Cận cảnh 11 tuyến đường đầu tiên ở TP.HCM thí điểm thu phí vỉa hè

11 tuyến đường đầu tiên tại trung tâm TP.HCM đủ điều kiện cho thuê một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh, mua bán hàng hóa.

Ngày 9/5, TP.HCM triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1 và ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố Quận 1”.

Các tuyến đường thí điểm thực hiện thu phí vỉa hè, gồm: Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Hải Triều, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Cô Bắc, Võ Văn Kiệt.

Ghi nhận của PV VTC News, tại đường Trần Hưng Đạo (Quận 1) hàng loạt xe máy của những hộ kinh doanh được xếp gọn gàng trên vỉa hè và bên trong lề đường.

Anh Nguyễn Quốc Trường (nhân viên cửa hàng ZShop trên đường Trần Hưng Đạo) cho biết, việc thu phí vỉa hè không những tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân kinh doanh mà còn đảm bảo mỹ quan đô thị. "Xe cộ được xếp gọn gàng, hàng quán bán cũng có quy củ, đảm bảo an ninh trật tự đô thị nên người dân rất phấn khởi", anh Trường nói.

Ghi nhận tại đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu (Quận 1), khu vực này nằm ngay sát chợ Bến Thành với hàng loạt điểm giữ xe lớn nhỏ. Theo quan sát, dù đây là 2 tuyến đường luôn đông nghẹt người dân và du khách di chuyển nhưng không tồn tại bãi giữ xe dưới lòng đường như trước đây.

Ông Dương Văn Minh (nhân viên bảo vệ tại một cơ sở kinh doanh trên đường Phan Chu Trinh) cho biết, TP.HCM cho phép người dân sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố có thu phí sẽ tạo không gian buôn bán ổn định, trật tự.

Đường Phan Bội Châu có vị trí sát chợ Bến Thành được UBND Quận 1 bố trí thí điểm làm điểm kinh doanh hàng hóa.

Đại lộ Võ Văn Kiệt có vỉa hè rộng rãi cũng được UBND TP.HCM đưa vào thí điểm thu phí sử dụng một phần vỉa hè.

Tại đường Cô Bắc (Quận 1), dù đã được lực lượng chức năng đánh giá đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa nhưng vẫn xuất hiện tình trạng hàng quán ngổn ngang dưới lòng đường và trên vỉa hè.

"Hè phố trên địa bàn Quận 1, các tổ chức, cá nhân sử dụng đều phải đăng ký hoặc đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời theo quy định, cơ bản việc sử dụng hè phố đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ, công tác tuyên truyền và xử lý việc lấn chiếm vỉa hè các cơ quan, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ", ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND Quận 1 nói.

Theo Chủ tịch UBND Quận 1, việc quản lý và sử dụng một phần hè phố trên địa bàn quận cần phải tăng cường chấn chỉnh hơn nữa và thực hiện nghiêm, đảm bảo hè phố tối thiểu 1,5m (không tính phần bó vỉa) dành cho người đi bộ và không lấn chiếm lòng đường.

Liên quan đến việc tìm kiếm, xác định và đăng ký sử dụng một phần hè phố để kinh doanh, ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Quận 1 cho biết, người dân có thể thực hiện việc đăng ký thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố Quận 1".

"Phần mềm sẽ giúp người dân tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số phố. Bên cạnh đó, Quận 1 cũng triển khai ứng dụng thu phí, lệ phí trực tiếp nộp vào ngân sách Nhà nước ưu tiên không dùng tiền mặt để tạo thuận lợi cho người dân", ông Phát nói.

Vỉa hè thuộc diện "cho thuê" phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2.

Việc thu phí cũng sẽ được thành phố áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/can-canh-11-tuyen-duong-dau-tien-o-tp-hcm-thi-diem-thu-phi-via-he-ar869983.html