Cách tiếp cận của Australia đối với an ninh khu vực: Một lựa chọn 'khôn khéo', không mấy bất ngờ

Các cơ chế hợp tác 'tiểu đa phương' đã trở thành trọng tâm trong cách tiếp cận của Australia đối với an ninh khu vực.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ ở Tokyo ngày 24/5. (Nguồn: Reuters)

Hợp tác nhóm nhỏ

Sự góp mặt của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ vừa qua ở Tokyo (Nhật Bản), ngay sau khi ông có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson về quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS (Mỹ, Anh và Australia), dường như cho thấy cơ chế hợp tác nhóm nhỏ - “tiểu đa phương” - đã trở thành trọng tâm trong cách tiếp cận của Australia đối với an ninh khu vực.

Việc tân Thủ tướng Australia gấp rút tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ chỉ vài giờ sau khi nhậm chức cho thấy ông đặc biệt đề cao tầm quan trọng của cơ chế hợp tác này, cũng giống như người tiền nhiệm Scott Morrison.

Về bản chất, “tiểu đa phương” là cơ chế hợp tác dạng nhóm nhỏ, bao gồm các quốc gia (thường từ 3-6 thành viên) có cùng mục tiêu, tập hợp để cùng nhau tìm ra giải pháp thiết thực nhằm giải quyết những thách thức chung.

Các thể chế “tiểu đa phương” có đặc tính riêng, thường tập hợp các thành viên nhằm hướng đến mục tiêu chung, đây chính là động lực để gắn kết họ. Đây cũng là điểm khác biệt giữa các thể chế “tiểu đa phương” so với các diễn đàn đa phương khu vực có quy mô lớn hơn.

Thể chế “tiểu đa phương” được thiết kế để tập trung vào một lĩnh vực cụ thể như kinh tế hay an ninh, hoặc nhằm thông qua một chương trình nghị sự chung đa phương diện và toàn diện hơn.

Các thể chế “tiểu đa phương” là các nhóm “mở”, cho phép chúng làm sâu sắc và mở rộng hơn lĩnh vực hợp tác hay kết nạp thêm các thành viên, miễn là các quốc gia có nguyện vọng gia nhập chia sẻ chung sứ mệnh và giá trị cốt lõi của các thể chế này.

Tuy nhiên, việc kết nạp thêm thành viên mới mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng, hoặc có quá đông thành viên mới, có thể làm suy yếu mục tiêu và giá trị của nhóm, qua đó có nguy cơ trở thành tổ chức đa phương.

Tính toán dễ hiểu

Việc Australia thể hiện mối quan tâm hàng đầu đối với cơ chế “tiểu đa phương” là tương đối dễ hiểu.

Mạng lưới liên kết hợp tác quốc phòng đáng nể của Australia gồm mối quan hệ đồng minh trụ cột với Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản và các cơ chế hợp tác rộng hơn, không chỉ giới hạn ở cơ chế hợp tác 3 bên hay 4 bên.

Với vai trò là một “cường quốc bậc trung” có vị trí địa chiến lược quan trọng, Australia chịu sự chi phối, ảnh hưởng sâu sắc bởi dòng xoáy cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng thiếu nguồn lực nội tại và khả năng tự chủ về an ninh.

Do đó, xét một cách chiến lược, Australia cần đồng minh, đối tác và cơ chế “tiểu đa phương” để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình (thường đi kèm với các giá trị của Australia).

Một vài cơ chế “tiểu đa phương” như nhóm Bộ tứ, AUKUS và các cơ chế hợp tác khác cũng kết nối với hệ thống liên minh theo mô hình “trục bánh xe và nan hoa” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây được coi là điểm tựa mà Australia dựa vào để đảm bảo an ninh quốc gia của mình và duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Mặc dù kém nổi bật hơn so với các cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh, song những đóng góp của Australia cho nhóm Bộ tứ và AUKUS được các đối tác nhìn nhận tích cực.

Australia mang lại một số lợi ích như vị trí địa chiến lược (các bãi diễn tập và cơ sở vật chất), tầm ảnh hưởng về ngoại giao (nhất là ở khu vực Nam Thái Bình Dương ngày càng quan trọng), lực lượng quân đội tuy ít nhưng có năng lực (cùng với kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng) và một thái độ luôn sẵn sàng.

Đổi lại, Australia tăng cường tương tác với các đối tác lớn, tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến và giành được tiếng nói có ảnh hưởng lớn hơn trong định hình an ninh khu vực.

Mặc dù các cuộc thảo luận về hoạt động của Australia trong các thể chế “tiểu đa phương” chủ yếu hướng đến nhóm Bộ tứ và AUKUS, một vài cơ chế “tiểu đa phương” khác vẫn đóng vai trò quan trọng đối với chính sách chiến lược của Australia.

Cụ thể, tiến trình Đối thoại chiến lược 3 bên (TSD) mà Mỹ, Nhật Bản và Australia khởi xướng từ năm 2001 được đánh giá là tiềm năng nhưng đã quá lâu để có thể tái khởi động.

Tương tự, “Thỏa thuận Phòng thủ 5 cường quốc” (FPDA) năm 1971 - gồm Australia, Anh, New Zealand, Malaysia và Singapore - thường bị bỏ qua, song nó vẫn là động lực quan trọng cho hợp tác quốc phòng ở Đông Nam Á, tạo ra sự “cộng hưởng” với AUKUS và chính sách “hướng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Anh.

Bất kỳ cơ chế “tiểu đa phương” nào cũng có thể bị giải thể, nhưng một số cơ chế nhất định dường như đang ngày càng trở nên mạnh hơn, trong đó có thể kể đến nhóm Bộ tứ, AUKUS.

Có lý do chính đáng để Australia ủng hộ tiến trình hội nhập sâu hơn thông qua các cơ chế “tiểu đa phương” quan trọng mà nước này tham gia, vì chúng mang lại những điểm “song trùng giá trị” với (hoặc thay thế cho) quan hệ liên minh với Mỹ và cấu trúc đa phương khu vực.

Ở khía cạnh này, các cơ chế trên giúp bổ sung một công cụ mạnh mẽ khác vào bộ công cụ chiến lược và ngoại giao của Canberra, trong bối cảnh Australia phải đối mặt với những thách thức chưa từng có đối với an ninh quốc gia của mình.

(theo aspistrategist.org.au)

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-tiep-can-cua-australia-doi-voi-an-ninh-khu-vuc-mot-lua-chon-khon-kheo-khong-may-bat-ngo-185787.html