Cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông

Ngoài điều khiển phương tiện lấn làn, lấn tuyến, chen ngang - những hình ảnh vi phạm luật giao thông đã và đang tồn tại trên nhiều tuyến đường, thời gian gần đây nổi lên một số vụ việc không chỉ môtô 'khủng', mà xe máy (XM) cũng leo lên tuyến cao tốc phóng bạt mạng; lực lượng chấp pháp truy bắt đã bị chống đối, tấn công... Ngoài xử phạt nghiêm hành vi vi phạm, rất cần người điều khiển phương tiện nâng cao ý thức giao thông mới có thể cải thiện được tình hình.

Đại lộ Phạm Văn Đồng lúc mới đưa vào sử dụng đã dành cho xe hai bánh một phần riêng biệt, có dải phân cách cứng bên lề phải. Sau một thời gian khai thác, cơ quan chức năng nhận thấy vào giờ cao điểm, ôtô lưu thông khá thoải mái, còn XM phải "chen chúc", nên đã linh hoạt điều chỉnh, mở thêm diện tích, dành nhiều ưu tiên hơn cho xe hai bánh. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa thể khiến một vài người thỏa mãn, tình trạng phóng vun vút trong làn đường dành cho ôtô tiếp tục diễn ra, như phản ánh của Chuyên đề Công an TPHCM, dù bên phía phần đường của XM lúc không phải cao điểm khá thông thoáng.

Nhiều tuyến đường khác như Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ... cũng xảy ra tình trạng tương tự! Đáng lo ngại hơn khi xe đạp thể thao cũng ngang nhiên lăn bánh trong làn đường dành cho ôtô!

Ở chiều ngược lại, không ít ôtô, kể cả những xe tải cỡ lớn cũng "xâm chiếm" làn đường vốn rất "khiêm tốn" của xe hai bánh trên Quốc lộ 1, từ giao lộ trước Trường Đại học Nông lâm, TP.Thủ Đức (TPHCM) đến ngã tư An Sương. Những người đi XM chấp hành đúng quy định rất bực mình và ngán ngẩm do phải chạy sau đuôi những chiếc ôtô tải bất tuân luật lệ. Hậu quả là ở những đoạn có lề đường, người đi xe hai bánh phải bất đắc dĩ chiếm dụng, tăng ga vượt lên. Tai nạn đã xảy ra, song điều đáng nói ở chỗ làm bát nháo thêm bức tranh giao thông. Cái sai nối tiếp cái sai đôi khi xuất phát từ vài cá nhân thiếu ý thức khi lưu thông trên đường.

Nhiều xe máy cố tình chạy vào làn đường dành cho ôtô ở TP.Thủ Đức

"Thước đo" chính xác nhất đối với tinh thần thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực giao thông thể hiện rất rõ tại các đoạn đường chỉ có thể rẽ trái bằng cách đi thêm vài trăm mét. Do vướng dải phân cách, các phương tiện phải đến vị trí được phép quay đầu hoặc rẽ trái. Khu vực trước cổng Khu du lịch Suối Tiên, hay đoạn gần lối dẫn vào Trường Đại học Thể dục - Thể thao (Quốc lộ 1 - TP.Thủ Đức), chuyện này xảy ra thường xuyên. Xe đi đúng chiều chạy tốc độ từ 40km trở lên rất dễ va chạm với đoàn xe lưu thông ngược chiều. Có những trường hợp từ va quẹt xe nhanh chóng bị đẩy lên thành xô xát, ẩu đả chỉ vì ai cũng giành phần đúng.

Nguy hiểm hơn với những XM cố ý bỏ qua phần đường dành cho mình để lấn sang phần đường của ôtô trên cầu Rạch Chiếc, Sài Gòn. Còn tại ngã tư Bình Thái, gặp lúc đèn đỏ, nhiều XM đi sau đã đứng hẳn sang phần đường của chiều ngược lại. Xe từ các hướng rẽ vào bị vướng, đèn xanh bật lên vẫn chưa thoát kịp, ùn tắc kẹt xe cũng từ đó mà ra!

Thời gian gần đây nổi lên nhiều vụ việc không chỉ môtô "khủng", XM cũng tự cho mình leo lên đường cao tốc phóng bạt mạng. Lực lượng chấp pháp truy bắt đã bị chống đối, tấn công. Từ vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đến bị khởi tố do chống người thi hành công vụ chỉ một bước chân. Vụ mới nhất xảy ra ở bến phà Cát Lái, khi người đàn ông đi ngược chiều lại còn vác ghế hành hung nhân viên làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, những cầu vượt bộ hành trước Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1, đường Nơ Trang Long), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Trãi) trở nên "ế ẩm" do nhiều người đi bộ mạo hiểm băng ngang đường, thay vì lên cầu vượt sẽ an toàn hơn.

Hệ thống camera giám sát dĩ nhiên ghi hình đầy đủ, song lấy đâu ra nhân sự theo dõi hàng trăm ngàn "mắt thần" suốt ngày để ra thông báo xử phạt? Lực lượng tuần tra, kiểm soát càng mỏng hơn và còn lo nhiệm vụ điều tiết giao thông. Chỉ có nhận thức của người tham gia giao thông mới cải thiện được tình hình. Bớt đi "cái tôi" ích kỷ, hẹp hòi, tự dẹp bỏ thói xấu mạnh ai nấy đi, cứ thấy chỗ trống là "điền" vào, để tất cả cùng di chuyển đúng luật.

Ngoài đường đã vậy, vào các tòa nhà cao tầng, cảnh đi thang máy cũng gây bức xúc không kém. Văn hóa xếp hàng hay bị "bỏ quên", nhất là chuyện đi sau lên trước, "lách" bằng mọi cách để giành phần hơn, mặc kệ phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ em vẫn kiên nhẫn chờ theo thứ tự.

Mạng xã hội vốn thích "buôn" chuyện, nhưng lạ ở chỗ những điều chướng tai gai mắt kể trên lại ít bị "ném đá”. Có vẻ như nhiều người mải tập trung vào các phát ngôn, hành vi dễ câu "view", câu "like" hơn.

Cùng các chế tài xử lý vi phạm, cộng đồng cần lên án mạnh mẽ những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, mới mong cải thiện được tình hình.

AN HÒA - THANH BÌNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/can-nang-cao-y-thuc-khi-tham-gia-giao-thong_155901.html