Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt khiến hàng trăm người mắc. Nhận định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh, ông Long nghi do nhóm vi khuẩn.

Đoàn công tác của Bộ Y tế và các chuyên gia tuyến trên đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hỗ trợ công tác điều trị cho các bệnh nhi bị ngộ độc nặng. Ảnh: H.Dung

“Năm nay thời tiết nắng nóng khắc nghiệt trên phạm vi cả nước. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Do đó, người chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng nên chọn mua, sử dụng thực phẩm của những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm và ngược lại; thận trọng đối với các thực phẩm được bày bán ngoài lề đường, bán hàng rong, nhất là những món ăn được chế biến sẵn” - ông Long lưu ý.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín, uống chín; rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không để lẫn lộn thức ăn chín và thức ăn sống để tránh nhiễm khuẩn chéo; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn; các dụng cụ chế biến, bảo quản, đun nấu thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ…

Người dân nên chú ý các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm để đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Cụ thể, biểu hiện của ngộ độc thức ăn có thể là tiêu chảy, đau bụng âm ỉ hay quặn từng cơn, buồn nôn và nôn, có khi kèm theo sốt cao, lạnh run.

Biểu hiện ngộ độc nặng là khi người bệnh có biểu hiện khát nước nhiều, khô môi, mắt trũng, da nhăn nheo, giọng nói yếu, tay chân lạnh, mạch nhanh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, sốt cao kéo dài…

Mức độ nặng, nhẹ của bệnh tùy thuộc vào tác nhân gây ngộ độc, độ tuổi và cơ địa của mỗi người. Ở người cao tuổi, người bệnh mạn tính, trẻ còn quá nhỏ thì bệnh nhanh chóng tiến triển nặng, vì sức chịu đựng kém của cơ thể với tình trạng mất nước và nhiễm trùng. Đối với người trưởng thành, sức khỏe tốt, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể thoáng qua hoặc đến muộn hơn. Tuy nhiên, dù bất kỳ ai cũng không được chủ quan, cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị dứt điểm, kịp thời.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/cach-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-fe16a55/