Các nhà cung cấp LNG đặt kỳ vọng vào Trung Quốc

Các nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) đang đặt cược vào Trung Quốc để thúc đẩy nhu cầu của loại nhiên liệu siêu lạnh này trong dài hạn bất chấp việc nhập khẩu giảm tốc vào năm ngoái, Reuters đưa tin.

Ảnh minh họa

Nhập khẩu LNG của Trung Quốc đạt gần 79 triệu tấn vào năm 2021, vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới trong năm đó. Tuy nhiên, các biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch Covid-19 đã hạn chế nhu cầu LNG giao ngay vào năm 2022, khi lượng nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 63 triệu tấn.

Ông Andrew Barry, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị LNG toàn cầu của ExxonMobil, khẳng định công ty coi Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng mạnh và lâu dài. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng công suất nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ đạt hơn 200 triệu tấn vào năm 2030.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế tiếp tục hạn chế nhu cầu LNG giao ngay của Trung Quốc. Nhập khẩu LNG của quốc gia này chỉ đạt 39 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm 2023.

“Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới? Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng nhu cầu sẽ quay trở lại. Cơ sở hạ tầng đã có, nhu cầu sẽ đến”, ông Barry nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị Gastech.

Ông cho biết Exxon đang xem xét các cơ hội LNG tiềm năng ở hạ nguồn tại quốc gia này.

Khí đốt chiếm 9% trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2021 và nước này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 15% vào năm 2030.

Giám đốc thương mại của Cheniere Energy Anatol Feygin cho biết, khi nền kinh tế nước này phát triển và với mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, Trung Quốc có thể sẽ hoàn thành kế hoạch cung cấp 15% năng lượng sơ cấp từ khí đốt.

“Chúng tôi rất tự tin rằng Trung Quốc sẽ là thị trường 100 triệu tấn, có khả năng sẽ đạt khoảng 130 triệu tấn vào đầu thập kỷ tới. Chúng tôi nghĩ rằng LNG có một vai trò rất mạnh mẽ đối với nhu cầu khí đốt của Trung Quốc”, ông Feygin nói.

Kế hoạch dài hạn

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã ký một loạt thỏa thuận dài hạn từ các nhà cung cấp bao gồm Qatar và Mỹ trong những tháng gần đây, điều mà ông Barry cho biết mang lại “sự tự tin rất lớn”.

Sinopec và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) mỗi bên đã ký hợp đồng kỷ lục 27 năm với QatarEnergy để tiếp nhận 4 triệu tấn LNG mỗi năm.

Vào tháng 7, Công ty năng lượng Chiết Giang của Trung Quốc đã ký hợp đồng cung cấp 20 năm với Mexico Pacific Ltd, trong khi China Gas Holdings vào tháng 2 đã đồng ý ký hai hợp đồng cung cấp LNG 20 năm với 2 triệu tấn được cung cấp bởi nhà xuất khẩu Venture Global LNG của Mỹ.

Công ty khí đốt tự nhiên ENN của Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận kéo dài hai thập kỷ với Cheniere với khối lượng 1,8 triệu tấn mỗi năm.

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phần lớn nhu cầu LNG của Trung Quốc đã được đáp ứng bằng các hợp đồng dài hạn, nhưng sau năm 2030, nguồn cung không đến từ các hợp đồng đã ký sẽ bắt đầu tăng lên”, theo ông Miaoru Huang, Giám đốc nghiên cứu của Asia Pacific Gas & LNG tại Wood Mackenzie.

“Vì vậy, vẫn có khả năng người mua Trung Quốc sẽ thèm muốn các hợp đồng LNG mới”, ông Huang nói thêm, đồng thời dự báo rằng nhu cầu LNG của Trung Quốc có thể đạt từ 120 - 130 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040.

Rystad Energy dự báo đến năm 2030, khoảng cách giữa khối lượng LNG theo hợp đồng hiện tại của Trung Quốc và nhu cầu sẽ là 32 triệu tấn, sau đó tăng lên 80 triệu tấn vào năm 2040.

Trong khi đó, bà Min Na, người đứng đầu mảng LNG châu Á tại Energy Aspects, cho biết nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ tăng thêm 5 triệu tấn trong năm nay và từ 6 - 7 triệu tấn trong năm 2024.

Đỗ Khánh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-nha-cung-cap-lng-dat-ky-vong-vao-trung-quoc-693676.html