CANDVT Hải Ninh mưu trí, dũng cảm truy bắt nhóm biệt kích

Luôn nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, khắc phục khó khăn, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, biết phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân nên CANDVT tỉnh Hải Ninh (sau này sáp nhập với tỉnh Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điển hình là vụ bắt nhóm biệt kích xâm nhập bằng đường biển cách đây 60 năm.

Phiên tòa xét xử Trịnh Thiệu Kỳ và nhóm kiệt kích (ngày 12/7/1964). Ảnh: Tư liệu

Tạo thành mạng lưới đón bắt địch

Sau hàng loạt các thất bại ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tổ chức hàng loạt toán gián điệp, biệt kích với trang bị, phương tiện hiện đại xâm nhập ra miền Bắc để tiến hành các hoạt động thu thập tin tức tình báo, phá hoại hậu phương nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 7/1963, chúng tổ chức toán đặc vụ xâm nhập vào Hải Ninh. Toán này do tên Tư lệnh trưởng Trịnh Kỳ Thiệu chỉ huy, gồm có 1 Thượng tá, 2 Trung tá, 4 Thượng úy, số còn lại là Trung úy. Chúng được trang bị hiện đại và tổ chức rất chặt chẽ so với các toán gián điệp, biệt kích đã từng xâm nhập bờ biển miền Bắc. Đặc biệt, lần xâm nhập này có sự phối hợp chặt chẽ giữa CIA, tình báo nước ngoài và tình báo chính quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, lực lượng tham gia đánh bắt toán gián điệp này đã được huy động, gồm: 1 phân đội trinh sát cơ động của Bộ Tư lệnh CANDVT; 1 đại đội cơ động, các đồn CANDVT, đội tàu thuyền, 4 chó nghiệp vụ của CANDVT tỉnh Hải Ninh. Ngoài ra, còn có sự tham gia tích cực của 354 dân quân và 77 bộ đội địa phương của tỉnh.

Đêm 28/7/1963, 2 chiếc tàu chở toán biệt kích tiến vào vùng biển tỉnh Hải Ninh. Khi cách đảo Cô Tô khoảng 13 hải lý, chúng chia ra làm 3 chi đội (201, 202 và 203), di chuyển bằng 3 xuồng máy đến khu vực đảo Vĩnh Thực. Mặc dù đã ghép 3 xuồng làm một để giảm tiếng ồn khi đổ bộ, nhưng chúng vẫn bị Đội tuần tra của Đồn CANDVT Cửa Đài (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia) phát hiện. Trong lúc các chiến sĩ chạy về đồn báo cáo tình hình thì xuồng máy của địch đã đi qua hơn 1km.

Cùng lúc đó, 2 chiếc thuyền đánh cá của dân quân thôn Phú Hải (nay là xã Phú Hải, huyện Hải Hà) thấy xuồng máy của địch lướt qua liền đuổi theo nhưng không kịp, phải bắn 3 phát súng cảnh cáo, địch bắn trả rồi quay xuồng chạy về phía Ghềnh Vỏ. Dân quân thôn Phú Hải trên bờ bắn ra 3 phát súng, xuồng địch phải quay mũi ra hướng núi Miều để tìm đường quay ra Cửa Đại. Đúng lúc địch đang tìm đường rút thì ca nô của CANDVT ập đến. Ta và địch giao tranh khoảng 15 phút, sau đó, chúng chạy về núi Lim rồi hướng ra cửa Tiểu định tẩu thoát. Đến 4 giờ, ngày 29/7/1963, các tàu của ta đuổi kịp, nhanh chóng bắt sống 7 tên, tiêu diệt 1 tên thuộc Chi đội 202.

Cùng thời gian đó, chiếc xuồng chở Chi đội 201 gồm 9 tên lọt vào lạch Hà Cối (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà ngày nay), bị dân quân phát hiện. Ta đã ra tín hiệu cho chúng đầu hàng, nhưng địch vẫn ngoan cố bắn trả, buộc lòng ta phải nổ súng tiêu diệt 3 tên. 6 tên còn lại chạy trốn theo hướng Bắc qua Cún Rình (Mã Tế Nùng). Lực lượng cơ động của CANDVT tỉnh Hải Ninh gồm 21 đồng chí và dân quân các xã Mã Tế Nam, Mà Tế Nùng và Hà Cối tiếp tục truy đuổi.

Truy bắt tên đầu sỏ

Đến cuối ngày 29/7/1963, ta bắt sống thêm 2 tên và tiêu diệt 1 tên. Ba tên còn lại ngoan cố chống cự rồi trốn vào rừng ẩn náu, trong đó có tên chỉ huy Trịnh Kỳ Thiệu và tên Tổng đài trưởng. Trong khi hai Chi đội 201 và 202 bị CANDVT và dân quân truy lùng, tiêu diệt thì chiếc xuồng chở Chi đội 203 bị mắc cạn. 7 tên bỏ xuồng lên xã Mã Tế Nùng, 2 tên còn lại qua đường số 4 lên Tấn Mài. Khi 7 tên lên Mã Tế Nùng định vượt qua đường số 4 thì bị CANDVT và bộ đội tiêu diệt tại chỗ 3 tên, bắt sống 4 tên. Trung tá Trịnh Trân, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu CANDVT (sau này là Trung tướng, Tư lệnh BĐBP) được cử xuống Hải Ninh trao đổi với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và bàn kế hoạch truy bắt những tên còn lại. Lúc đó, Bộ Tư lệnh CANDVT tiếp tục tăng cường thêm 1 đại đội cơ động cho CANDVT tỉnh Hải Ninh.

Sau khi phân tích lời khai của bọn bị bắt, biết Trịnh Kỳ Thiệu và một số tên cầm đầu đã trốn vào rừng, phương án được vạch ra và chỉ đạo các mũi, các hướng tiếp tục truy lùng, vây bắt số còn lại. Lực lượng tham gia truy lùng đợt này được huy động 200 cán bộ, chiến sĩ CANDVT và 50 dân quân. Địa bàn truy lùng mở rộng ra 5 hướng: Pạc Cạp, Nà Pắt, Tài Phật Ao, Pa Nai và Khe Lánh.

Đến ngày 31/7/1963, CANDVT và dân quân đã bắt thêm được 2 tên ở cầu Nà Vàng, Quất Đông (xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái ngày nay). Sau nhiều ngày lần theo dấu vết của địch, đến ngày 6/8/1963, tại suối Pò Hèn (khu vực gần Đồn Biên phòng Quảng Đức ngày nay), ta đã bắt được tên Trịnh Kỳ Thiệu.

Qua phân tích lời khai của Thiệu, biết được 2 tên còn lại chưa có khả năng vượt qua biên giới, Đại úy Đinh Sinh, Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Hải Ninh liền cử 1 tiểu đội tăng cường cho Đồn CANDVT Hoành Mô đón bắt. Sáng 9/8/1963, tổ trinh sát CANDVT phối hợp với dân quân truy lùng đến Khuổi Mùng thì gặp 1 tên biệt kích, tên này nổ súng chống trả quyết liệt nên ta đành phải tiêu diệt. Đến chiều 10/8/1963, ta đã vây bắt được tên Chỉ huy phó - cũng là tên cuối cùng của toán biệt kích. Vậy là, sau 13 ngày đêm truy lùng bao vây, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 26 tên biệt kích Mỹ. Qua trận này, CANDVT tỉnh Hải Ninh đã tỏ rõ sự trưởng thành trong công tác chỉ huy, tổ chức chiến đấu hiệp đồng với các lực lượng vũ trang khác trong việc phát hiện, vây bắt các toán gián điệp, biệt kích.

Ngày 12/7/1964, Tòa án quân sự Quân khu Tả Ngạn đã mở phiên tòa xét xử công khai toán đặc vụ do Trịnh Kỳ Thiệu chỉ huy. Các tên Trịnh Kỳ Thiệu, Diệp Đình Hưng, Trần Nhuận Đào bị tử hình. Những tên còn lại bị phạt từ 5 năm đến 20 năm tù.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/candvt-hai-ninh-muu-tri-dung-cam-truy-bat-nhom-biet-kich-post471225.html