Cải cách doanh nghiệp Nhà nước: Ý chí kinh tế, ý chí chính trị

Vị trí của khu vực kinh tế nhà nước cho đến thời điểm này vẫn đang là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi xoay quanh câu chuyện sửa đổi Hiến pháp. Đáng nói là dự thảo sửa đối Hiến pháp được đưa ra gần đây vẫn giữ nguyên việc hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc vai trò của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước vẫn giữ vị trí trung tâm. Hệ quả của quá trình này đã được chỉ ra nhiều lần, quan trọng hơn là nó đã được thấu hiểu, trải nghiệm qua thực tiễn. Một lần nữa câu chuyện về phân phối các nguồn lực lại dấy lên những lo âu.

Chủ đạo hay không chủ đạo

“Vai trò chủ đạo” được các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện ra sao? Khi nhìn vào thực tiễn đã diễn ra gần đây, câu trả lời là rất rõ ràng. Theo kết quả mới cống bố đầu tháng 10 của thanh tra chính phủ, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư vốn ngoài ngành lên đến gần 122000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ xấp xỉ 77000 tỉ đồng, có nghĩa là đầu tư ngoài ngành của EVN đã lên đến 45000 tỉ đồng, vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Với khoản đầu tư lớn như thế, EVN chịu lỗ đến 2195 tỉ đồng.

DNNN còn được hưởng lợi từ góc độ pháp lý, chính sách (đất đai, vốn, tính dụng, hợp đồng mua sắm công), tạo nên một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa họ và khu vực tư nhân mà đáng nói nhất là dân doanh nội địa. Khu vực tư nhân vì thế bị DNNN lấn át về cả cơ hội lẫn nguồn lực, khiến họ không thế phát triển hết tiềm năng vốn có.

Trường hợp thua lỗ của Vinashin là cú sốc lớn của cả nước. Theo kết quả thanh tra, nợ phải trả của Vinashin đến hết ngày 31/12/2009 là hơn 86700 tỉ đồng. Con số khổng lồ này chỉ như phần nổi của tảng băng chìm khi những hậu quả kinh tế xã hội của khối nợ này vẫn đeo bám dai dẳng cho đến nay.

Những người bảo lưu quan điểm về vai trò của các DNNN có những lập luận của họ. Bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2012 được công bố trung tuần tháng 10 biểu dương các DNNN, khiến nhiều ý kiến cổ vũ vai trò của khối DNNN và cho rằng doanh nghiệp tư nhân đang tỏ ra yếu kém trong việc đóng góp vào ngân sách. Tuy nhiên, để cùng nộp được cùng một đồng thuế, khu vực DNNN rõ ràng đang được hưởng quá nhiều đặc lợi.

Theo Tổng cục thống kê 2012, DNNN nhận tới 37,8% vốn đầu tư, 43,5% ngân sách so với 38,9% vốn đầu tư và 27% ngân sách của khu vực ngoài nhà nước. Nhưng DNNN chỉ đóng góp 32,6% cho GDP và khối ngoài nhà nước lại đóng góp đến 49,3% GDP. Khu vực ngoài nhà nước cũng giải quyết tới 61,8% việc làm, trong khi con số tương ứng của DNNN chỉ là 14,7%.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn chỉ ra, các DNNN đang sử dụng phần lớn tài nguyên, đất đai, vốn… một cách lãng phí. Số thuế mà họ nộp chưa chắc đã bù đắp được các nguồn lực bị tiêu phí.

Ý chí chính trị là quyết định

Ông Vũ Thành Tự Anh trong một báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu Fulbright Việt Nam cũng nhận định: “Hiệu quả và vai trò của khu vực DNNN ngày một suy giảm so với khu vực tư nhân, đồng thời đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế hoàn toàn không tương xứng với những ưu ái và nguồn lực mà khu vực này đang được hưởng”.

Cũng trong báo cáo này, ông Anh còn chỉ ra rằng thực trạng này bắt nguồn từ hệ thống thể chế, mà chính xác hơn là việc hiến định vai trò “chủ đạo” cho các DNNN. Sai lầm của hướng đi này có thể được tổng hợp qua mấy điểm:

Các DNNN lớn được hưởng thế độc quyền trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu (khoáng sản, nhiên liệu, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng…) và thế thống lĩnh trong bất cứ thị trường nào mà chúng tham gia. Hệ quả là các DNNN được “miễn” cạnh tranh nội địa và luôn là người thắng cuộc.

Thứ nhất, các DNNN lớn được hưởng thế độc quyền trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu (khoáng sản, nhiên liệu, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng…) và thế thống lĩnh trong bất cứ thị trường nào mà chúng tham gia. Hệ quả là các DNNN được “miễn” cạnh tranh nội địa và luôn là người thắng cuộc. Vinashin là một trường hợp ngoại lệ vì bị buộc phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế, làm bộc lộ hết những điểm yếu chết người của tập đoàn này, khiến nó sụp đổ ngay khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập tới.

Thứ hai, DNNN còn được hưởng lợi từ góc độ pháp lý, chính sách (đất đai, vốn, tính dụng, hợp đồng mua sắm công), tạo nên một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa họ và khu vực tư nhân mà đáng nói nhất là dân doanh nội địa. Khu vực tư nhân vì thế bị DNNN lấn át về cả cơ hội lẫn nguồn lực, khiến họ không thế phát triển hết tiềm năng vốn có.

Hai đặc trưng này khiến các DNNN ngày càng thụ động, ỷ lại vào “bầu sữa” nhà nước. Hệ quả tất yếu là chúng trở nên trì trệ và kém hiệu quả. Đặc biệt với tính quan liêu vốn có của hệ thống nhà nước, tính chịu trách nhiệm của DNNN là rất thấp. Một hệ quả khác, đó là khi phải đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc gia, các DNNN trì trệ và kém hiệu quả buộc nhà nước phải tiếp thêm nguồn lực để giải cứu.

Vô hình chung quá trình này tiếp tục làm hao phí thêm các nguồn lực nhà nước, thậm chí hệ quả đáng nói nhất chính là việc này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và nợ công quốc gia. Người chịu hậu quả sau cùng không ai khác chính là người dân – những người nộp thuế.

Những bất cập về sự thiếu công bằng đang diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam đã rất rõ ràng, với bức tranh về nguồn lực bỏ ra tương quan với lợi ích thu vào. Nhìn nhận sự thật là một chuyện, ý chí nhà nước nhìn từ góc độ thể chế để thực hiện một sự thay đổi thật sự đang ở đâu?

Xác định được ý chí này là khởi điểm đầu tiên cho cải cách. Không những mang tính thông điệp cho thị trường, mà còn là kim chỉ nan điểu chỉnh cách tín hiệu cải cách khác trong những năm sắp tới.

Nhật Anh

Ảnh TL (mang tính minh họa)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/kinh-te/cai-cach-doanh-nghiep-nha-nuoc-y-chi-kinh-te-y-chi-chinh-tri/