Cảm niệm về người thầy

Học Phật chính là giác ngộ, học Phật để giải thoát. Người con Phật, hàng hậu học vẫn chỉ mong đền đáp được các công ơn do người thầy đã trao gửi.

Nhắc đến tinh thần tri ân, báo ân thì đã nhắc đến Đạo Phật. Vì chính đức Phật khi đã làm thầy của tam giới, gồm cõi trời và cõi người nhưng vẫn nhớ ơn người thầy hướng dẫn cho mình trên lộ trình xuất gia ban sơ. Vậy chúng ta, người con Phật, hàng hậu học vẫn chỉ mong đền đáp được các công ơn do người thầy đã trao gửi.

Tác giả: Tuệ Đăng

Trong các ngành nghề tại thế gian, thì ai ai cũng nhận ra một điều nghề gõ đầu trẻ là một nghề cao quý, cao thượng luôn được tôn trọng và trân quý. Biết rằng, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ về nền khoa học và kỹ thuật thuật cho đến thế nào đi chăng nữa thì nghề Giáo dục, dạy học luôn được xem trọng. Bởi thế nên, Ông cha ta đã khẳng định: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ cũng thầy mà nửa chữ cũng thầy, hay câu “không thầy đố mày làm nên” cũng chính là nhắc đến giá trị người thầy giáo, người hướng dẫn đồ chúng học chữ, học nói, học gói, học mở, học đạo đức nhân nghĩa, lẽ phải một cách sống, một lẽ đẹp, quan trọng hơn là giáo dục về chữ nghĩa.

Trong giáo lý nhà Phật, gọi đó nền tảng căn bản của giới, của đạo đức trong con người và phép tắc chung cho một con người hoàn thiện cần có: “Phật giáo còn xây dựng mẫu người đạo đức đó là con người từ bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha mà thâu tóm là đứng vững trên hai chân: từ bi và trí tuệ”[1]. Trong đạo Nho, Khổng tử dạy cho những người học trò cần có đủ 5 đức: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Đức Phật là bậc mô phạm của trời người, trong những năm Ngài đi giáo hóa cũng đã tự mình dấn thân, Ngài tự mình đem giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ, dạy hàng đệ tử, dù là xuất gia hay tại gia. Ngài giáo hóa cho chúng sinh, trời và người với tâm đại từ bi, với lòng bi mẫn của một bậc đạo sư khả kính. Không ai không kính phục Ngài, đến với Ngài nghe học giáo pháp đều lễ kính, quỳ gối đảnh lễ, xin quy ngưỡng và nguyện trọn đời học và giữ trọn vẹn giáo pháp Ngài đã chỉ dạy như: 5 anh em Cassapa, Moggalana, Upali, Angulimala, … Dưới sự hướng dẫn của đức Phật thì ai nấy đều hoan hỷ nghe pháp, thực hành pháp.

Cũng vậy, khi còn đang học trên ghế nhà trường dù là hàng xuất gia, hay cư sĩ chúng ta được các vị thầy khả kính hướng dẫn về giáo lý Kinh, Luật, Luận hay các môn học ngoại điển như triết học Tây Phương, Tín ngưỡng và Tôn giáo, Tâm lý học… thì chúng ta vẫn được chỉ dạy rất chu đáo không những về giáo lý, bài vở mà còn được nhận lại kinh nghiệm, kiến thức, cách sống, cách nói chuyện và cả sự chia sẻ vô cùng sâu rộng của các thầy – cô.

Đức Phật khi đã làm thầy trời người nhưng vẫn nhớ ơn người thầy hướng dẫn cho mình trên lộ trình xuất gia ban sơ.

Từ thời học Trung cấp Phật học, dưới sự giáo huấn của Hòa Thượng Viện Trưởng Thượng Thích Từ Thông, bản thân con là người nghe được những lời chỉ dạy: “Cho dù học Kinh, hay các môn ngoại điển thì cũng là học, quý vị đừng xem thường”. Ngài khẳng định việc “học Phật chính là giác ngộ, học Phật để giải thoát”, một câu nói ghi trước lớp học, Ngài đã khẳng định giá trị của việc học giáo pháp quan trọng như thế nào trong đời sống tu học của một tăng, ni sinh đã và đang học tại ngôi trường này. Chính câu nói đó, nếu ai đã là học viên của trường đều ghi nhớ câu kệ này vì ý nghĩa lời dạy vô cùng sâu sắc, thấm đậm một lẽ sống, một lẽ về sự tu học trên bước đường học đạo. Cũng chính câu kệ, đã làm con tỉnh thức thấy rõ, nhận chân được giá trị đích thực của việc học đạo.

Trong Kinh Ca-la-thi-việt thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Phật dạy về sự lễ lạy, kính lễ về: “Này Gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt.”[2] Mục đích cao thượng mà người muốn gửi gắm chính là người trò phải biết tôn trọng, khiêm nhường và luôn nhẫn nại với lời thầy dạy. Chính năm điều này sẽ làm tăng trưởng thiện tâm cho học trò, và cũng muốn học trò có trí tuệ, điều đó khẳng định vị thầy lúc nào cũng hướng về người đệ tử, cùng trao gửi cái hay, điều tốt đẹp giúp người trò không chỉ có kiến thức, mà còn đi kèm hạnh đức, oai phong của người học đạo. Tinh thần ấy, chính là sự tri dưỡng, không mong đền đáp. Nhưng, người học trò phải luôn biết mình và thể hiện lòng tri ân, báo ân xứng đáng đối với người thầy. Thế nên, người xưa dạy:

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”,

Trên tinh thần hiếu đạo, hiếu học thì còn chữ lễ nghĩa, vì mỗi học trò mới đến trường đã được thầy cô dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn.” Vì thế, công ơn của người thầy giáo, giáo sư hay giáo thọ trong trường Phật học đều có công lớn khi truyền đạt lại tri thức và trí tuệ cho người học trò. Biết học trò còn vụng dại, nên khi học trò phạm lỗi, thầy vẫn chấp nhận và tha thứ. Cho dù Thầy đưa ra các hình phạt khắt khe, thì cũng chỉ mong những đứa học trò của mình có đạo đức để sau này trên con đường hành đạo, hướng dẫn lại người sau cũng không bị những sai lầm.

Nhắc đến tinh thần tri ân, báo ân thì đã nhắc đến Đạo Phật. Vì chính đức Phật khi đã làm thầy trời người nhưng vẫn nhớ ơn người thầy hướng dẫn cho mình trên lộ trình xuất gia ban sơ. Vậy chúng ta, người con Phật, hàng hậu học vẫn chỉ mong đền đáp được các công ơn do người thầy đã trao gửi. Kính chúc các giáo thọ sư trong trường Phật học mùa tri ân an lạc, mãi là bóng cây gạo cội cho hàng học trò noi dấu son các ngài.

Ngày 20/11 hằng năm chính thức là lễ tri ân những người thầy, cô giáo, chính con đây là một học viên còn đang học trên mái nhà trường HVPGVN, Khoa đào tạo từ xa xin chia sẻ một vài tâm niệm của một kẻ sơ cơ, vô minh còn nhiều tham, sân… đang trên con đường tầm cầu học hỏi giáo pháp của đức Phật và sự truyền trao kiến thức của các bậc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức giáo thọ sư đã nhiều năm nghiên cứu học hành, dịch kinh, viết sách dạy dỗ về chữ nghĩa, văn tự, ngôn từ, cách học và hành pháp trong đời sống như thế nào để phù hợp đạo hạnh. Các Ngài xứng danh người mô phạm của chúng con trên bước đường tu nhân, học Phật.

***

Tác giả: Tuệ Đăng

Tăng sinh khoa Đào tạo từ xa Khóa 7

Đ/c: Tịnh Xá Ngọc Thiền-P3- TP. Đà Lạt

Chú thích:

[1] https://vedepphatphap.vn/gia-tri-cua-dao-duc-phat-giao-trong-doi-song-xa-hoi-hien-nay.html. Truy cập ngày 17/11/2022.

[2] https://hoavouu.com/p16a18142/1/33-kinh-thi-ca-la-viet-le-bai-sau-phuong, Truy cập ngày 15/11/2023.

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, Kinh Ca-la-thi-việt, NXB. Viện Nghiên cứu HVPGV ấn hành, 1992.

2. https://vedepphatphap.vn/gia-tri-cua-dao-duc-phat-giao-trong-doi-song-xa-hoi-hien-nay.html. Truy cập ngày 17/11/2022.

3. https://hoavouu.com/p16a18142/1/33-kinh-thi-ca-la-viet-le-bai-sau-phuong, Truy cập ngày 15/11/2023

Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtube.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cam-niem-ve-nguoi-thay.html