Cái khó đủ đường

Cách trung tâm xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) 20 km, thôn Nậm Trà và thôn Nậm Phẳng được ví như 'ốc đảo', vì để đến được 2 thôn này cần đi qua quãng đường rất khó khăn. Đặc biệt, đây cũng là 2 thôn chưa có điện lưới quốc gia.

“Ốc đảo” ở xã Gia Phú:

Tuyến đường nối từ trung tâm xã Gia Phú đến 2 thôn Nậm Trà và Nậm Phẳng có đến 15 km (chiếm 75% chiều dài) đang hư hỏng, trong đó 4 km xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng. Toàn tuyến còn có khoảng 6 điểm thường xuyên sạt lở vào mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Đây cũng là tuyến đường duy nhất nối trung tâm xã Gia Phú với 2 thôn này.

Đường lên Nậm Trà và Nậm Phẳng xuống cấp nghiêm trọng.

2 thôn có 245 hộ (100% là hộ đồng bào Dao), với 796 nhân khẩu. Để tới 2 thôn, chúng tôi rất vất vả mới có thể điều khiển được phương tiện vượt qua quãng đường lởm chởm đá, nhiều đoạn đất bị xói mòn do mưa lũ tạo thành những rãnh sâu ngang bánh xe. Vì đang là mùa mưa bão nên trên dọc tuyến xuất hiện nhiều điểm đất ở taluy dương sạt lấp gần hết mặt đường; một số điểm, nước từ trên cao chảy ồ ạt tràn cả vào lòng đường.

Cô Lê Vân Anh, giáo viên mầm non từng có nhiều năm gắn bó với 2 thôn vùng cao này nên rất thấu hiểu khó khăn mà bà con đang gánh chịu. Cô cho biết, bà con rất vất vả mới dành dụm mua được chiếc xe máy nhưng chỉ sau vài tháng di chuyển trên tuyến đường này, xe nào cũng phải đi sửa hoặc thay thế phụ tùng. Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân lôi xe từ taluy âm lên do bị ngã trong khi di chuyển trên đoạn đường này. Vào những ngày mưa lớn, các giáo viên tiểu học và mầm non của thôn đều chọn ngủ lại trường để đảm bảo an toàn, bởi nhiều điểm có thể sạt bất ngờ. Các giáo viên vẫn nói với nhau, lên đến thôn thì chẳng muốn về nhà vì khi về nhà, nghĩ đến đoạn đường lên trường lại rùng mình.

Giao thông không thuận lợi khiến nông sản của bà con làm ra nhiều nhưng giá bán chẳng được bao nhiêu. Ông Chảo Láo Lở, người dân thôn Nậm Trà ví dụ: Nếu 1 kg gà thả đồi do bà con nuôi mang ra chợ Bến Đền bán sẽ có giá khoảng 120 - 130 nghìn đồng, nhưng vì giao thông quá khó khăn nên bà con chấp nhận bán tại thôn với giá khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg cho tư thương. “Ví như thế để thấy rằng, nếu chúng tôi mang gia cầm ra xã bán sẽ được giá cao, nhưng vì giao thông quá khó khăn mà chấp nhận bán rẻ, vừa đỡ mất thời gian di chuyển, vừa không phải sửa xe”, ông Lở xót xa.

Không chỉ khó khăn về giao thông, gần 800 nhân khẩu ở Nậm Trà và Nậm Phẳng ngày ngày còn phải đối mặt với những bất cập khi không có điện lưới quốc gia. Trường Tiểu học số 5 Gia Phú nằm trên địa phận thôn Nậm Trà có hơn 80 học sinh diện bán trú. Vào những ngày có ánh nắng mặt trời, việc làm đầu tiên của các giáo viên trong trường trước khi lên lớp là mang đèn năng lượng mặt trời ra phơi để tối đến học sinh có ánh sáng học bài. Tại các lớp, hệ thống quạt trần được lắp đầy đủ nhưng rất hiếm khi được sử dụng vì phụ thuộc vào nguồn nước để chạy máy thủy điện nhỏ. Theo các giáo viên, trước đây có một số máy thủy điện nhỏ (được các nhà hảo tâm tài trợ) nhưng trường đã phải cất vào kho khá nhiều do hỏng, một số bị mất trộm và bị lũ cuốn trôi, số còn lại hoạt động chập chờn do nguồn nước thiếu ổn định. Hoặc như gia đình anh Vàng Sành Guyện thuộc diện khá giả ở Nậm Trà, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, anh đã mua tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện và máy phát điện nước để vận hành các thiết bị trên. Tuy nhiên, do nguồn điện yếu, chập chờn nên các thiết bị của gia đình anh không sử dụng nhằm tránh hư hỏng.

Theo ông Phạm Minh Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú, xã đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành chức năng về vấn đề đầu tư hạ tầng điện lưới quốc gia cho 2 thôn nghèo vùng cao, nhưng đến nay chưa được đáp ứng. Theo tính toán, kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi số hộ nghèo của 2 thôn cao nên khó huy động nguồn xã hội hóa tại chỗ. Giao thông không thuận lợi, không có điện lưới quốc gia đang là rào cản lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở 2 thôn ở mức cao (thôn Nậm Trà là 90%, thôn Nậm Phẳng là 38%) và con số này giảm khá chậm trong những năm qua.

Thay cho lời kết, chúng tôi xin dẫn lời các cô giáo Trường Tiểu học số 5 xã Gia Phú: “Nậm Phẳng chỉ cách xã Nậm Cang (Sa Pa) một con suối nhỏ nhưng bên kia suối, đêm về điện sáng mỗi nóc nhà. Còn thôn Nậm Trà nằm giáp thôn Tả Thàng (cùng xã) nhưng mỗi tối hắt hiu đèn dầu trong khi bên Tả Thàng rực sáng ánh điện. Chỉ cách nhau một con suối, một đoạn đường nhưng cuộc sống thì hoàn toàn đối nghịch. Có điện, bà con sẽ được xem ti vi, được tiếp cận những tiến bộ khoa học, xã hội...”.

Thu Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/cai-kho-du-duong-z36n20191008075307456.htm