Những di sản của Thủ tướng Lý Hiển Long sau 2 thập kỷ cầm quyền

Trong 20 năm điều hành đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thực hiện nhiều chính sách giúp đảm bảo an ninh xã hội cho người dân, chèo lái đưa đất nước vượt qua nhiều thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: AFP

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: AFP

Theo tờ South China Morning Post, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chính thức thông báo về kế hoạch từ chức lãnh đạo tới Tổng thống Tharman Shanmugaratnam vào ngày 15/5.

Các nhà quan sát nhận định, là thủ tướng thứ ba của Singapore, ông Lý Hiển Long đã để lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ kéo dài từ năm 2004 đến nay với mô hình quản trị đất nước hiệu quả và cởi mở.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhiều lần khẳng định ông muốn chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm “ở điều kiện tốt nhất có thể”, đó là một đất nước Singapore thịnh vượng, phát triển và bình đẳng hơn, so với trước thời điểm ông nhậm chức vào ngày 12/8/2004.

Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, tổng sản phẩm quốc nội của Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 228 tỷ đô la Singapore (168 tỷ USD) lên 532 tỷ đô la Singapore (392 tỷ USD). Tổng thu nhập trung bình hàng tháng của người dân Singapore cũng tăng từ 2.326 đô la Singapore lên 5.197 đô la Singapore.

Trong 2 thập kỷ dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, tỷ lệ bất bình đẳng của Singapore được thu hẹp, với hệ số Gini, thước đo phổ biến về bất bình đẳng thu nhập, giảm từ 0,42 xuống 0,37.

Nền kinh tế Singapore cũng được hưởng lợi từ việc gia tăng ký kết các hiệp định thương mại tự do, từ con số khiêm tốn 5 hiệp định trong năm 2004 lên tới 27 hiện nay.

Chính quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng giúp đưa Singapore trở thành điểm du lịch hàng đầu thế giới với lượng du khách hàng năm tăng từ 8,3 triệu lên 13,6 triệu.

Ưu tiên vấn đề an ninh xã hội

Tiến sĩ Gillian Koh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), cho biết chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đã đi trước trong việc giải quyết vấn đề phân tầng xã hội, giai cấp và chủng tộc.

“Vấn đề quan trọng nhất để hạn chế sự phân tầng xã hội nghiêm trọng ở Singapore là thực hiện các chính sách để phát triển nhân tài cho đất nước,” Tiến sĩ Koh cho biết.

Chương trình cải cách giáo dục đã giúp giảm tải việc phân luồng nghiêm ngặt tại hệ thống trường học của Singapore, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh sau khi tốt nghiệp.

Chính phủ của Thủ tướng Lý đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, với mức chi thường xuyên hàng năm tăng từ 5 tỷ đô la Singapore vào năm 2004 lên tới 12,9 tỷ đô la Singapore trong năm 2022. Số lượng trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tăng từ 722 vào năm 2004 lên con số 2.470 hiện nay.

Tiến sĩ S Vasoo, Cố vấn của Tổ chức Ang Mo Kio GRC, cho biết Thủ tướng Lý đã tìm cách thay đổi nhận thức của xã hội đối với Học viện Giáo dục Kỹ thuật (ITE) - nơi thường được xem là dành cho những học sinh "không có nhiều thành tích trong học tập”.

Kể từ năm 2013, ông Lý Hiển Long đã tổ chức Lễ mít tinh nhân Ngày Quốc khánh hàng năm tại địa điểm này. Tiến sĩ Vasoo cho biết: “Điều đó đã giúp nâng cao hình ảnh của ITE”.

Về chế độ tiền lương, chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng thực hiện nhiều gói hỗ trợ cho những người lao động có mức lương thấp, với Mô hình tiền lương lũy tiến và chương trình phúc lợi lao động.

“Chính phủ đã đưa ra những quyết định nhằm đảm bảo chúng ta có một xã hội hòa nhập - chăm sóc người nghèo, người khuyết tật và người bị thiệt thòi. Bằng chứng rõ ràng nhất là quyết định cho phép người Hồi giáo đeo khăng choàng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và bãi bỏ luật hình sự hóa quan hệ đồng tính nam,” Tiến sĩ S Vasoo cho hay.

Bà Nydia Ngiow - Giám đốc điều hành của BowerGroupAsia tại Singapore, cho biết, các gói hỗ trợ kinh tế như phát tiền mặt, thẻ mua hàng giảm giá để giúp người dân Singapore đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, cũng thể hiện sự thay đổi lớn của Thủ tướng Lý so với các chính sách của người tiền nhiệm.

Trong thời gian ông Lý Hiển Long nắm quyền, dân số Singapore đã tăng từ 4,2 triệu lên 5,9 triệu. Số lượng công dân từ 65 tuổi trở lên hiện là 19%, tăng từ mức 8% năm 2004. Con số này dự kiến sẽ đạt mức 25% vào năm 2030.

Ngân sách hàng năm của chính phủ cho chăm sóc sức khỏe đã tăng gần 10 lần, từ 1,6 tỷ đô la Singapore năm 2004 lên 15,9 tỷ đô la Singapore vào năm 2022.

Bùng nổ về cơ sở hạ tầng

Trong 20 năm qua, số lượng căn hộ do chính phủ xây dựng (căn hộ HDB) tại Singapore đã tăng từ 878.000 lên 1,1 triệu căn. Mạng lưới tàu điện ngầm của Singapore cũng tăng gấp đôi trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Lý, từ 128 km lên 259 km.

Hoạt động hàng hải của Singapore ghi nhận tăng trưởng bùng nổ trong 2 thập niên qua, với sản lượng container qua cảng hàng năm tăng từ 21,3 triệu lên 39 triệu TEU (1 TEU tương đương một container tiêu chuẩn).

Bà Nydia Ngiow lưu ý rằng vị thế của Singapore như một trung tâm kinh doanh, du lịch và thương mại toàn cầu đã được nâng cao thông qua nhiều dự án cơ sở hạ tầng chiến lược trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Lý.

Bên trong Sân bay quốc tế Changi của Singapore. Ảnh: CNN

Bên trong Sân bay quốc tế Changi của Singapore. Ảnh: CNN

“Đứng đầu trong số này là dự án xây dựng Sân bay quốc tế Changi. Không chỉ giúp mở rộng năng lực vận tải hàng không, trung tâm phức hợp đa chức năng Jewel Changi nối liền với sân bay Changi đã trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút nhiều du khách đến Singapore,” bà Nydia Ngiow cho hay.

Bên cạnh đó, Singapore đang thực hiện siêu dự án Cảng Tuas, khi hoàn thành vào năm 2040, sẽ tăng gấp đôi năng lực hàng hải của Singapore và giúp củng cố hơn nữa vị thế quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng hải.

Theo Channel News Asia, sau khi hoàn thành, Tuas của Singapore sẽ trở thành cảng container tự động hóa hoàn toàn lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, siêu cảng này có khả năng tiếp nhận, xử lý hơn 65 triệu TEU, gấp rưỡi so với công suất của cảng container lớn nhất thế giới hiện nay ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Người truyền cảm hứng

Không chỉ thể hiện xuất sắc trong vai trò lãnh đạo, ông Lý Hiển Long còn là một chính khách gần gũi, giàu lòng nhân ái, luôn lắng nghe và truyền cảm hứng cho cấp dưới, các quan chức và các cựu nghị sĩ Singapore nói với tờ CNA.

Ông Gerald Singham, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Công dân Teck Ghee (CCC), cho biết, liên quan đến công việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Lý Hiển Long thường xem xét kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của lãnh đạo cấp cơ sở trước khi đưa ra các quyết định cụ thể liên quan đến công việc điều hành của Chính phủ.

“Trong các cuộc họp, ông Lý Hiển Long thường không nêu quan điểm của mình trước. Thay vào đó, Thủ tướng mong muốn nghe ý kiến của các quan chức chính phủ, sau đó ông mới đưa ra quan điểm riêng của mình," ông Singham, người đã làm việc với Thủ tướng Lý từ năm 2001, cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý Câu lạc bộ Cộng đồng Teck Ghee (CCMC) Toh Kok Wee chia sẻ, Thủ tướng Lý rất cởi mở, áp dụng cách tiếp cận lắng nghe mọi quan điểm. “Trong mọi cuộc họp, Thủ tướng đều cố không vội vàng ra kết luận mà để tất cả thành viên nội các tự do bày tỏ quan điểm. Tôi nghĩ Thủ tướng Lý muốn đảm bảo mọi khía cạnh được nắm rõ, mọi thông tin hoặc cân nhắc đều được bày tỏ," ông Toh Kok Wee cho biết.

Quan trọng hơn, Thủ tướng Lý Hiển Long điều chỉnh cuộc thảo luận, không chỉ dừng ở quyết định có hay không mà còn muốn rằng nếu quyết định xúc tiến thì chính phủ có thể tự tin đủ khả năng triển khai nhiều biện pháp bảo vệ các giá trị xã hội lẫn người dân.

Bên cạnh đó, theo ông Singham, Thủ tướng Lý cũng thường xuyên sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook để nắm bắt tâm tư và tình cảm của người dân. Ông Singham nói thêm rằng Thủ tướng Lý là người có “trái tim nhân ái”. “Nếu quan chức chính phủ hoặc nghị sĩ phải nhập viện, Thủ tướng sẽ trực tiếp đến thăm hoặc gọi điện thăm hỏi".

Chân dung Thủ tướng sắp tới của Singapore, ông Lawrence Wong:

Phó Thủ tướng Lawrence Wong dự kiến sẽ kế nhiệm ông Lý Hiển Long, trở thành Thủ tướng thế hệ thứ tư của Singapore vào ngày 15/5. Theo đài CNA, ông Lawrence Wong có cha là quản lý bán hàng và mẹ là giáo viên. Cha ông Wong sinh ra ở đảo Hải Nam - Trung Quốc, đến Malaysia khi còn nhỏ trước khi chuyển đến Singapore làm công việc bán hàng.

Ông Wong sinh năm 1972, là cựu học sinh trường tiểu học Haig Boys, nơi mẹ ông dạy học. Ông Wong có bằng cử nhân và thạc sĩ kinh tế tại Trường ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ). Ngoài công việc, ông được biết đến là một người yêu âm nhạc và chơi đàn guitar điêu luyện... Năm 2011, ông Wong tham gia chính trường và được bầu làm thành viên Quốc hội. Ông được trao chức vụ chính trị đầu tiên 2 tuần sau cuộc bầu cử, với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục và Quốc phòng. Sau khi nắm giữ nhiều vị trí ở nhiều bộ khác nhau, ông Wong được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên vào năm 2012 rồi được bổ nhiệm làm bộ trưởng chính thức 2 năm sau đó. Kết thúc cuộc bầu cử năm 2015, ông Wong chuyển sang lãnh đạo Bộ Phát triển Quốc gia và giữ chức vụ này cho đến tháng 7/2020. Tháng 4/2022, ông Wong được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhóm thế hệ thứ tư (4G) của đảng Hành động nhân dân (PAP). Hai tháng sau, ông được thăng chức Phó Thủ tướng trong một cuộc cải tổ nội các khác, đồng thời vẫn nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-di-san-cua-thu-tuong-ly-hien-long-sau-2-thap-ky-cam-quyen.html