Cần chuẩn bị gì khi đi ngắm băng giá ở miền núi?

Nhiệt độ miền Bắc xuống thấp, một số tỉnh miền núi xuất hiện băng giá. Nhiều người thích thú 'xách ba lô lên và đi' tới những địa điểm được cho là có băng giá để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú hiếm có này. Du khách cần trang bị những gì khi đi du lịch trong điều kiện thời tiết không thuận lợi?

Thích thú với trải nghiệm du lịch ngày rét đậm

Thời tiết miền Bắc đang có nhiệt độ xuống thấp, nhiều nơi xuất hiện băng giá như đỉnh núi Phia Oắc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh)... Đây là hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp tại nước ta nên những điểm đến này thu hút được nhiều người dân đến trải nghiệm, khám phá.

Có rất nhiều du khách đã di chuyển tới một số đỉnh núi để ngắm cảnh vật trong băng giá. Họ đã chia sẻ những hình ảnh thiên nhiên thú vị trên các nền tảng mạng xã hội.

Anh Nguyễn Quang (du khách tại Hà Nội) cho biết: "Khi băng giá xuất hiện ở đỉnh Phia Oắc (Cao bằng), tôi đã cùng nhóm bạn lên kế hoạch di chuyển ngay trong chiều ngày 23/1 để kịp "săn tuyết" vào sáng sớm ngày hôm sau".

Tại đỉnh núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) từ chiều tối ngày 22/1, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, băng giá hình thành ở khu vực đỉnh núi.

Thời tiết rét đậm, lạnh buốt kèm gió và mưa đã khiến đỉnh Mẫu Sơn bao phủ một lớp băng giá trắng muốt. (ảnh Thu Hiền).

Chị Thu Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, chị vốn thích du lịch khám phá, mạo hiểm, nên khi thấy mọi người chia sẻ hình ảnh băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn, hai vợ chồng chị đã hào hứng đi ngay để thử thách bản thân trước sự khắc nghiệt của thời tiết.

"Trải nghiệm ngắm băng giá thật tuyệt, tuy nhiên thời tiết tại những khu vực này rất lạnh, phải mặc áo ấm, đội mũ và đeo găng tay. Sau khi "sống ảo" xong phải nhanh chóng rời đi vì lạnh", chị Hiền thông tin.

Chị Hiền chia sẻ lại khoảnh khắc ngắm băng giá trên mạng xã hội (ảnh NVCC).

Kinh nghiệm du lịch đến nơi có băng giá

Về kinh nghiệm khi đi du lịch ngắm băng giá, chị Hiền chia sẻ, cần phải trang bị rất kỹ từ thể lực, trang phục và phương tiện di chuyển... để có một chuyến đi trọn vẹn.

Trước khi lên đường, cần chuẩn bị đầy đủ đồ cá nhân để giữ ấm cơ thể như găng tay, áo mưa, áo giữ nhiệt... Đồng thời phải mặc áo chống thấm nước, cản gió, đi giày thể thao để thuận tiện đi lại. Vật dụng y tế nên mang theo trong người như miếng dán giữ nhiệt, dầu gió, trà gừng… giúp tăng nhiệt độ cơ thể.

Thứ hai, đường lên đỉnh Mẫu Sơn khá trơn, dốc nên cần kiểm tra xe trước khi khởi hành, nhất là hệ thống đèn, phanh, lốp... Đặc biệt, trên tuyến đường có nhiều sương phủ, tầm nhìn hạn chế do vậy người lái xe phải có kinh nghiệm lái xe đường đèo.

Rất đông du khách lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm băng giá ngày 24/1. (ảnh Quốc Trường).

Trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Bộ Y tế khuyến cáo người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang.... Phải luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.

Thứ ba, trong thời tiết băng giá, sương mù, để đảm bảo an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người tham gia giao thông, khi di chuyển trên những cung đường miền núi phía Bắc nên cẩn trọng, chú ý quan sát, lái xe với tốc độ chậm, nhất là khi lên và xuống dốc.

Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo các tài xế cẩn trọng khi di chuyển trong điều kiện thời tiết băng giá. (Ảnh: Cục CSGT).

Khi lái xe tại những nơi sương mù, băng giá nên sử dụng đèn sương mù, đèn gầm khi di chuyển, lưu tâm tại các đường cong cua, đèo dốc. Đối với các tuyến đường không xảy ra băng tuyết, tài xế cũng cần bật đèn chiếu sáng, đèn led, đèn sương mù, chú ý quan sát, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Người dân và du khách cần tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-chuan-bi-gi-khi-di-ngam-bang-gia-o-mien-nui-169240124150341514.htm