Chất liệu cuộc sống tạo nên sức thuyết phục của tác phẩm

'Chủ động nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch' là tên loạt phóng sự dài 3 kỳ của nhóm tác giả Truyền hình CAND (ANTV) đã được trao giải A (thể loại truyền hình, video clip) Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ III, năm 2023. Loạt phóng sự đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến vụ khủng bố tại Tây Nguyên; chỉ rõ những nguyên nhân các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Hiểu rõ bản chất

Từ khi Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị được ban hành, Truyền hình CAND đã phát sóng, đăng tải nhiều phóng sự, chuyên mục phản ánh, phân tích, nhận diện các luận điệu xuyên tạc, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử phản động, góp phần định hướng dư luận. Một trong những mục được duy trì phát sóng hiệu quả là “Nhận diện và đấu tranh” được phát sóng trong bản tin An ninh 24h, tối thứ hai hàng tuần.

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động ly khai ở các vùng dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là âm mưu mà các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Hiểu rõ điều này, một số thành viên trong nhóm “Nhận diện và đấu tranh” thuộc Ban Thời sự, Truyền hình ANTV do Thượng tá Nguyễn Đăng Khang (Phó trưởng Ban Thời sự) làm Trưởng nhóm đã ấp ủ một đề tài với loạt 3 kỳ, đi sâu vào phân tích, nhận diện, đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.

Nhóm tác giả Truyền hình CAND tại Lễ trao giải Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ III.

“Ban đầu, chúng tôi chỉ định đề cập đến vấn đề tôn giáo trong nội dung loạt phóng sự. Tuy nhiên, sau quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi nhận thấy, vấn đề tôn giáo luôn song hành với vấn đề dân tộc và các đối tượng thù địch thường xuyên lợi dụng. Do vậy, nếu loạt bài chỉ triển khai ở khía cạnh “tôn giáo” thì chưa đủ. Chúng tôi quyết định thực hiện loạt bài đề cập cả 2 vấn đề: “dân tộc và tôn giáo”, tác giả Đăng Khang cho biết.

Thấm đẫm chất liệu cuộc sống

“Chủ động nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch” là loạt phóng sự mà nhóm tác giả: biên tập: Đăng Khang, Kinh Bang; quay phim: Tiến Mạnh, Đức Trọng; kỹ thuật: Kim Quảng; MC: Nam Hà đã dành nhiều thời gian, tâm huyết. Riêng thời gian xác định đề tài đã mất tới 2 tháng và được điều chỉnh nhiều lần.

Là một nhà báo có nhiều năm đeo đuổi và thực hiện nhiều tác phẩm báo chí, truyền hình liên quan đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo, Thượng úy Trần Kinh Bang (Ban Thời sự, Truyền hình CAND) cho biết, để có chất liệu cho những tác phẩm, anh luôn chủ động và không ngừng nắm bắt những thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật cũng như những hoạt động của các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động tại Việt Nam và những tổ chức, nhóm đối tượng thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do vậy, sau khi lên ý tưởng, kịch bản cho loạt bài, nhóm tác giả đã báo cáo lãnh đạo Truyền hình CAND, lãnh đạo Ban Thời sự để vạch ra những vấn đề cốt lõi nhất mà loạt bài cần phải chứng minh, làm rõ. Nhóm tác giả đã có nhiều lần làm việc, trao đổi với các đơn vị nghiệp vụ của Cục An ninh nội địa, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Học viện Chính trị CAND.

Nhóm tác giả đã đi đến nhiều cơ sở tôn giáo của nước ngoài tại Hà Nội để tìm hiểu các tổ chức tôn giáo này. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đánh giá của các chức sắc tôn giáo nước ngoài về pháp luật, con người, chính sách tại Việt Nam…

“Qua tiếp xúc thực tế, chúng tôi nhận thấy, các chức sắc tôn giáo nước ngoài cũng không đồng tình với những nhóm lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và chính những chức sắc ấy phản đối rất mạnh mẽ. Họ nói, chính những tổ chức này hoạt động vi phạm pháp luật, đang ảnh hưởng không tốt đến đất nước Việt Nam; đồng thời, gây hại đến chính những tổ chức của họ”, tác giả Kinh Bang nhấn mạnh.

Trong quá trình làm đề cương, một vụ việc đau lòng đã diễn ra tại Đắk Lắk. Đó là một nhóm đối tượng có tổ chức, manh động, dùng vũ khí quân dụng, hung khí nguy hiểm tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, khiến nhiều cán bộ và người dân thương vong… Lực lượng Công an xác định, phía sau vụ việc này có sự xúi giục, giật dây của thế lực khủng bố, phản động từ bên ngoài. “Nhận thấy đây là vụ việc “nóng”, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để gia tăng hoạt động chống phá, nhóm tác giả đã chủ động dự báo nhóm đối tượng, tổ chức phản động nào sẽ lợi dụng vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai để kích động, gây rối. Từ đó, dự báo các kênh mà nhóm đối tượng có thể sử dụng để nắm bắt, theo dõi thông tin. Khi dự báo đúng, trúng vấn đề, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị để phản bác chính xác”, tác giả Kinh Bang chia sẻ.

Để tăng tính khách quan, thuyết phục, xác thực cho tác phẩm, ngoài việc phải phỏng vấn được những người có uy tín, trách nhiệm đến các điểm tôn giáo được cấp phép hoạt động tại Việt Nam để ghi nhận những hình ảnh thực tế, nhóm tác giả đã liên hệ với không ít chức sắc tôn giáo ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Khi tiếp xúc với họ, nhóm tác giả rất vui mừng và tự hào về những đánh giá tốt của họ về đất nước, con người và môi trường hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Nhiều người đã có những thay đổi tích cực trong cách nhìn đối với Việt Nam sau khi được tiếp xúc với sự chân thành, cởi mở, lắng nghe và những thông tin đúng đắn, khách quan mà nhóm tác giả mang lại. Đánh giá của họ chính là những luận cứ thuyết phục khi tác phẩm không đi sâu vào học thuật và sử dụng rất ít lời bình.

Nhật Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chat-lieu-cuoc-song-tao-nen-suc-thuyet-phuc-cua-tac-pham-i712223/