Cắt giảm nhựa hướng tới phát triển bền vững

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có đến gần 1 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng. Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đến nay nhiều doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm nhựa, qua đó, liên tục cải tiến công nghệ để giảm tối đa nhựa trong sản xuất.

Màng co luôn được người tiêu dùng ưa chuộng vì cho rằng đây là dấu hiệu đảm bảo hàng “xịn” chưa qua sử dụng, nhưng ít ai biết đây là một trong những loại nhựa không thể tái chế và có thời gian phân hủy rất lâu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từng là một trong những doanh nghiệp sử dụng màng co trên các sản phẩm đến nay, nhờ thay đổi hệ thống dây chuyền, sau gần 4 năm vận hành, nhà máy sản xuất Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi tiên của tập đoàn TH đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng màng co trên các chai nhựa qua đó tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng trong quá trình sản xuất.

Không chỉ là màng co đối với các dòng chai đóng nước hoa quả của tập đoàn TH, khối lượng nhựa trước đây là 14,5 gr/chai nay đã được tiết giảm xuống 12 gr/chai, mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế của sản phẩm. Độ dày của nhãn mác bọc chai hiện chỉ còn 35 micromet. Hay như việc cắt giảm 50% và dần tiến tới 100% lượng thìa nhựa dùng 1 lần sẽ giúp giảm được từ 130 - 260 tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm.

Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Ngô Trang -

Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cat-giam-nhua-huong-toi-phat-trien-ben-vung-187207.htm