Cân nhắc khi rút bảo hiểm xã hội một lần

BPO - Thời gian gần đây, nhất là từ sau đại dịch Covid-19, cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng, số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao. Điều này đồng nghĩa với số người lao động (NLĐ) về già không có lương hưu sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. So với lương hưu thì nhận BHXH một lần rất thiệt thòi cho bản thân, bởi vậy NLĐ cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định quan trọng này.

Bài 1:
LỢI TRƯỚC MẮT, HẠI LÂU DÀI

Doanh nghiệp ngưng hoạt động khiến hàng ngàn NLĐ thất nghiệp, mất việc làm nên chọn phương án nhận trợ cấp một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Điều này khiến tình trạng NLĐ nhận trợ cấp một lần tăng cao, nhất là địa bàn tập trung đông công nhân.

Nhận trợ cấp một lần gia tăng

Ghi nhận của phóng viên những ngày đầu tháng 4-2023 tại BHXH huyện Đồng Phú cho thấy, khác với cảnh vắng vẻ thời điểm trước đây, mới 7 giờ sáng nhưng hàng chục người đã đến cơ quan BHXH làm hồ sơ, thủ tục nhận trợ cấp một lần. Số người đến rút BHXH một lần đông, trong khi nhân lực có hạn nên phải chờ đợi lâu, có trường hợp phải đến trưa mới giải quyết xong. Đây là cảnh tượng hiếm thấy trong ngành BHXH những năm qua. Nguyên nhân được nhiều NLĐ lý giải là để giải quyết bài toán khó khăn về kinh tế.

Ông Ngô Duy Lãm (54 tuổi), ngụ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú cho biết, ông làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú được 5 năm và đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Tuy nhiên, do lớn tuổi và một số lý do khác nên năm 2022 công ty cắt hợp đồng lao động. Thất nghiệp, không còn thu nhập nên ông quyết định rút BHXH một lần để làm vốn sản xuất, tạo sinh kế cho gia đình.

Người lao động cần thận trọng và cân nhắc trước khi rút BHXH một lần. Trong ảnh: Công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú trong một dây chuyền sản xuất

Cùng ngụ xã Tân Tiến, anh Nguyễn Văn Tượng từng làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và đã tham gia BHXH được 9 năm. Anh Tượng cho biết, do công việc quá áp lực nên đã xin nghỉ và nhận trợ cấp một lần để tạo vốn tìm việc làm khác phù hợp hơn. Khi được hỏi vì sao không tham gia đóng BHXH tự nguyện, anh Tượng cho rằng thời gian đóng dài, trong khi việc làm chưa có, kinh tế khó khăn nên chưa nghĩ đến chuyện sẽ đóng tiếp.

Từng làm công nhân và tham gia BHXH được 4 năm nhưng khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời bản thân cảm thấy không còn phù hợp làm công nhân nên chị Lương Thị Kiều, ngụ xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú xin nghỉ làm. Do không có thu nhập hằng tháng nên chị Kiều làm hồ sơ, thủ tục nhận trợ cấp một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Bình Phước, năm 2022, toàn tỉnh có 14.788 hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng 22,1% so với năm 2021. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết 4.074 hồ sơ nhận trợ cấp một lần. Trong đó, Đồng Phú là một trong những đơn vị có số lượng lao động nhận trợ cấp một lần cao nhất tỉnh. Năm 2022, toàn huyện đã giải quyết 2.499 hồ sơ với số tiền gần 100 tỷ đồng, tăng 19,06% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, BHXH huyện Đồng Phú đã giải quyết 673 hồ sơ với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Số NLĐ rút BHXH một lần tăng cao, không có dấu hiệu dừng lại và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đang tạm ngưng hoạt động, trong khi đó, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, áp lực lớn về tài chính. Ngoài việc mới lập nghiệp, xây dựng gia đình, nuôi con nhỏ, mất việc làm thì nhiều người khi nghỉ việc còn phải đầu tư học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mới tìm được chỗ đứng ổn định trong công ty, xí nghiệp về sau. Điều này khiến NLĐ chọn phương án nhận BHXH một lần để giải quyết khó khăn về kinh tế sau khi nghỉ việc mà ít tham gia BHXH tự nguyện để chờ nhận lương hưu.

Người dân đến làm hồ sơ, thủ tục nhận BHXH một lần tại cơ quan BHXH huyện Đồng Phú

Bà Bùi Vũ Diễm Thi, đại diện BHXH huyện Đồng Phú cho biết, Đồng Phú là nơi có khu công nghiệp lớn, tập trung nhiều lao động trong cả nước đến sinh sống, làm việc. Từ sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh nên tạm ngưng hoạt động. Điều này dẫn đến hàng ngàn NLĐ thất nghiệp, mất việc làm. Trong khi đó, phần lớn NLĐ tuổi đời còn trẻ (từ 20-40 tuổi) nên việc chờ đủ tuổi để nhận lương hưu là rất khó nên họ chọn phương án nhận trợ cấp một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Đó là nguyên nhân chính khiến số NLĐ ở Đồng Phú cũng như toàn tỉnh nhận trợ cấp một lần tăng cao.

Thiếu bền vững

Do nhu cầu giải quyết khó khăn về kinh tế trước mắt của NLĐ nên công tác tuyên truyền, vận động không rút BHXH một lần của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các đại lý thu gặp rất nhiều khó khăn. Bà Đôn Thị Oanh, nhân viên đại lý thu Bưu điện văn hóa xã Tân Lập, huyện Đồng Phú chia sẻ: Đối tượng nhận trợ cấp một lần phần lớn có tuổi đời còn trẻ, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn, thời gian đợi nhận lương hưu quá lâu nên phần đông chọn phương án rút BHXH một lần.

Mặc dù đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng họ chỉ nghĩ giải quyết khó khăn trước mắt. Đó là có kinh phí để trang trải cuộc sống và tạo nguồn vốn làm kinh tế nên rất khó thuyết phục.

Bà Đôn Thị Oanh
nhân viên đại lý thu Bưu điện văn hóa xã Tân Lập, huyện Đồng Phú

Theo bà Oanh, không chỉ công nhân đã nghỉ việc ở các công ty, xí nghiệp mà việc vận động các đối tượng khác tham gia BHXH tự nguyện như dân quân thường trực, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã (không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc) cũng không dễ dàng. Lý do là đa số tuổi đời còn trẻ, thời gian đóng BHXH dài, trong khi họ chỉ lo giải quyết bài toán kinh tế trước mắt mà chưa nghĩ đến việc sẽ an nhàn tuổi già với sổ hưu trí. Thậm chí, có người đã đóng được 2-3 năm nhưng khi kinh tế khó khăn lại bỏ giữa chừng.

“Khi gặp những trường hợp này, tôi có giải thích kỹ nếu kinh tế khó khăn anh/chị có thể ngưng lại một vài năm rồi đóng tiếp, bởi những trường hợp này đã có mã số bảo hiểm và có sổ. Dù khó khăn nhưng tôi vẫn đề ra nhiều phương án để thuyết phục họ, cụ thể như trường hợp có điều kiện thì vận động đóng 1 năm, 5 năm, còn khó khăn hơn thì đóng theo quý (3 tháng/lần). Vì vậy, nhiều trường hợp đã duy trì tốt, một số không tiếp tục theo được là do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn” - bà Oanh nêu thực tế.

Bà Bùi Vũ Diễm Thi, đại diện BHXH huyện Đồng Phú thừa nhận, dù ngành BHXH cũng như đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn luôn nỗ lực tìm giải pháp nâng cao tỷ lệ tham gia nhưng kết quả vẫn khiêm tốn. Việc duy trì số người đã tham gia còn thiếu tính bền vững, chưa ổn định và việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân, do đời sống kinh tế người dân trên địa bàn thời gian qua giảm sút, việc làm không ổn định nên phần lớn chỉ những người từng tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã nghỉ việc mà chưa đến tuổi nghỉ hưu thì mới tham gia tiếp. Cũng có trường hợp vận động tham gia ngay nhưng chỉ được thời gian ngắn rồi ngưng do thu nhập không ổn định.

Từ ngày 1-1-2018, chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện của Nhà nước được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm/mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Việc Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện là rất tốt nhưng vẫn còn thấp so với thu nhập hiện tại của người dân nên khó thu hút các đối tượng tham gia.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/143179/can-nhac-khi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan