên chiến trường Khu 8.

Ba chiến sĩ hạ dù nhiều nhất trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu

Ấp Bắc gồm hai ấp nhỏ là Tân Bình và Tân Thới, với khoảng 600 dân, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Ấp Bắc và xã Tân Phú là mảnh đất có truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ấp Bắc là vùng giải phóng của ta và là địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang để củng cố, bổ sung trang bị kỹ thuật sau mỗi đợt hoạt động. Địa hình nơi đây có nhiều ruộng lúa, sình lầy, kênh rạch; phía Nam gần Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1); phía Tây cách Lộ 12 chừng 6km. Ở phía Bắc và phía Đông, Ấp Bắc cách các kênh Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Tấn Thành chừng 2-3km.

Khi phát hiện lực lượng chủ lực của ta ở Ấp Bắc, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn cùng Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ cấp tốc mở cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn mang tên Đức Thắng 1-63 nhằm tiêu diệt gọn đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam.

Nhận được tin địch dồn lực lượng, phương tiện mở cuộc càn quét vào vùng giải phóng thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành, Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy Mỹ Tho điều động Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (do Đại đội trưởng Bảy Đen-tức Đặng Minh Nhuận chỉ huy), Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 (do Đại đội trưởng Mười Điệp chỉ huy), một khẩu đội pháo cối 60 ly, trung đội bộ đội huyện Châu Thành, do đồng chí Hai Hoàng (tên thật là Nguyễn Văn Điều) chỉ huy chung, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, quyết tâm trụ lại chống càn. Trên cơ sở một ấp chiến đấu có hệ thống công sự, trận địa đã được xây dựng từ trước, bộ đội và du kích đã củng cố và cải tạo, hoàn thiện thêm cho phù hợp với ý định bố trí lực lượng và cách đánh của mình.

Rạng ngày 2/1/1963, nhiều chiếc máy bay trinh sát L-19 của địch đã quần lượn trên bầu trời Ấp Bắc hướng dẫn đường tiến quân cho bộ binh và cơ giới càn quét vào ấp. Từ hướng Lộ 4, hai đại đội bảo an từ Điền Hy xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú, bắt đầu trận càn.

Chờ đại đội đi đầu của địch lọt vào trận địa bố trí sẵn của ta ở đầu xóm Hội Đồng Vàng, bộ đội và du kích phối hợp hỏa lực đánh trả quyết liệt. Bị đánh đòn bất ngờ, bọn địch hoảng loạn, một số tên tháo chạy tán loạn ra cánh đồng. Cùng thời gian, ta kịp thời chặn đứng một mũi tiến công khác của địch khi chúng định đánh xuyên sườn trận địa phòng ngự của ta. Thừa thắng, Đại đội trưởng Bảy Đen ra lệnh cho trung đội xung phong tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Cùng chung số phận, mũi đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành, đánh vu hồi vào đội hình phòng ngự của ta, cũng bị chặn đánh quyết liệt. Ta bắn chìm một chiếc tàu và đánh hỏng một số chiếc khác. Đây cũng là thời điểm kết thúc đợt xung phong đầu tiên của quân ngụy vào Ấp Bắc.

Thất bại liên tiếp sau ba đợt xung phong, quân địch quyết định dùng không quân, pháo binh bắn dọn đường. Khi hỏa lực chuẩn bị vừa dứt, quân địch tổ chức đợt xung phong lần thứ tư, với lực lượng chủ công là 13 xe thiết giáp M-113 và 1 tiểu đoàn bộ binh tăng viện. Khi tốp 3 xe M-113 đi đầu vào đúng tầm, hỏa lực ta đồng loạt tiến công. Trận đấu diễn ra ác liệt, các chiến sĩ ta anh dũng diệt 2 xe liên tiếp, bắn bị thương nhiều xe khác. Bộ binh địch không dám xung phong, chúng giãn đội hình, hình thành thế bao vây chung quanh ấp, xốc lại đội hình.

Sau khi bẻ gãy 5 đợt tiến công của địch, ngay trong đêm 2/1, để bảo toàn lực lượng, toàn bộ du kích, bộ đội và nhân dân đã bí mật vượt vòng vây của địch, rút khỏi Ấp Bắc trở về căn cứ Đồng Tháp Mười an toàn. Sáng hôm sau, quân địch huy động toàn bộ lực lượng bộ binh, thiết giáp, pháo binh chia làm nhiều mũi hùng hổ tiến vào ấp. Nhưng trớ trêu thay, chúng không gặp bất cứ kháng cự nào của đối phương, mà chỉ thấy xác binh lính ngụy cùng các phương tiện chiến tranh nằm rải rác trên khắp khu vực Ấp Bắc.

Hình ảnh “trực thăng vận”. Ảnh: Tư liệ

Kết quả của trận chủ động chống càn, quân và dân Ấp Bắc loại khỏi vòng chiến đấu 450 binh lính địch (trong đó, có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay, bắn hỏng nhiều chiếc khác, phá hủy 3 xe bọc thép M-113, đánh chìm 1 tàu chiến.

Chiến thắng Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng của Khu 8 nói riêng và toàn miền Nam nói chung. Đây là lần đầu tiên quân và dân ta đánh bại hình thức chiến thuật mới nhất của địch, chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”. Trận Ấp Bắc để lại nhiều kinh nghiệm quý từ cách thức xây dựng công sự, trận địa tới các biện pháp tác chiến được vận dụng trong trận đánh cho không chỉ nhân dân Khu 8 mà toàn thể lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam học tập. Chiến thắng này đã tạo ra tiền lệ mới, trở thành nơi phát khởi, thúc đẩy phong trào thi đua giết giặc lập công, đẩy mạnh tác chiến đánh quân chủ lực ngụy, đồng thời, phá ấp chiến lược trên các địa phương toàn miền Nam. Về phía Mỹ-ngụy, mặc dù đã sử dụng lực lượng hỗn hợp áp đảo được triển khai theo đúng bài bản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, nhưng kết quả thu được chỉ là số không tròn trịa. Kể từ sau trận Ấp Bắc, chúng không còn tin tưởng vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” như trước nữa, báo hiệu sự khủng hoảng về chiến thuật của Mỹ-ngụy, là một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Nguyễn Hà Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-thang-ap-bac-tran-dau-danh-bai-chien-thuat-truc-thang-van-thiet-xa-van-post457985.html