Quân sự thế giới hôm nay (21-5): Nga liên tiếp đánh chặn tên lửa Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (21-5-2024) có những nội dung sau: Nga đánh chặn thêm tên lửa Storm Shadow, Indonesia hoàn tất hợp đồng mua máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules, Mỹ cân nhắc mua cối tự hành M120 Rak của Ba Lan.

* Nga đánh chặn thêm tên lửa Storm Shadow

Trang Avia-pro.net của Nga đưa tin về một vụ nổ lớn đã xảy ra ở khu vực Lugansk trong ngày 20-5. Báo cáo ban đầu cho biết, lực lượng Ukraine đã nỗ lực thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa có khả năng tàng hình Storm Shadow nhắm vào mục tiêu quân sự Nga tại khu vực này.

 Hình ảnh hệ thống phòng không Nga đánh chặn tên lửa Storm Shadow ở Lugansk. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh hệ thống phòng không Nga đánh chặn tên lửa Storm Shadow ở Lugansk. Ảnh chụp màn hình

Mạng xã hội sau đó đã xuất hiện một đoạn video được cho là tên lửa phòng không của Nga (chưa xác định chủng loại) bắn hạ tên lửa Storm Shadow của Ukraine, sau đó một quả cầu lửa khổng lồ đã xuất hiện trên bầu trời Lugansk. Trước đó, cũng trong tháng 5 này, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 4 tên lửa Storm Shadow ở bán đảo Crimea.

Kể từ đầu năm nay, Ukraine đã gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu quân sự, cơ sở nhiên liệu cũng như nhà máy lọc dầu của Nga.

Video về vụ đánh chặn được cho là Nga tiêu diệt tên lửa Storm Shadow. Nguồn: mlnrlive

Tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp hợp tác phát triển, được sử dụng để phóng từ trên không và được đặt ngang hàng với tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất. Theo thông tin từ nhà sản xuất, tên lửa có tổng trọng lượng khoảng 1.300kg, mang đầu nổ đa chức năng 450kg, trang bị động cơ phản lực, cho phép tên lửa đạt tốc độ tối đa lên tới 1.000km/giờ, phạm vi hoạt động 250-300km.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền London công bố gói viện trợ mới trị giá 500 triệu bảng Anh cho Kiev, trong đó bao gồm cả tên lửa Storm Shadow.

* Indonesia hoàn tất hợp đồng mua máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules

Military Leak cho biết, Không quân Indonesia đã nhận máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules thứ năm và cũng là chiếc cuối cùng (số hiệu A-1342) trong hợp đồng với hãng Lockheed Martin (Mỹ).

Hợp đồng trên được hai bên ký kết từ tháng 9-2021 với giá trị không được tiết lộ. Thương vụ được thực hiện theo phương thức hợp đồng thương mại trực tiếp thay vì thông qua chương trình Bán vũ khí ra nước ngoài của Lầu Năm góc. Nhờ điều này, thời gian thực hiện hợp đồng có thể được rút ngắn một cách đáng kể.

Không quân Indonesia đã nhận được chiếc C-130J-30 Super Hercules cuối cùng trong hợp đồng. Ảnh: Military Leak

Không quân Indonesia đã nhận được chiếc C-130J-30 Super Hercules cuối cùng trong hợp đồng. Ảnh: Military Leak

Chính phủ Indonesia đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội và Không quân là một trong những lực lượng được chú trọng với ưu tiên thay thế số máy bay đã cũ. Trong một báo cáo, Không quân Indonesia nhấn mạnh, việc mua các máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules là cần thiết để đảm bảo năng lực tác chiến. Trước đây, lực lượng này có 20 máy bay C-130 thuộc các phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn chúng được sản xuất từ những năm 1960 nên đã lỗi thời và cần được thay thế. Việc lựa chọn máy bay C-130J-30 Super Hercules cũng hợp lý với đội ngũ phi công và công tác hậu cần hiện có của không quân Indonesia.

Máy bay vận tải hạng trung C-130J-30 Super Hercules là biến thể nâng cấp từ thiết kế C-130 tiêu chuẩn với động cơ mới, hệ thống điện tử hiện đại và khung thân được kéo dài. Máy bay trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt cho phép đạt tốc độ bay hơn 670km/giờ, tầm bay 5.250km. Với tải trọng tối đa gần 20 tấn, nó có thể chở theo 92 binh sĩ với đầy đủ trang bị hoặc 2-3 xe bọc thép Humvees hoặc một xe chiến đấu LAV III hay xe bọc thép M113.

* Mỹ cân nhắc mua cối tự hành M120 Rak của Ba Lan

Theo Defense24, Lục quân Mỹ đang quan tâm đến hệ thống cối tự hành M120 Rak do nhà thầu quốc phòng HSW của Ba Lan sản xuất.

Chi tiết cụ thể của kế hoạch mua sắm chưa được công bố chính thức, nhưng được cho là có liên quan đến một chương trình mua hệ thống cối mới cho các lữ đoàn thiết giáp của Lục quân Mỹ.

Bên cạnh những tổ hợp hiện đại, một số hệ thống cối hiện tại được Lục quân Mỹ sử dụng có tuổi đời lâu năm, cần được thay thế. Đơn cử như hệ thống M224 và M252, cùng với các biến thể hạng nhẹ, M224A1 và M252A1, có cỡ nòng lần lượt 60mm và 81mm. Hay như M120A1 là một hệ thống cối kéo 120mm, được sử dụng khá rộng rãi. Ngoài ra, các đơn vị thiết giáp và cơ giới của Lục quân Mỹ còn trang bị cối tự hành M1064 lắp trên khung thân xe bọc thép M113.

Hệ thống cối tự hành M120 Rak của Ba Lan. Ảnh: Reddit

Hệ thống cối tự hành M120 Rak của Ba Lan. Ảnh: Reddit

M120 Rak được HSW phát triển nhằm thay thế cho cối tự hành 2S1 Gvozdika và được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2016, sử dụng khung gầm xe bọc thép bánh lốp Rosomak 8x8. Tổng trọng lượng của cả hệ thống vào khoảng 24,5 tấn; chiều dài 7,7m; chiều rộng 2,8m và chiều cao 2,15m. Xe lắp động cơ diesel tăng áp cho phép di chuyển với tốc độ tối đa 80km/giờ, phạm vi hành trình 500km.

Tháp pháo và thân xe được làm bằng thép hàn toàn bộ giúp bảo vệ trước các loại vũ khí nhỏ và mảnh đạn pháo. Kíp lái của phương tiện gồm 3 người, với người lái ở phía trước, chỉ huy và xạ thủ ở tháp pháo.

Vũ khí chính của M120 Rak là cối cỡ nòng 120mm cho phép xoay 360 độ, nòng có góc nâng hạ (góc tà) trong khoảng -3 độ đến +80 độ. Cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu là 46 viên, với 20 viên nằm trong tháp pháo trong một ổ quay và 26 viên khác bố trí quanh thân xe. Tốc độ bắn theo công bố là 10 - 12 phát/phút nhờ cơ chế nạp đạn tự động; tầm bắn hiệu quả lên tới 10km; và chỉ mất 30 giây để triển khai hệ thống.

MINH ANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-21-5-nga-lien-tiep-danh-chan-ten-lua-ukraine-777716