Chấp hành quyết nghị của tổ đảng

Tôi sinh ra, lớn lên trong cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Tuổi thanh xuân, tôi cùng bạn bè đồng trang lứa xung phong nhập ngũ vào tháng 2-1964 và chiến đấu ở chiến trường Trị-Thiên. Trải qua những tháng ngày dưới mưa bom, lửa đạn, tôi được hiểu và ngưỡng mộ sức mạnh của tổ đảng trên chiến trường, từ đó xác định rõ hơn mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên của mình.

Năm 1966, tôi là chiến sĩ trinh sát của Trung đội Trinh sát 2, Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Trung đội trưởng là đồng chí Ngô Xuân Hạp. Thời gian đó, Trung đội đang hoạt động bí mật ở phía Tây các huyện Cam Lộ và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nhiều chiến sĩ bị sốt rét. Trong khi đó, địch tăng cường tuần tra, chốt chặn dày đặc gần vị trí Trung đội đóng quân nên chúng tôi không được tiếp tế lương thực. Thiếu gạo, Trung đội phải ăn rau rừng cầm hơi.

Một hôm, Trung đội nhận được điện của Trung đoàn có một Trung đội vận tải tiếp tế lương thực ở Khe Bông (cách nơi đóng quân khoảng 4km). Tôi và đồng chí Cẩn được cử đi đón và nhận tiếp phẩm. Đến địa điểm đã định từ sáng sớm, đợi đến gần 4 giờ chiều chúng tôi mới biết vì yếu tố bí mật nên đội vận tải thay đổi đường đi, tôi và đồng chí Cẩn phải quay về đơn vị. Khi cách Trung đội khoảng hơn 1km, tôi phát hiện phía trước có tiếng sột soạt. Tưởng là thú rừng, tôi vẫy Cẩn tới gần và nói thầm: "Cậu lùi lại để tớ bắn con thú rừng này mang về cứu đói Trung đội", rồi xách súng, nhẹ nhàng tiếp cận chỗ phát ra tiếng động.

Thiếu tướng Lê Huy Mai và gia đình. Ảnh: VĂN HÀO

Cách khoảng 10m, vừa vạch bụi lau, tôi sững người thấy một tốp biệt kích Mỹ đang ngồi nghỉ chân. Thầm nghĩ, nếu rút lui, chắc chắn địch sẽ phát hiện và chúng nổ súng trước, mình không thể thoát được vì cự ly ta và địch quá gần... “Phải quyết tử thôi”, suy nghĩ đó lóe lên trong đầu, tôi bình tĩnh nâng khẩu AK lên ngắm thật kỹ, rồi quét trọn một băng đạn vào đội hình địch. Trong tiếng súng, nhiều tên địch bị thương kêu la thảm thiết, số còn lại hoảng hốt tản ra, ẩn nấp chống trả. Hết loạt đạn, tôi thay băng đạn và điểm xạ vào từng vị trí địch, đồng chí Cẩn từ xa nổ súng yểm trợ. Trận đánh diễn ra ác liệt, sau đó, tôi bị thương ở bàn chân trái, băng đạn cũng đã gần hết, tôi và Cẩn lợi dụng địa hình rậm rạp, luồn lách rút về đơn vị.

Kìm nén cơn đau, tôi lê chân về căn hầm của Trung đội trưởng Ngô Xuân Hạp. Gặp Trung đội trưởng, tôi báo cáo tình hình và dự kiến tình huống địch sẽ cho máy bay và pháo bắn phá khu vực đóng quân của ta. Đề nghị Trung đội trưởng cho Trung đội chuyển vị trí khẩn cấp. Đồng chí Hạp nặng lời với tôi: “Mới có thế mà đã dao động à? Đã sợ à?”.

Tôi về hầm mà lòng ngổn ngang. Anh Hạp chắc thấy bộ đội sức yếu nên sợ di chuyển sẽ thêm phần khó nhọc, lại thêm chưa xin ý kiến cấp trên nên chưa dám quyết. Bỗng nhiên trong tôi chợt bật lên ý tưởng, tôi phải gặp tổ trưởng Đảng của Trung đội-đồng chí Nguyễn Văn Hiệt (quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An)-để báo cáo tình hình, vì ở lại thì cầm chắc cái chết.

Cố nén đau, tôi lết sang hầm đồng chí Hiệt để trình bày suy nghĩ của mình. Đồng chí Hiệt đăm chiêu suy nghĩ và lập tức triệu tập tổ đảng Trung đội. Sau đó, tôi được biết, khi tổ đảng bàn về ý kiến của tôi, anh Hạp vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của anh là giữ nguyên vị trí đóng quân. Do vậy, tổ đảng phải bỏ phiếu, anh Hiệt và anh Viết bỏ phiếu đồng ý theo phương án của tôi nên anh Hạp phải chấp hành quyết nghị của tổ đảng, lệnh cho Trung đội hành quân di chuyển đến vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 6km. Quả nhiên sáng hôm sau, địch gọi pháo và máy bay ném bom tan tành vị trí đóng quân của Trung đội trước đó.

Qua sự việc trên, tôi thêm ngưỡng mộ và cảm phục tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc của những cán bộ, đảng viên trên chiến trường, họ chấp hành nghiêm nguyên tắc và kỷ luật Đảng, phát huy được tinh thần, trí tuệ, sức mạnh đoàn kết và dân chủ. Các anh là tấm gương sáng để tôi nỗ lực phấn đấu và ngày 15-12-1966, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ đó đến nay, kinh qua nhiều vị trí công tác và cả khi về với đời thường, tôi vẫn luôn nhớ về quyết nghị của tổ đảng trong chiến trường ngày ấy với niềm vinh dự, tự hào của người đảng viên.

Thiếu tướng LÊ HUY MAI, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chap-hanh-quyet-nghi-cua-to-dang-763815