Cạnh tranh tàu ngầm quyết liệt dưới lòng Biển Đông

Một loạt tác chiến của tàu ngầm như công kích mục tiêu dưới đáy biển, trên mặt nước, trên đất liền, rải mìn phong tỏa… sẽ làm tê liệt toàn bộ hoạt động trên biển của bất kỳ đối thủ nào.

Một loạt tác chiến của tàu ngầm như công kích mục tiêu dưới đáy biển, trên mặt nước, trên đất liền, rải mìn phong tỏa… sẽ làm tê liệt toàn bộ hoạt động trên biển của bất kỳ đối thủ nào.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học New South Wales (Australia) từng nhận định năm 2015: “Biển Đông là nơi rất tốt để Trung Quốc che giấu hạm đội tàu ngầm của mình. Vùng biển này có nơi sâu đến hàng nghìn mét, với nhiều rãnh núi ngầm bên dưới, giúp tàu ngầm có thể dễ dàng ẩn nấp mà không bị phát hiện”.

Trung Quốc biến Du Lâm thành quân cảng tàu ngầm đe dọa ổn định của Biển Đông

Vai trò quan trọng của Biển Đông đối với hoạt động tàu ngầm

Phần lớn diện tích Biển Đông có độ sâu mặt nước tương đối nông, nhưng ở trung tâm vùng biển này có những rãnh hẹp sâu đến 4.000 m. Điểm sâu nhất có thể lên đến 5.000 m. Những rãnh này tạo thành đường hầm che chắn cho các tàu ngầm Trung Quốc khỏi sự theo dõi của các vệ tinh do thám Mỹ.

Tại Du Lâm (Hải Nam), Trung Quốc cho xây dựng hàng chục đường ngầm dưới nước để chứa các tàu ngầm của nước này. Các cửa vào có chiều rộng hơn 23 m. Năm 2008, lần đầu tiên các ảnh vệ tinh của Anh, Mỹ đã được công bố về hiện hữu của căn cứ tàu ngầm này. Căn cứ này chỉ cách trung tâm thành phố Tam Á vài cây số nên còn được gọi là căn cứ Tam Á. Từ các đường ngầm tại Du Lâm, tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng tiến vào vùng đáy sâu Biển Đông.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, từ năm 2010, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có 5 tàu ngầm nguyên tử loại 094, mỗi chiếc mang 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 có tầm bắn từ 8.000 km đến 12.000 km, có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, Ấn Độ…

Các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở trung tâm Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh phá vỡ thế trận phong tỏa ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai của Mỹ.

Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc không có căn cứ nào cho tàu ngầm hạt nhân, vì biển nông, lối ra bị các phương tiện quân sự của Mỹ và Nhật Bản kiểm soát.

Một trong các động cơ của tàu chiến và máy bay tuần thám Mỹ hoạt động ở Biển Đông là do thám tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ẩn dấu ở Biển Đông. Một trong những động cơ của Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa là nới rộng không gian hoạt động cho hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh điên cuồng chống lại các hoạt động tuần tra dưới danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) của hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng từng trắng trợn cảnh cáo tàu chiến Ấn Độ đi trong vùng biển Việt Nam từ Nha Trang ra quân cảng của Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ.

Báo The Guardian của Anh bình luận: “ Các mối quan tâm của Mỹ về tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc là một trong những lý do thực sự của “tự do hàng hải”. Mỹ muốn hoạt động tự do tại Biển Đông, tiếp giáp với đảo Hải Nam, nơi có căn cứ tàu ngầm Trung Quốc để theo dõi, xác định sự di chuyển của các tàu ngầm này và do đó khi xẩy ra xung đột quân sự có khả năng tiêu diệt chúng trước khi chúng đến các vùng biển mở của Thái Bình Dương”.

Các sĩ quan hải quân Việt Nam thăm máy bay săn ngầm P3C của hải quân Mỹ

Tàu ngầm Việt Nam đắc địa trong cuộc cạnh tranh tàu ngầm lòng sâu Biển Đông

Lực lượng tàu ngầm các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn non trẻ. Hầu hết các quốc gia tại khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức nhằm duy trì chương trình phát triển tàu ngầm phát triển ổn định từ những nguyên nhân về kỹ thuật, điều kiện chính trị, nguồn lực tài chính.

Indonesia – một quốc gia quần đảo – mở rộng đội tàu ngầm của mình từ các tàu mua từ Pháp, Nga và Hàn Quốc, với dự kiến tăng cường hạm đội tàu ngầm từ 2 đến 12 chiếc tàu ngầm diesel điện. Singapore từ những năm 1990 thuê tàu ngầm của Thụy Điển để huấn luyện đội thủy thủ và hiện nay đã trang bị các tàu ngầm tiên tiến. Những năm gần đây, Malaysia đã tích cực xây dựng đội tàu ngầm của mình, với các tàu mua của Pháp, có tin là mua từ Hàn Quốc.

Thái Lan từng có ý định mua tàu ngầm từ những năm 2008-2009, song kế hoạch bị trì hoãn và hiện tại hải quân nước này có kế hoạch mua ba tàu ngầm tấn công S-26T của Trung Quốc với giá khoảng 1 tỷ USD. Với Thái Lan, đây là lần đầu tiên hải quân quốc gia này có sở hữu tàu ngầm. Chưa rõ liệu quốc gia này sẽ sử dụng tàu ngầm có hiệu quả trong các hoạt động bảo vệ lợi ích quốc gia và thời gian đưa vào khai thác sử dụng sẽ là bao nhiêu năm.

Việt Nam có đội tàu ngầm Kilo 6 chiếc do Nga đóng theo hợp đồng ký năm 2009. Đến nay 5 chiếc đã được bàn giao và các đội thủy thủ đang được huấn luyện. Ấn Độ là một đối tác lớn.

Việt Nam án ngữ bờ tây của Biển Đông với bờ biển dài và nhiều cảng nước sâu. Từ quân cảng Cam Ranh, tàu ngầm của Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận các vị trí trọng điểm tại Biển Đông. Thế mạnh là hoạt động của đội tàu ngầm này được đặt trong bối cảnh hợp đồng tác chiến của chiến đấu cơ Sukhoi, chiến hạm mặt nước, tên lửa phòng thủ Bastion, máy bay tuần tra biển…

Christinan Le-Miere, một nhà nghiên cứu hải quân của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) ở London, nhận xét sở hữu tàu ngầm không biến Việt Nam bỗng chốc ngang sức với Trung Quốc về quân sự. Nhưng việc mua tàu ngầm Nga “lần đầu tiên mang lại cho Việt Nam khả năng phong tỏa dưới mặt biển, đặc biệt nhờ tên lửa chống hạm được trang bị… Nó gieo hồ nghi trong đầu giới hoạch định quốc phòng Trung Quốc, liệu tàu của họ có luôn an toàn trên Biển Đông hay không nếu xảy ra xung đột?”

Mua tàu ngầm chỉ là bước đầu tiên trên con đường dài sở hữu lực lượng tàu ngầm. Quá trình đào tạo, duy trì, vận hành, phối hợp tác chiến giữa các binh chủng vừa phức tạp vừa tốn kém.

Năm 2015, hải quân Việt Nam vừa tròn 60 tuổi. Tàu ngầm là lực lượng trẻ tuổi và quan trọng trong binh chủng hải quân nước ta. Sẽ mất nhiều năm để đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam phát huy đầy đủ khả năng quân sự của mình. Nhưng không ngừng hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm là bước đi tất yếu của một quốc gia biển như Việt Nam, tại một vùng biển quan trọng hàng đầu của thế giới./.

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/canh-tranh-tau-ngam-quyet-liet-duoi-long-bien-dong-215338.html