Châu Thành: Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc

Huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm gần 52%). Thời gian qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào Khmer mà hiện nay đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.

Diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Châu Thành đổi thay nhờ nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG. Ảnh: Hữu Lợi

Đổi thay nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) là xã đặc biệt khó khăn, đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 70%).

Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, bà Đặng Thị Diễm Phương, Chủ tịch xã Thuận Hòa cho biết: Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã đã xây dựng được một số công trình giao thông nông thôn (tuyến đường và cầu bê tông), rộng 3m, chiều dài 2,5km, với tổng kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng và duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng, góp phần hỗ trợ địa phương trong việc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

“Cũng từ nguồn vốn của chương trình này, năm 2022 xã đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 14 hộ dân và chuyển đổi ngành nghề cho 8 hộ, với tổng kinh phí 122 triệu đồng. Trong năm 2023, huyện Châu Thành giao chỉ tiêu cho xã hỗ trợ nhà ở cho 38 hộ, chuyển đổi ngành nghề 41 hộ và nước sinh hoạt phân tán 20 hộ. Hiện, xã đã họp dân và lập danh sách đề nghị để khi có nguồn vốn, sẵn sàng triển khai” - bà Phương nói.

Ông Thạch Được, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa chia sẻ: “Ấp Sa Bâu vừa được đầu tư đường giao thông rộng 3m từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bà con nơi đây rất phấn khởi. Từ nay việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, tôi đã vận động bà con trồng hoa kiểng, bảo dưỡng con đường để được sử dụng lâu dài hơn”.

Ông Sơn Minh Kha, ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa nói: “Đường giao thông nông thôn cũ bề rộng chỉ khoảng 2m, nhiều đoạn đã xuống cấp nên việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là trường hợp bị đau ốm. Khi nghe Nhà nước đầu tư con đường mới, người dân trong ấp rất vui, tự nguyện hiến đất đai, tạo thuận lợi trong việc thi công. Giờ có đường mới rộng rãi hơn, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, đến trường của con em cũng dễ dàng hơn”.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ Khmer nghèo còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Từ đây, những mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng, khơi dậy tinh thần cần cù lao động của nhiều hộ gia đình.

Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nên gia đình anh Lý Bal ở ấp Châu Thành, xã An Ninh đã có kinh tế ổn định. Trong ảnh: Anh Lý Bal chăm sóc đàn bò sinh sản. Ảnh: Hữu Lợi

Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình anh Lý Bal ở ấp Châu Thành, xã An Ninh (huyện Châu Thành) đã khấm khá dần lên, nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Lý Bal tâm sự: “Được sự quan tâm của chính quyền, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ cho gia đình tôi vay 50 triệu đồng, mua được 2 con bò cái, giờ sinh sản cũng được 5 con bò. Từ quá trình chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống, chuyển sang chăn nuôi bò có kỹ thuật, nên giống bò có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, lợi nhuận kinh tế từ đàn bò được tăng lên rõ rệt. Mô hình nuôi bò sinh sản phát triển tốt, nên hiện nay gia đình tôi kinh tế đã ổn định, con cái được đi học và chăm sóc tốt”.

Thời gian qua, những ngôi nhà đại đoàn kết trên địa bàn huyện Châu Thành được xây dựng kịp thời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng trong việc giúp đồng bào Khmer có được mái ấm kiên cố để vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ về niềm vui khi có nhà mới, chị Thạch Thị Nga ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành không khỏi xúc động khi bao năm qua sống trong căn nhà dột nát, giờ đây gia đình đã được an tâm hơn khi có căn nhà kiên cố khang trang. Chị Nga chia sẻ: “Gia đình không có ruộng đất, sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, thu nhập cũng bấp bênh, nên khi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, tôi mượn tiền từ người quen và tiền tích cóp của gia đình thêm 40 triệu đồng để xây căn nhà kiên cố”.

Có thể thấy, sau thời gian triển khai các Chương trình MTQG, diện mạo vùng quê huyện Châu Thành có nhiều khởi sắc, đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng lên. Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Các Chương trình MTQG được triển khai trên địa bàn xã thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, góp phần phát triển bộ mặt nông thôn mới. Xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; hộ nghèo DTTS được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán. Thời gian tới, xã An Hiệp tiếp tục triển khai việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đối với hộ nghèo là đồng bào DTTS, để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.

Những kết quả đó là minh chứng cho thấy các Chương trình MTQG đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Những ngày này, có dịp đến thăm các phum sóc, vùng quê, có đông đồng bào Khmer sinh sống ở huyện Châu Thành, sẽ thấy rõ những đổi thay trong đời sống của người dân. Nhiều năm về trước, đường giao thông ở các xã đi lại còn khó khăn do chưa được đầu tư thì nay đã được cứng hóa, sạch đẹp, xã liền xã, ấp liền ấp phục vụ tốt cho việc đi lại, giao thương của bà con; trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng kiên cố với các trang thiết bị đáp ứng tốt cho công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân.

Từ nguồn vốn hỗ trợ anh Danh Kha Mau ở ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp (huyện Châu Thành) thực hiện mô hình trồng màu chuyên canh giúp gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: Hữu Lợi

Qua hơn 2 năm, huyện Châu Thành triển khai thực hiện Chương trình MTQG gia đoạn 2021-2025 đã đạt được một số kết quả nổi bật. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Thời gian qua, UBND huyện Châu Thành chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình này. Cụ thể, đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay 7/7 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo kế hoạch năm 2023, huyện sẽ có thêm 1 xã nông thôn mới nâng cao (xã An Hiệp), cơ bản hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới và tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2024.

“Riêng năm 2022 huyện huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG trên 310 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 28 tỷ đồng (chiếm gần 9%), nhiều nhất là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 210 tỷ đồng (chiếm 70%), còn lại 20% là vốn từ tín dụng, đóng góp của người dân thực hiện các Chương trình MTQG. Từ đó, đã góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng đông đồng bào DTTS, nâng cao đời sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào DTTS” - ông Mỹ nói.

Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống trong vùng đồng bào Khmer huyện Châu Thành đã thay đổi đáng kể. Đây là động lực, là niềm tin để đồng bào Khmer Châu Thành đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Hữu Lợi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chau-thanh-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngay-cang-khoi-sac-post466669.html