Cây, hoa độc lạ ra mắt thị trường hoa kiểng Tết

Mùa Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, vì vậy những sản phẩm có giá vừa phải sẽ dễ bán.

Năm nay, các nhà vườn, hợp tác xã tiếp tục đưa ra thị trường nhiều mặt hàng hoa trái chưng Tết với mẫu mã mới, độc lạ và bắt “trend” thời sự nhằm thu hút người dùng.

Năm nay nhà vườn, hợp tác xã đưa ra thị trường các loại hoa, trái chưng Tết mới, độc lạ như lúa tím, vú sữa ăn cả vỏ. Ảnh: TÚ UYÊN

Hoa kiểng chưng Tết độc lạ, giá cả phải chăng

Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (Đồng Tháp), cho biết Tết năm ngoái lànăm đầu tiên hội quán sáng tạo ra những chậu cúc mâm xôi màu tím nổi tiếng và các hội viên tiếp nối sản xuất mặt hàng này cho mùa Tết năm nay. Không chỉ vậy, năm nay nhiều nhà vườn trồng những loại hoa mới nổi như cúc mâm xôi Hàn Quốc.

“Riêng tôi quyết định làm lúa kiểng Tết để bắt “trend” thị trường, vì năm nay lúa gạo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có giá trị tinh thần và vật chất cao. Hơn nữa nhiều gia đình quan niệm hạt lúa tượng trưng cho hạt ngọc trời, dịp Tết chưng lúa trong nhà có ý nghĩa mang tới sự no ấm cho gia đình trong cả năm” - ông Tiếp lý giải.

Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím thông tin thêm hội quán đã thử nghiệm lúa kiểng tím. Đây là giống lúa tím của Hợp tác xã Định Yên (Đồng Tháp) và giống lúa Nhật. Tết năm nay hội quán sản xuất khoảng 1.000 chậu, giá 50.000 đồng/chậu. Quy trình từ khi gieo hạt đến khi lúa trổ bông mất khoảng 90 ngày. Ngoài ra, hội quán còn sản xuất 1.000 chậu cúc mâm xôi Hàn Quốc mini với các màu đỏ, tím, hồng. Giá bán bình quân 50.000 đồng/chậu.

Dự báo về sức mua hoa mùa Tết sắp tới, ông Tiếp cho rằng người tiêu dùng năm nay có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên những sản phẩm có giá vừa phải sẽ dễ bán. Ví dụ, cúc mâm xôi Hàn Quốc loại bình thường giá 200.000 đồng/chậu, công nhân sẽ không dám mua nhưng nếu giá 50.000 đồng/chậu nhiều người có thể dễ dàng mua hơn. Thêm vào đó, lúa kiểng và cúc mâm xôi có thể chưng cả tháng, kéo dài đến sau Tết.

Là một trong những đơn vị có sản phẩm đạt danh hiệu Sản phẩm nông thôn tiêu biểu TP.HCM năm 2023, ông Đậu Thanh Tùng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chuyên về dừa bonsai thông tin: Tết năm nay ông tiếp tục đưa ra thị trường dừa bonsai 12 con giáp. Tuy nhiên, 2024 là năm con rồng nên ông đã chuẩn bị hơn 100 chậu dừa bonsai linh vật rồng phục vụ khách hàng Tết chuộng “trend”.

Nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định nên giá cả năm nay không tăng so với năm ngoái. Ví dụ, giá dừa Tết bonsai 12 con giáp, dừa thủy canh dao động 450.000-2,5 triệu đồng/chậu.

“Khách hàng của chúng tôi phần lớn ở miền Bắc và miền Trung, thời điểm này cũng đã có đơn hàng lai rai. Năm nay hy vọng sẽ bán tốt như Tết năm ngoái” - ông Tùng chia sẻ.

Sự sáng tạo của bà con nông dân trong sản xuất hoa kiểng Tết vừa mang lại giá trị kinh tế vừa thu hút du khách làm cho thị trường hoa Tết thêm sôi động.

Xuất khẩu bưởi khắc chữ, tạo hình

Theo ông Huỳnh Thanh Tâm (ấp 5, xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre), Tết hằng năm nhà vườn đều sản xuất các loại trái cây tạo hình như bưởi thỏi vàng, bưởi khắc chữ Tài Lộc, dừa hồ lô… Điểm mới là mỗi năm khuôn mẫu được cải tiến để tạo ra những mẫu chữ ngày càng đẹp hơn trên sản phẩm.

Tuy vậy, Tết năm nay chỉ lác đác vài khách hàng đặt mua, trong khi thời điểm này năm ngoái đã có nhiều đơn hàng đặt cọc. Do nhu cầu thị trường giảm nên giá bưởi cũng giảm gần một nửa so với năm ngoái.

“Năm ngoái dừa hồ lô khắc chữ bán với giá 250.000 đồng/trái, hiện giờ lấy công làm lời, giảm còn 150.000 đồng/trái mà không mấy người ngó ngàng” - ông Tâm kể.

Bên cạnh giá thấp, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều, dừa bị “sốc”, bể khuôn rụng hàng loạt dẫn đến lượng dừa hồ lô chỉ còn 30%. Riêng bưởi tạo hình có hút hàng hơn nhưng sản lượng cũng không bằng năm ngoái.

Năm nay cơ sở của ông Tâm liên kết với các nhà vườn khu vực Bến Tre làm 3.000 trái nhưng tỉ lệ đạt chỉ khoảng 1.000 trái. Nguyên nhân do vùng trồng lão hóa, cây giảm sinh trưởng, trái nhỏ lại, không đầy kích cỡ khuôn nên sản phẩm không đạt.

Dù thị trường trong nước không khả quan nhưng năm nay một số thị trường như Mỹ ưa chuộng bưởi nên một số hộ trồng cắt sớm để xuất khẩu.

“Sức tiêu thụ thị trường trong nước giảm, thương lái không kết nối thu mua nhiều nên nhà vườn không tìm được khách hàng lớn. Nếu không có đơn hàng từ thị trường nước ngoài, lượng dừa, bưởi phục vụ Tết sẽ rớt giá, người sản xuất sẽ lỗ” - ông Tâm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Võ Trung Thành, người “khai sinh” bưởi hồ lô, bưởi in chữ Tài Lộc Tết… vùng ĐBSCL, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, huyện Châu Thành, Hậu Giang, cho biết: Cây bưởi qua thu hoạch một lứa thì lứa sau chất lượng không đạt như mong muốn, cây đã già, cho ra trái nhỏ.

“Tôi đang cải tạo vườn, không sản xuất trái cây tạo hình để phục vụ Tết. Câu lạc bộ có 26 thành viên với 24 ha hiện nay không còn cây bưởi nào và chuyển đổi sang trồng mít và sầu riêng” - ông Thành nói.

Ông Thành tiết lộ thời hoàng kim như năm 2012 cung cấp ra thị trường Tết 56.000 trái bưởi hồ lô vẫn tiêu thụ không đủ. Năm nay tình hình khó khăn nên thị trường chững lại. Tuy nhiên, qua thông tin các hội viên vẫn thu mua hoặc liên kết với các nhà vườn địa phương xung quanh như Vĩnh Long thu mua bưởi tạo hình với khoảng 1.000 trái để bán ra thị trường mùa Tết.•

Hỗ trợ nông dân sáng tạo

Hiện diện tích trồng hoa kiểng của TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đạt 950 ha, tăng 222,8 ha so với năm ngoái. Hiện có hơn 4.000 hộ trồng hoa, tổng giá trị sản xuất trên 3.000 tỉ đồng/năm.

Với 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, đánh giá cao sự sáng tạo của các tổ hợp, hợp tác xã trong sản xuất hoa kiểng phục vụ Tết khi tạo ra các sản phẩm vừa mang lại giá trị kinh tế vừa thu hút du khách, góp phần làm cho thị trường hoa Tết TP Sa Đéc sôi động.

“Chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ người nông dân trồng hoa đổi mới sáng tạo để làng hoa Sa Đéc trở thành điểm đến yêu thích của du khách khi đến tỉnh” - bà Bình nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cay-hoa-doc-la-ra-mat-thi-truong-hoa-kieng-tet-post770441.html