Chăm sóc nghiệp diễn, muộn còn hơn không

Nhiều ngành nghề trong nhóm trình diễn nghệ thuật, du lịch... vừa được đưa vào danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH, thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH, ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng.

Thầy trò đều phấn khởi

NSND Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nêu: "Ngành xiếc vất vả lắm và tuổi nghề rất ngắn mà phải tập luyện khổ cực, nếu không có sự quan tâm của các cấp, các ngành thì đầu vào tuyển sinh sẽ khó khăn. Thông tin về việc thực hiện danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại ở lĩnh vực nghệ thuật khiến các thầy, trò của ngành xiếc rất phấn khởi".

Các nhà chuyên môn cho rằng thông tư được ban hành khá muộn nhưng có còn hơn không, vì qua đó sẽ tạo điều kiện để người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề liên quan đến nghệ thuật.

Theo đó, danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở lĩnh vực nghệ thuật gồm có: biểu diễn ca kịch Huế và dân ca; diễn chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch múa, xiếc; diễn viên kịch, điện ảnh, múa; chỉ huy âm nhạc; biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhạc cụ phương Tây; đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ, nhạc công kịch hát dân tộc, chỉ huy hợp xướng…

NSƯT Trần Định, nhà ảo thuật nổi tiếng tại TP HCM, lạc quan: "Lâu nay nghề ảo thuật rất cực nhọc, khi tập luyện hay biểu diễn rất dễ xảy ra nguy cơ bị tai nạn, chấn thương. Thế nhưng, chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm đúng mức, nên rất ít người đăng ký theo học nghề ảo thuật. Có được sự quan tâm này thì khâu đào tạo sẽ thu hút được nhiều hơn học viên theo học".

Thông tư số 05 được ban hành thay thế Thông tư số 36/2017 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30-7-2023, các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo sẽ chính thức áp dụng quy định mới kể từ ngày Thông tư số 05 có hiệu lực thi hành.

Các diễn viên của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam học xiếc trên lưng ngựa do huấn luyện viên người Pháp đào tạo tại Hà Nội. (Ảnh: DUY LÂM)

Cần tiêu chí đánh giá rõ ràng

Theo những người trong cuộc, Thông tư số 05 sẽ giúp người học và người dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu sự bất cập về cơ cấu ngành, nghề. Tuy nhiên, dù nhiều ngành người học được giảm tới 70% học phí, có chế độ bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn, hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp... nhưng vẫn hiếm học viên đăng ký. Nguyên nhân vì giới trẻ ngày nay bị thu hút bởi những ngành có thu nhập cao, có cơ hội phát triển.

Các chuyên gia cho rằng Thông tư số 05 sẽ góp phần tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật nước nhà nhưng cần sớm có thêm tiêu chí cụ thể, rõ ràng để đánh giá như thế nào là sự độc hại của các ngành nghề, tránh rơi vào tình trạng "cào bằng" trong trợ cấp.

Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - NSND Tạ Minh Tâm - cho hay: "Theo ngành thanh nhạc phải có thể lực tốt, hơi khỏe thì các em mới có thể tập và biểu diễn được. Các ngành nghề này đều rất khó tuyển sinh, vì vậy, việc miễn giảm học phí theo tinh thần của Thông tư số 05 là vô cùng cần thiết để gia tăng nguồn nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật của cả nước nói chung, TP HCM nói riêng".

Theo NSƯT Lê Thiện, hiện có hơn 20 loại hình nghệ thuật biểu diễn, sự cực nhọc của các loại hình nghệ thuật là rất khác nhau, nên mức trợ cấp cũng cần phải đa dạng và phù hợp. NSND Thoại Miêu góp thêm: "Cần thấu hiểu đặc thù trong công tác đào tạo, để có sự đánh giá đúng trong việc trợ cấp cho người dạy, người học nghệ thuật".

THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/cham-soc-nghiep-dien-muon-con-hon-khong-2023062720243723.htm