Cần cơ chế đột phá thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Nhiều năm nay, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Để phát huy kết quả này, tháng 9-2021, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Chỉ thị số 12).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải), Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (giữa) thăm mô hình tiêu hữu cơ tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Bình Nguyên

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12, khu vực nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện hơn.

* Nông thôn ngày càng phát triển

Nhiều năm nay, Đồng Nai luôn giữ được vị trí là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng NTM. Bằng những mô hình sáng tạo, cách làm hiệu quả, chương trình đã huy động và có sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế và nhân dân.

Chia sẻ về những kết quả này, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho hay, hơn 2 năm qua, tỉnh tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng NTM. Tỉnh đã huy động được gần 250 tỷ đồng thực hiện chương trình, trong đó lớn nhất là nguồn vốn tín dụng và vốn DN, ngân sách chỉ khoảng 12 tỷ đồng. Tùy từng nguồn vốn, tỉnh ưu tiên phân bổ đầu tư các mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn, ngân sách thì ưu tiên phát triển đường giao thông, trường học, cơ sở y tế. Vốn tín dụng và DN thì đầu tư phát triển hệ thống điện và mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến để tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Vốn xã hội hóa từ người dân và DN thì bố trí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có quy mô vừa và nhỏ như đường ngõ xóm, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa ấp.

Nhờ sự bố trí hợp lý và hiệu quả này, hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi khu vực nông thôn ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân, đồng thời tạo ra động lực thu hút DN tham gia đầu tư phát triển kinh tế.

Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, tỉnh duy trì và nâng cấp 63 công trình cấp nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, huy động các nguồn và vận động nhân dân lắp đặt thiết bị lọc nước, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch lên hơn 83%. Thông qua các mô hình như: CLB, tổ tự quản môi trường, khu dân cư kiểu mẫu, ngày càng có nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm. Trong đó, giáo dục với chủ trương xã hội hóa đã có nhiều trường học được xây dựng mới, nâng cấp. Hiện 100% trường học khu vực nông thôn đạt chuẩn về cơ sở vật chất; 80% trường mầm non, tiểu học, THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia và 63% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, các loại cây, con chủ lực được sắp xếp và hình thành vùng sản xuất tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu. Thực hiện chủ trương sản xuất sạch, đến nay gần 2,8 ngàn ha cây trồng đạt chứng nhận sản xuất an toàn thực phẩm; hình thành vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, vùng nuôi tôm chất lượng cao. Xây dựng được hơn 230 chuỗi liên kết, hơn 200 HTX nông nghiệp và hơn 1,3 ngàn trang trại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh ngày càng thực chất, hiệu quả. Đến nay, Đồng Nai vẫn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM với 105/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 27/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 34 khu dân cư kiểu mẫu.

Đồng Nai đặt mục tiêu năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và H.Xuân Lộc hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu. Giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020...

Lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận, việc thực hiện Chỉ thị số 12 còn những hạn chế nhất định như: một số tuyến đường chậm được đầu tư, nâng cấp; quỹ đất giáo dục thủ tục thực hiện còn chậm; tỷ lệ người dân sử dụng nước máy còn khiêm tốn. Nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 làm suy giảm kinh tế, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm ban hành. Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 với những yêu cầu cao hơn.

* Cần cơ chế đủ mạnh và đột phá

Mặc dù đạt kết quả cao song việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Đó là tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và tăng dân số cơ học gây sức ép lớn về yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội, môi trường. Những khó khăn, thách thức trong bảo đảm chỗ ở, việc làm cho người dân bị thu hồi đất làm dự án. Đất nông nghiệp có xu hướng giảm do đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu.

Nhận diện được những nguy cơ này, UBND tỉnh sẽ chủ động tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách, văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Tỉnh ủy đảm bảo đồng bộ, kịp thời và phù hợp. Tổ chức tốt tuyên truyền, tập huấn đến các đối tượng, nhất là nông dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện xây dựng NTM. Tham mưu chính sách khuyến khích DN đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Sản phẩm nông nghiệp an toàn của H.Xuân Lộc. Ảnh: H.Lộc

Phó bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị, thời gian tới UBND tỉnh bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 12. Trong đó quan tâm thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa, vai trò của chương trình NTM; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo quy định và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và nghiên cứu vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là việc thu hút DN đầu tư vào nông thôn; tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tờ trình xin ý kiến Ban TVTU về hỗ trợ công trình phúc lợi cho xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí theo các Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; triển khai hiệu quả đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và giải pháp thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung mà Đồng Nai vẫn duy trì được thứ hạng cao là rất đáng quý. Lãnh đạo Tỉnh ủy lưu ý 3 vấn đề: tăng cường tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng NTM; ưu tiên các địa phương còn khó khăn để kéo dần khoảng cách chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với thành thị; làm mới nguồn lực đầu tư vào nông thôn bằng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ người dân. Tổ chức sơ kết thực hiện Chỉ thị số 12, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy mô hình hay, cách làm tốt, nâng chất các tiêu chí.

Đối với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ động xây dựng, có thể xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy xây dựng nghị quyết mang tính đột phá thu hút đầu tư khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào nông nghiệp, nông thôn trình HĐND tỉnh. Ngoài ra, cần chỉ đạo các sở, ngành xây dựng các chương trình cho từng mục tiêu như: nước sạch, giáo dục, môi trường, hạ tầng giao thông…

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/can-co-che-dot-pha-thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep-nong-thon-47557f9/