Cần đổi mới tư duy xây dựng đường sắt đô thị

Trên cơ sở Nghị quyết số 98/2023/QH15 (NQ 98) của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đô thị, trong đó lựa chọn mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).

Nhằm đạt mục tiêu 220km đường sắt đô thị (metro) vào năm 2035 đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, cách làm mới, sáng tạo, mang tính chủ động cao. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (TSKH, KTS) Ngô Viết Nam Sơn, người có hơn 30 năm kinh nghiệm về tư vấn thiết kế, quy hoạch đô thị ở châu Á và Hoa Kỳ.

Phóng viên (PV): TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu hoàn thành các tuyến metro dài 220km từ nay đến năm 2035, theo ông mục tiêu này liệu có khả thi?

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn.

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Mục tiêu trên quả thực là rất khó khăn, nhiều thách thức, muốn đạt được cần đổi mới tư duy, cách làm mới. Thành phố triển khai xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên mất gần 20 năm, để lại nhiều bài học kinh nghiệm và thấy rõ được những vướng mắc, khó khăn khi làm các tuyến metro khác. Vấn đề ở đây là đổi mới tư duy, cách làm như thế nào, làm sao để phát huy những nguồn lực và những cơ chế, chính sách đặc thù của NQ 98 hiệu quả nhất. Xây dựng metro số 1 chậm, kéo dài là do quá trình triển khai bị bó hẹp trong tư duy kinh tế tập trung, theo kế hoạch.

Các khâu phải chờ đợi từng sở, ngành, địa phương hoàn thành các thủ tục, điều chỉnh rồi mới triển khai. Chủ đầu tư chỉ tập trung nguồn vốn, nhân lực, trí tuệ cho việc xây dựng công trình. Điều này dẫn đến tình trạng vừa làm vừa phải điều chỉnh, gặp nhiều khó khăn, các hạ tầng giao thông, đô thị liền kề thiếu tính kết nối... Vì vậy, cần triển khai xây dựng metro theo tư duy kinh tế thị trường, khai thác quỹ đất, huy động nguồn lực đầu tư xã hội hóa; tính toán các yếu tố xung quanh, sự tương thích, kết nối hạ tầng và đô thị, dịch vụ công cộng vào dự án...

PV: Khắc phục những hạn chế trên, khi NQ 98 có hiệu lực, thành phố đã áp dụng mô hình TOD vốn được triển khai ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, ông đánh giá như thế nào về sự lựa chọn này?

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Theo tôi, việc chọn mô hình TOD là rất đúng đắn, giúp khai thác được giá trị quỹ đất ở các điểm kết nối metro và quy hoạch đô thị liền kề, huy động nguồn vốn xã hội hóa cho dự án, công tác vận hành, hình thành thói quen sử dụng metro đối với người dân ở đô thị quanh metro...

Trước đây, khi chưa triển khai mô hình TOD, UBND TP Hồ Chí Minh đã thí điểm các phương thức tương tự theo mô hình TOD khi thi công tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ ở huyện Nhà Bè. Các quỹ đất hai bên tuyến đường này được đấu giá tạo được nguồn vốn lớn. Từ đó cũng để lại bài học kinh nghiệm khi triển khai mô hình TOD trong thời gian tới.

PV: Mô hình TOD phát huy được tính ưu việt, vượt trội ở nhiều quốc gia, nhưng áp dụng ở đô thị như TP Hồ Chí Minh sẽ gặp những khó khăn gì, thưa ông?

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất là xác định được bộ máy quản lý, cơ chế hoạt động phù hợp. Cần xây dựng một tổ hợp đa ngành-tập đoàn đường sắt đô thị và tập đoàn TOD để thực hiện mục tiêu phát triển metro và mô hình TOD thay cho các ban quản lý dự án trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh như hiện nay. Tổ hợp này giúp tạo phương thức quản lý mới về quy hoạch, tài chính, thi công, khai thác, vận hành các tuyến metro so với ban quản lý đường sắt đô thị hiện tại.

Nói rõ hơn là ban quản lý đường sắt đô thị hiện chỉ giữ vai trò triển khai dự án metro, không đủ các cơ chế quản lý một mô hình TOD vốn rộng, liên quan đến nhiều yếu tố bên ngoài dự án như quy hoạch đô thị liền kề tuyến metro, xã hội hóa nguồn vốn, xử lý đồng thời các phần việc liên quan dự án như quy hoạch, đấu giá đất, khai thác dịch vụ... Trong cuộc họp với UBND TP Hồ Chí Minh mới đây, tôi cũng đã nêu rõ những lợi thế, sự cần thiết phải thành lập tổ hợp đa ngành tập đoàn đường sắt đô thị và tập đoàn TOD, nhận được sự đồng tình, đánh giá rất cao của lãnh đạo thành phố và các đại biểu tham dự. Nếu theo cách làm như hiện nay thì việc triển khai các tuyến metro sẽ rất khó khăn, chậm tiến độ và không phù hợp với mô hình TOD.

Tôi dẫn một ví dụ có tính suy đoán nhưng rất thực tế là tuyến metro số 1 chiều dài gần 20km làm trong gần 20 năm, như thế nếu không có cách làm đột phá theo tư duy mới, mà vẫn theo cách cũ thì để làm 220km đường metro có thể kéo dài thời gian thực hiện gấp nhiều lần, từ 100 đến 200 năm. Vì vậy cần thiết đổi mới tư duy, cách làm kèm thiết lập mô hình triển khai dự án phù hợp sẽ phát huy được lợi thế, điều kiện có tính chủ động, sáng tạo mà NQ 98 mang lại.

Việc thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Ảnh: PHẠM THỌ

PV: Giải phóng mặt bằng, bàn giao “đất sạch” để xây dựng các tuyến metro gặp nhiều khó khăn, theo ông cần giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Đất sạch” là vấn đề vướng mắc khi triển khai dự án hạ tầng nói chung. Ở trong phạm vi xây dựng metro, thành lập tập đoàn quản lý gắn với mô hình TOD sẽ giúp đơn vị này tham gia vào khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường dứt điểm ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng chưa thu hồi xong "đất sạch" đã khởi công; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chứ không chờ đợi từng sở, ngành giải quyết theo kiểu cuốn chiếu rồi bàn giao "đất sạch" như hiện nay. Nếu giải phóng mặt bằng chậm sẽ dẫn đến chậm tiến độ dây chuyền, gây thiệt hại kinh tế rất cao.

Mô hình TOD mở ra cơ chế các chủ sở hữu đất dọc theo các tuyến metro sẽ có cơ hội tham gia góp vốn xây dựng dự án metro bằng quỹ đất và được hưởng lợi từ dự án. Quy trình thu hồi, bồi thường được thực hiện trên cơ sở minh bạch, hài hòa lợi ích, có sự đồng thuận cao... Ngoài ra, cũng cần có những đổi mới về chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý của Nhà nước bảo đảm phù hợp, kịp thời để đơn vị đầu tư dự án phát huy được tính ưu việt của mô hình TOD, rút ngắn thời gian xây dựng metro, giúp hình thành hệ thống giao thông đô thị hiện đại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ĐẶNG TRUNG KIÊN (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-doi-moi-tu-duy-xay-dung-duong-sat-do-thi-766804