Chim cánh cụt Nam Cực ngay trước mắt

Các loài chim ở Nam Cực thích nghi với thời tiết khắc nghiệt tốt hơn bất cứ động vật nào. Đặc biệt, chim cánh cụt có số lượng đông nhất với nhiều loài hiếm.

Vào những năm 1910, cả thế giới kinh ngạc với các chuyến thám hiểm Nam Cực của Ernest Shackleton và Roald Amundsen. Nhưng trong một thập kỷ qua, lục địa băng giá này chứng kiến sự gia tăng số lượng du khách nhờ các các tàu thám hiểm tối tân, hiện đại.

Nam Cực khơi gợi khát khao chinh phục con người với những cánh đồng băng trắng xóa, loài chim cánh cụt hiếm và bầu trời sáng bừng lúc nửa đêm. Mỗi khoảnh khắc ở đây đều mang lại cho du khách những trải nghiệm chưa từng có trong đời.

Để khám phá Nam Cực, du khách có thể chọn ở trên boong tàu, ngắm nhìn những tảng băng khổng lồ trôi lững lờ trên mặt nước hoặc chụp ảnh chim cánh cụt đang nô đùa trên băng. Còn nếu muốn đến gần hơn với cảnh quan, du khách có thể chèo thuyền kayak giữa các tảng băng ở những nơi như cảng Neko hoặc đi thuyền Zodiac bơm hơi vào bờ, ngắm nhìn những chú chim cánh cụt Adélie lạch bạch giữa mặt nước và tổ.

Các loài chim ở Nam Cực có lẽ đã thích nghi với điều kiện thời tiết tốt hơn bất kỳ loài động vật nào khác. Chúng sinh sản, làm tổ, nuôi con non trên những núi đá cằn cỗi. Loài chim mắt xanh không bao giờ di cư và có thể lặn sâu xuống nước để tìm kiếm thức ăn. Nam Cực còn có loài chim skua, mỏng biển, hải âu và petrels (chim biển mũi ống), nhưng không loài nào nổi tiếng như chim cánh cụt.

Chuyến trekking qua những cánh đồng băng rộng lớn cho phép du khách tận mắt chứng kiến những tổ chim được dựng lên từ đá. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm chim cánh cụt Gentoo. Trong khi một số chú chim cánh cụt bảo vệ tổ, những con khác đi ra ngoài để tìm kiếm thức ăn. Đôi lúc, người ta nhìn thấy chúng dừng lại trên những tảng băng để nghỉ ngơi hay tìm kiếm chỗ trú ẩn, thoát khỏi kẻ săn mồi.

Trong hình là ngọn núi Brown Bluff ở đầu bán đảo Tabarin, nơi hầu hết du khách đặt những bước đầu tiên trên lục địa Nam Cực. Khoảng 20.000 cặp chim cánh cụt Adélie sinh sản và làm tổ trên các vách đá hùng vĩ, cùng với hàng trăm loài chim cánh cụt Gentoo.

Những con chim cánh cụt thường nhảy lên đỉnh những tảng đá lớn hơn để khảo sát địa hình và báo hiệu bằng tiếng kêu cho các con khác trong đàn. Chúng thực hiện những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc từ những tảng đá, trước khi lạch bạch đi về phía bạn tình gần đó.

Sâu trong lục địa, vào thời điểm giữa mùa hè ở Nam Cực tháng 12-2, mặt trời không bao giờ lặn. Những tia nắng vàng hồng chiếu sáng những tảng băng rộng, tạo nên sắc màu ấm áp giữa vùng cực lạnh giá.

Hình bóng của những du khách khác đến Nam Cực xuất hiện giữa những tảng băng trôi xa xôi - có thể là một con tàu thám hiểm với 150-200 hành khách hoặc một con thuyền buồm chở vài chục người.

Minh Vũ

Ảnh: Matt Dutile theo National Geography

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chim-canh-cut-nam-cuc-ngay-truoc-mat-post1473534.html