Chạy đua với biến đổi khí hậu

Khai thác dầu fracking ở Bắc Dakota, nhằm giảm lượng dầu nhập khẩu

(CATP) Trong sáu tháng đầu năm 2013, Lòng chảo Permian ở bang Texas, vỉa dầu lớn nhất nước Mỹ, đã sản xuất gần 900.000 thùng dầu mỗi ngày, mức cao nhất trong một thế hệ. Nạn thất nghiệp ở thành phố Midland (thuộc Permian) chỉ chiếm 3,4%. Những nhà hàng fast-food cung cấp tiền thưởng thêm trị giá 3.000 USD nếu những người làm công vẫn tiếp tục làm việc tại nhà hàng trong vòng vài tháng. Điều đó không ngăn chặn nhiều người trong số họ đi tìm những nghề có thù lao cao hơn trong các khu mỏ khí đốt và dầu hỏa.

“Những gì đang xảy ra ở Lòng chảo Permian và Texas thật ấn tượng”, ông David Porter, lãnh đạo Hội đồng hỏa xa Texas, nói về công nghiệp dầu khí. Nước Mỹ đang ở giữa một cuộc cách mạng năng lượng, phần lớn đã đi theo công nghệ mới, công nghệ khai thác khí thiên nhiên hydraulic fracture (công nghệ “phân rã thủy lực”) và công nghệ khoan ngang (horizontal drilling) đã cho phép các công ty năng lượng khai thác các nguồn dầu khí thiên nhiên mới. Năng lượng gió và mặt trời đã đến từ những giấc mơ xanh nay trở thành hiện thực.

Trong năm nay Mỹ sẽ vượt Nga để trở thành nhà sản xuất phối hợp dầu và khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Trong vòng một thập niên, Mỹ có sản lượng dầu tương đương với mức tiêu thụ của quốc gia này, thoát khỏi phần lớn ảnh hưởng của Trung Đông. Bằng cách loại bỏ than bẩn, khí đốt thiên nhiên giá rẻ đã giúp nước Mỹ giảm được các chất thải khí nhà kính thậm chí còn thúc đẩy các nhà sản xuất Mỹ dựa vào khí đốt như một nguyên liệu chế biến.

Việc giảm nhập khẩu dầu hỏa đồng nghĩa với hàng tỷ đôla trước kia từng đi ra nước ngoài nay được giữ lại, cung cấp nguồn vốn cho những đầu tư khác. Nhưng sự dư dả năng lượng cũng đặt ra những thử thách. Đã xuất hiện phản ứng dữ dội về môi trường chống lại việc khai thác không theo quy ước về dầu khí. Cũng không có bảo đảm nào cho sự bùng phát dầu gần đây, nó tùy thuộc vào giá cao và công nghệ tốn kém, vẫn sẽ không tiếp tục trong tương lai.

Thậm chí sự thành công còn đáng sợ hơn: nếu công nghệ mới có thể bảo đảm nhiên liệu hóa thạch vẫn giữ giá rẻ trong những thập niên tới, nó sẽ khó khăn hơn nhiều đối với việc loại bỏ khí thải carbon trong giai đoạn thế giới ngăn chặn hiểm họa thay đổi khí hậu toàn cầu. Lượng khí thải carbon đã đạt mức cao trên toàn thời gian vào năm ngoái, và Cơ quan Năng lượng Quốc tế báo cáo trong tháng 6 rằng thế giới đang hướng tới mức gia tăng nhiệt độ khoảng 5,3 độ C vào cuối thế kỷ. Một số cuộc nghiên cứu độc lập cho thấy thế giới phải ngăn chặn sự lan tỏa carbon dioxide vào khoảng giữa thế kỷ để kịp thời tránh khỏi hiểm họa.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=507022&mod=detnews&p=