Cần sự hợp tác để xóa 'nợ cát' cho sông Mekong

Mọi sự chú ý trong tuần này đều đổ dồn về sông Mekong, dòng sông hùng vĩ là huyết mạch của Đông Nam Á khi các nguyên thủ, các nhà ngoại giao và các chủ doanh nghiệp tập trung tại Vientiane để tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Ủy hội sông Mekong về phát triển bền vững (MRC).

Cho đến nay, phần lớn các cuộc thảo luận vẫn tập trung vào nguồn nước của sông Mekong. Nhưng các chuyên gia cho rằng, có một nhu cầu cấp thiết là chuyển trọng tâm của các cuộc thảo luận từ nước sang những gì chảy dưới bề mặt nước. Nếu bỏ qua yếu tố dưới bề mặt nước thì rất có thể sẽ đưa đến nhiều quyết định không tính đến mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của Đồng bằng sông Mekong: lượng cát chảy xuống sông đang giảm mạnh.

Sông Mekong đang chảy máu cát

Với độ cao trung bình dưới một mét so với mực nước biển, đồng bằng sông Mekong đã là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên trái đất trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Thực tế, tình trạng mất bùn và cát đang làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định và khả năng phục hồi của đồng bằng – làm gia tăng mối đe dọa gây ra bởi lũ lụt, hạn hán và mưa bão ngày càng trầm trọng.

Tình trạng giảm lượng phù sa của dòng sông cũng đang gây ra nhiều vấn đề cấp bách hơn, góp phần làm giảm mạnh mực nước ngầm và làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn trong đất liền – gây nguy hiểm cho một trong những vựa lúa năng suất cao nhất thế giới và là sinh kế của hàng triệu người.

Khai thác cát không bền vững là một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng tai hại này. Trên thực tế, cát là một trong những tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên Trái đất. Với ước tính có tới 50 tỉ tấn cát được khai thác trên toàn cầu mỗi năm, đây là ngành khai thác tài nguyên lớn nhất trên hành tinh. Các nghiên cứu về hạ lưu sông Mekong của Giáo sư Stephen Darby tại Đại học Southampton (Anh) cho thấy, trên tổng chiều dài hàng trăm cây số, lòng sông đã bị hạ thấp vài mét chỉ trong vài năm. Tất cả đều có nguyên nhân từ việc khai thác cát.

Cát là nguyên liệu thiết yếu cho rất nhiều ngành công nghiệp như mỹ phẩm, phân bón và thép và nhất là ngành sản xuất xi măng. Trong hai thập kỷ qua, nhu cầu cát đã tăng gấp ba lần, theo số liệu LHQ, do sự tăng tốc trong cuộc đua xây dựng các thị trấn và thành phố mới. Chỉ trong 4 năm từ 2011 đến 2013, lượng cát mà Trung Quốc tiêu thụ trong quá trình đô thị hóa các khu vực nông thôn ngang với tổng lượng cát Mỹ tiêu thụ trong cả thế kỷ 20. Cát còn được sử dụng để bồi đắp và mở rộng diện tích. Chẳng như hiện giờ, Singapore đã lớn hơn 20% so với thời điểm nước này giành độc lập vào năm 1965.

Không phải tất cả các loại cát đều có thể sử dụng làm nguyên vật liệu. Chẳng hạn, cát sa mạc quá mịn để có thể dùng trong đổ bê tông. Loại cát này cũng không thích hợp để sản xuất kính hoặc sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử.

Đó là lý do tại sao cát khai thác theo hình thức “động” từ biển và sông, như với trường hợp sông Mekong, lại được săn lùng đến vậy. Và khai thác cát theo hình thức này có thể gây ra tổn hại rất lớn: “Cát là một phần của hệ sinh thái và đóng vai trò quan trọng mà nếu bị khai thác mất đi sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây xói mòn đất và tăng nhiễm mặn”, một chuyên gia lưu ý.

Một nghiên cứu được công bố năm 2019, có tên Research in Nature, cho rằng, việc khai thác cát trên một sông dài 20 km "không bền vững" bởi lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về không đủ để thay thế lượng cát bị lấy đi. Và đồng bằng châu thổ sông Mekong đã mất hơn 2/3 lượng trầm tích tự nhiên và nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến năm 2040, nó sẽ chỉ còn dưới 3%.

Bất kỳ ai cũng có thể thấy rằng đồng bằng sông Mekong đang chảy máu cát ngày càng nhanh hơn. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Ủy ban sông Mekong, cao độ lòng sông của hai nhánh chính của sông Mekong tại đồng bằng sông Cửu Long đã thấp đi tới 1,4m trong 10 năm tính từ năm 2008, còn nếu tính từ năm 1990 đến nay, cao độ này thấp hơn từ 2-3 m, làm suy yếu bờ sông và hút nước mặn sâu hơn vào đồng bằng. Khoản nợ cát ngày càng tăng khiến nó càng phải đối mặt với lũ lụt, hạn hán, bão và mực nước biển dâng cao. Nó làm tăng nguy cơ mất đi nhiều hệ sinh thái và đa dạng sinh học vốn là nền tảng cho xã hội và nền kinh tế của vùng đồng bằng – từ rừng ngập mặn tạo vùng đệm cho bờ biển cho đến nghề cá nuôi sống hàng triệu người. Nó cũng làm tăng khả năng cạn kiệt cát để sử dụng trong phát triển. Tất cả những điều này khiến sinh kế của hàng triệu người gặp rủi ro.

Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là chấm dứt những tổn thất này và đảm bảo đủ lượng trầm tích trong lòng sông. Đây là yếu tố bảo tồn bền vững đồng bằng châu thổ. Phải bổ sung trầm tích mới cho đất để giữ đất trong trường hợp nước biển dâng cao và duy trì các bãi cát ngoài khơi để bảo vệ bờ biển và rừng ngập mặn.

Thay đổi cái nhìn về cát

Có một con đường dẫn đến sự bền vững, được bắt đầu bằng thay đổi cách nhìn về cát. Chúng ta phải xem cát không chỉ là một nguyên liệu thô cơ bản miễn phí để xây dựng, mà còn là một tài sản mang lại lợi ích vô giá cho các dòng sông và bờ biển, cộng đồng và thành phố, con người và thiên nhiên.

Bước tiếp theo là bắt đầu giám sát cát ở sông Mekong, tính toán dòng chảy cát từ thượng nguồn và khai thác ở đồng bằng, và sử dụng điều này để phát triển ngân sách cát.

Cách tiếp cận này đã được thực hiện nhờ công nghệ cải tiến “máy đo tiếng vang đa tia”. Lần đầu tiên, chúng ta có thể tự tin ước tính bao nhiêu cát đang chảy vào đồng bằng từ thượng nguồn, bao nhiêu cát chảy dọc theo và được lưu trữ trong các kênh của đồng bằng, bao nhiêu đến bờ biển cũng như đo được tổng khối lượng đang bị khai thác ở lòng sông; tạo ra một “ngân sách cát trên toàn châu thổ”.

Việt Nam đã tiên phong trong vấn đề này. Tháng 4.2023, Cục Quản lý đê điều và thiên tai quốc gia Việt Nam - cơ quan hợp tác trong dự án này với WWF và Sáng kiến khí hậu quốc tế của chính phủ Đức sẽ cung cấp ngân sách cát đầu tiên trên toàn vùng đồng bằng. Không giống như trong thế giới tài chính, không thể có một cách đơn giản để “xóa nợ cát” đã tích tụ trong nhiều thập kỷ. Nhưng những đổi mới về tư duy và công nghệ này cung cấp cho những người ra quyết định các công cụ để xác định cách tốt nhất để khôi phục bảng cân bằng cát của đồng bằng.

Cần sự hợp tác trên toàn khu vực

Cũng giống như vấn đề có quy mô toàn lưu vực, giải pháp cũng cần quy mô như vậy, vì vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác giữa các quốc gia và hành động tập thể. Cùng với Việt Nam, các quốc gia khác như Campuchia, Lào và Thái Lan cũng cần có “ngân sách cát”. Nếu không, những nỗ lực của Việt Nam sẽ vô ích.

Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ tư đã nhấn mạnh rằng có cơ sở pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia; rằng MRC là nền tảng để đối thoại và giải quyết các vấn đề cũng như lập kế hoạch hành động chung. Đây là những bước đi đúng hướng, trong đó, chấm dứt các tác động tiêu cực của tình trạng khai thác cát trên sông Mekong phải được ưu tiên.

Quan trọng là, các nhà lãnh đạo cần thay đổi cái nhìn về cát và coi đây không chỉ là nguyên liệu miễn phí để xây dựng mà còn là tài sản mang lại lợi ích vô giá cho sông và bờ biển, cộng đồng và thành phố, con người và thiên nhiên.

Các nhà lãnh đạo cần kiến thức và công cụ hỗ trợ để ra quyết định về nơi cần cát nhất cũng như những vật liệu thay thế, cát nhân tạo, cách tái chế và khai thác cát từ các nguồn khác, bền vững hơn.

Những người ra quyết định ở các quốc gia liên quan phải làm việc với thiên nhiên và làm việc với nhau – để bổ sung những gì đã mất và bắt đầu xây dựng lại nguồn dự trữ của đồng bằng. Việc xây dựng ngân sách cát cho sông Mekong cuối cùng sẽ cho phép các chính phủ và doanh nghiệp hoạch định một con đường bền vững hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Quốc Đạt (Tổng hợp từ Asia Times, The third pole)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/can-su-hop-tac-de-xoa-no-cat-cho-song-mekong-i322057/